Multimedia Đọc Báo in

Bất cập hóa đơn tự in

Quản lý hóa đơn: Thiếu những biện pháp từ gốc

11:50, 14/10/2013

Kỳ cuối: Quản lý hóa đơn: Thiếu những biện pháp từ gốc

Tình trạng “mua cao bán thấp”, thành lập DN chỉ nhằm mua bán hóa đơn để trục lợi tiền thuế của Nhà nước… gây nhiều hệ lụy như đã nêu ở bài trước, đã được các cơ quan báo chí, DN lẫn ngành thuế địa phương lên tiếng báo động, nhưng cho đến thời điểm này, các giải pháp ngăn chặn vẫn chỉ mới dừng lại ở tính sự vụ, ngắn hạn, thiếu tính căn cơ.

Loay hoay chống đỡ

Còn nhớ ngay từ những tháng cuối năm 2012, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục cảnh báo một tình trạng bất thường trên thị trường cà phê, đó là “mua cao, bán thấp”; DN mua hàng của người trực tiếp sản xuất nhưng sử dụng hóa đơn của DN ngoài tỉnh dưới hình thức tạo lập hóa đơn không hợp pháp “bán ngược” cà phê lên các tỉnh có sản lượng cà phê lớn như Dak Lak, Lâm Đồng… để từ đó làm căn cứ khấu trừ thuế và hoàn thuế VAT. Vậy mà mãi đến tháng 4-2013, Tổng cục Thuế mới triển khai đoàn công tác để trực tiếp nắm tình hình tại các tỉnh Tây Nguyên và sau đó mới ban hành công văn chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh cà phê! Điểm mấu chốt là công văn này cho phép tất cả các trường hợp hoàn thuế có liên quan đến mặt hàng cà phê đều đưa vào đối tượng kiểm tra trước hoàn; đối với các trường hợp DN ngoài tỉnh “xuất bán” cà phê vào tỉnh chuyên canh cà phê thì phải xác minh số thuế đầu vào đã thực nộp, nếu mua bán qua nhiều khâu trung gian và DN bán đã “bỏ trốn” theo thông báo của cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì dừng khấu trừ thuế VAT. Cũng liên quan đến việc ngăn chặn tình trạng này, đầu tháng 6-2013, Bộ Tài chính mới ban hành Công văn 7527 về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, chính thức đưa các DN kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sử dụng các hóa đơn bán hàng của DN có trụ sở tại địa phương khác không có nguồn nguyên liệu vào loại DN rủi ro cao về thuế. Với những DN này, nếu mua hàng hóa qua nhiều khâu trung gian thì phải kiểm tra các khâu trung gian; chỉ hoàn thuế khi các DN trung gian đã kê khai, nộp thuế VAT theo đúng quy định. Qua đó cho thấy, kiểm tra tận người bán hàng đầu tiên là cần thiết nhưng tốn rất nhiều thời gian, chi phí và rất dễ “xử oan” những DN chân chính nhưng chẳng may mua cà phê của đối tác có liên quan đến các DN “ma, mặc dù việc mua bán của DN là có thật. Thật ra, những biện pháp trên đã được ngành thuế Dak Lak triển khai áp dụng từ trước, còn nếu cứ thụ động chờ hướng dẫn của cấp trên thì không biết tình hình còn phức tạp đến đâu.

Cần có biện pháp để hạn chế đối tượng được in hóa đơn (ảnh minh họa).
Cần có biện pháp để hạn chế đối tượng được in hóa đơn (ảnh minh họa).

Bên cạnh sự chỉ đạo, điều hành chậm trễ của ngành thuế cấp trên, thì việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát DN của từng cán bộ, cơ quan thuế quản lý trực tiếp DN cũng bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu tính chủ động. Đơn cử là có rất nhiều trường hợp DN không có trụ sở, không tổ chức sản xuất kinh doanh nhưng cán bộ quản lý thuế trực tiếp vẫn không hay biết, cho tới khi DN bỏ trốn mới ra thông báo là “DN ma”. Ở một góc độ khác, việc điều tra, xử lý vi phạm pháp luật thuế của cơ quan chức năng khá chậm, khiến Cục Thuế phải phát hành văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng công an đẩy nhanh tiến độ điều tra các trường hợp thành lập DN “ma” mua bán hóa đơn VAT bất hợp pháp do cơ quan thuế chuyển đến.

Cần giải pháp căn cơ

Từ thực tế trên cho thấy, sau hơn 3 năm thực hiện những quy định về hóa đơn tự in đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là pháp luật quy định đối tượng được in hoặc tự đặt in hóa đơn quá rộng, các DN siêu nhỏ hoặc ở địa bàn khó khăn cũng phải đặt in hoặc tự in hóa đơn, cơ quan thuế không bán hóa đơn cho các DN này nữa. Trong khi đó lại không đặt ra điều kiện chế tài, kiểm soát chặt chẽ nên đã dẫn đến tình trạng sử dụng hóa đơn vô tội vạ như thời gian qua, kéo theo nguy cơ xuất hiện hóa đơn giả là rất lớn. Một vấn đề nữa là dấu hiệu nhận diện tính hợp pháp của hóa đơn cũng không đơn giản. Trước khi Nghị định 51/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, phần lớn người nộp thuế sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế phát hành thì việc nhận diện hóa đơn hợp pháp dễ hơn; nhưng kể từ năm 2011 đến nay, khi phần lớn người nộp thuế tự in hoặc đặt in hóa đơn thì việc nhận diện mẫu hóa đơn, phân biệt hóa đơn thật giả, có được phép lưu hành hay không… là rất khó khăn. Mặc dù theo quy định thì DN phải có thông báo phát hành hóa đơn gửi cho cơ quan thuế và phải dán thông báo phát hành hóa đơn, hóa đơn mẫu tại trụ sở DN, song việc tuân thủ quy định này có thể nói là chưa đầy đủ. Mà ngay khi DN có dán thông báo phát hành và mẫu hóa đơn tại trụ sở thì người mua cũng chưa dám chắc đó là hóa đơn thật, và có được phép phát hành hay không? Giám đốc một DN kinh doanh cà phê tâm sự: Không phải ai cũng có đủ điều kiện lẫn hiểu biết để tra cứu các thông tin liên quan đến hóa đơn.

Trong trường hợp có kiểm tra thì cũng chỉ tiến hành được với DN trực tiếp bán hàng cho mình, còn các giao dịch trước đó không thể kiểm soát được. Từ những lý do trên, nhiều DN đề nghị, những quy định về hóa đơn tự in cần phải nhanh chóng được sửa đổi, trong đó, đối tượng đặt in hoặc tự in hóa đơn phải được thu hẹp lại, không nên quy định DN nào cũng được phép đặt in hoặc tự in hóa đơn tràn lan. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hóa đơn cũng cần được chú trọng hơn nữa, cụ thể là nghiên cứu hoàn thiện quy định về cách đánh số thứ tự và ký hiệu hóa đơn gắn với mã số người nộp thuế sao cho giản tiện và hiệu quả nhất; bổ sung quy định khi hóa đơn đã được lập, trong đó có phần buộc phải tải dữ liệu lên phần mềm trên mạng internet để bất kỳ ai đều có thể truy cập kiểm tra, đối chiếu.

Hiện nay, loại tội phạm liên quan đến hóa đơn được xác định là tội phạm mới với thủ đoạn thực hiện tinh vi, có tính tổ chức. Chính vì thế, để ngăn chặn tình trạng này, việc “vá” các lỗ hỏng chính sách cần sớm được khẩn trương triển khai.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc