Rau rừng xuống chợ
Dạo quanh các khu chợ, hẻm đường ở TP. Buôn Ma Thuột ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các chị, các mẹ với gùi rau, rổ rau rừng đủ các loại: mướp đắng rừng, ớt, đọt cóc, lá sung, cà đắng, măng… Giá của các loại rau rừng thường cao gấp đôi so với rau thường nhưng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng bởi đây là loại thực phẩm sạch, có nhiều dưỡng chất tự nhiên. Nhanh tay lựa mướp đắng rừng tại chợ nhỏ đường Hùng Vương, chị Nguyễn Thị Cẩm Giang chia sẻ kinh nghiệm: Do mướp mọc hoang, không xịt thuốc nên dễ bị sâu, nếu không lựa kỹ thì 10 quả chỉ ăn được 5-6 quả; với những quả lớn thì nấu canh, quả nhỏ kho thịt. Rau rừng thường có hương vị đậm đà hơn so với rau trồng. Khi mới ăn lần đầu có thể sẽ cảm thấy mùi vị lạ, hơi hăng, khó ăn nhưng ăn vài lần thành quen, lâu không ăn lại nhớ những vị đặc trưng, nguyên sơ của nó.
Không chỉ là món ăn gia đình, rau rừng còn là món ăn đặc sản trong thực đơn nhà hàng. Bình quân mỗi đĩa rau rừng như: đọt mướp đắng, rau sam xào thịt có giá từ 50.000 – 70.000 đồng, không hề rẻ so với các món rau khác của quán nhưng vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng. Chị Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên một quán nhậu trên đường Mai Hắc Đế cho biết: Do nhu cầu của khách nhiều nên bên cạnh việc thu mua của các hộ dân trong buôn A Lê, quán còn tận dụng đất trong vườn trồng rau để chủ động chế biến khi thực khách có nhu cầu.
Do rau rừng có giá cao nên hiện nay một số người dân đã mang về trồng trong vườn nhưng không thơm và ngon bằng rau được hái trong rừng. Bà H’Zim (đường Lê Chân) chia sẻ: Hằng ngày các con bà vào rừng hái rau, còn bà bán tại ngã 3 đường Y Nuê, Lê Chân. Giá rau mướp rừng bán được từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, chòi mòi 50.000 – 60.000 đồng/kg, măng rừng 15.000 – 20.000 đồng/kg… Đối tượng khách hàng ngoài những người dân bình thường còn có các chủ nhà hàng, khách sạn trên địa bàn; họ mua hàng với số lượng lớn nên thường điện thoại đặt hàng trước. Nhiều hôm hái không đủ hàng cho khách bà phải đi gom của các hộ khác trong buôn.
Rau rừng chủ yếu là rau ăn lá, ăn quả, có một số loại rau sử dụng phần thân, phần gốc làm vị thuốc như đinh lăng, mướp đắng rừng… Rau rừng được thu hái quanh năm nhưng mùa rau non, phong phú và ngon nhất là mùa mưa. Không chỉ dùng tươi, các loại rau còn được tích trữ, phơi khô làm thực phẩm, làm trà…
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc