Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Trồng thành công cây thanh long ruột đỏ trên đất sỏi pha cát

08:49, 08/10/2013
Năm 2011, trong một lần đi thăm người thân ở Bình Thuận, anh Hỏa Văn Trưởng, (tổ dân phố 4, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) nhận thấy thanh long ruột đỏ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc lại ăn ngọt, có hàm lượng dinh dưỡng cao… nên đã đưa giống cây này về trồng thử tại vườn nhà.
Anh Hỏa Văn Trưởng thu hoạch thanh long tại vườn.
Anh Hỏa Văn Trưởng thu hoạch thanh long tại vườn.

Với diện tích đất sỏi pha cát chưa đầy 800m2, anh trồng được gần 300 gốc (khoảng 140 trụ); đến nay vườn thanh long đã cho thu hoạch với kết quả khá khả quan. Anh Trưởng cho hay: Cây thanh long trồng khoảng gần 2 năm thì cho thu hoạch, năng suất lại cao: mỗi quả có trọng lượng từ 4-7 lạng, thậm chí có quả nặng gần 1kg. Hiện tại vườn thanh long của anh mới thu hoạch được 60 trụ, trung bình mỗi vụ thu được từ 2-3 tạ; với giá bán ra thị trường 20.000 – 25.000 đồng/kg, thì cũng thu được từ 4 - 5 triệu đồng. Đây chỉ là kết quả bước đầu của 60 trụ cây thanh long cho thu hoạch. Nếu tính mỗi sào đất trồng thanh long, với năng suất bình quân 4 – 5 tạ/sào; giá bán ra thị trường bình quân từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, thì mỗi đợt thu hoạch quả sẽ thu được từ 10 – 15 triệu đồng/sào. Mà đối với loại cây này, mỗi năm thu hoạch được 4 vụ chính và 2 vụ trái mùa; do vậy nếu trồng 1 ha thanh long ruột đỏ, mỗi năm sẽ thu được từ 400 – 600 triệu đồng, cao hơn hẳn so với nhiều loại cây trồng khác. Bên cạnh đó một ưu điểm của cây thanh long ruột đỏ là dễ trồng, dễ chăm sóc. Cây đặc biệt ưa sáng, ít sâu bệnh nên chỉ cần bón phân đầy đủ và thực hiện biện pháp phòng trừ một số loại côn trùng là cây sẽ phát triển tốt và điều đáng nói là ở vùng đất hoang hóa, sỏi pha cát lại trồng được cây thanh long ruột đỏ cho năng suất cao, thì đây là một tín hiệu đáng mừng, một hướng đi mới cho các hộ gia đình có diện tích đất cằn cỗi, sỏi pha cát phát triển loại cây trồng này.

Phan Tuân


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.