Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Cư M'gar: Cần giải pháp gỡ khó

14:05, 17/12/2013

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 1956), huyện Cư M’gar đã bước đầu đào tạo được một lực lượng lao động nông thôn có tay nghề, kỹ thuật. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Gia đình anh Y Dhia Ayun ở buôn Cuôr Đăng A (xã Cuôr Đăng) có 2 ha cà phê, năng suất bình quân 3 tấn/ha. Mặc dù đã có thâm niên hơn 20 năm trồng cà phê nhưng khi biết thông tin Trung tâm Dạy nghề huyện Cư M’gar tổ chức lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cà phê vối cho bà con 4 buôn trong xã, anh liền đăng ký tham gia. Sau khóa học, anh Y Dhia đã vỡ ra rất nhiều điều, thay vì chỉ làm cà phê theo kinh nghiệm như trước đây, nay anh đã biết tự mình “bắt bệnh”, điều trị, chăm sóc vườn cây theo đúng quy trình kỹ thuật. Đưa chúng tôi đi tham quan vườn cà phê của gia đình, anh Y Dhia cho biết: “Bây giờ chỉ cần quan sát kỹ cây cà phê mình đã nhận biết được cây nào bị thiếu chất vi lượng, đạm hay bệnh thán thư, vàng lá, rệp sáp… và có thể tự xử lý, điều trị. Nhờ biết cách chăm sóc, bón phân, tưới nước hợp lý nên vườn cây của gia đình phát triển xanh tốt, niên vụ này năng suất đã tăng lên 3,5 tấn/ha”. Sau khi tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy, anh Trịnh Công Sơn ở thôn 2 (xã Ea M’nang) đã mở tiệm riêng ngay tại thôn, trung bình mỗi ngày cũng có thêm thu nhập khoảng 100.000 đồng. Theo anh Sơn, nhờ học tập trung tại Trung tâm 6 tháng và có các thiết bị thực hành theo từng công đoạn nên học viên nắm vững kiến thức, thành thạo các khâu tháo, lắp ráp, sửa chữa từng chi tiết của xe. Tuy nhiên, ngoài trường hợp của anh Sơn và một số học viên khác đã xin được việc làm tại các doanh nghiệp kinh doanh xe gắn máy hoặc liên kết mở tiệm riêng thì cũng còn khá nhiều người chưa có việc làm sau học nghề, chẳng hạn như: Y Đia Knul, Y Phong Adrơng, Y Kôn Êban…

Học viên lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cà phê vối thực hành  cách nhận biết sâu bệnh hại ngay tại vườn cây.
Học viên lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cà phê vối thực hành cách nhận biết sâu bệnh hại ngay tại vườn cây.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho biết: Ngoài những lớp dạy nghề phi nông nghiệp bắt buộc phải tổ chức ngay tại Trung tâm, còn các lớp dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi đa số được đưa về thôn, buôn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đăng ký học. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, Trung tâm chú trọng thực hiện phương châm “trăm nghe không bằng một thấy”, chỉ dành khoảng 30% thời gian dạy lý thuyết, còn lại thực hành theo cách “cầm tay chỉ việc”. Sau mỗi mô-đun bài giảng, học viên được chia thành từng nhóm, tự thực hành những kiến thức đã học, thảo luận nhóm, trình bày kết quả trước lớp. Giáo viên sẽ nhận xét, đánh giá chung và trực tiếp thao tác lại những khâu học viên chưa thành thạo. Đồng thời, các lớp cũng tổ chức đi tham quan thực tế nhằm giúp học viên nắm vững kiến thức và nhớ lâu.

Mặc dù đã khá linh hoạt trong khâu tuyển sinh, tổ chức lớp học nhưng sau 3 năm (2010-2012) thực hiện Đề án 1956, kết quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện đạt thấp. Trong 3 năm, toàn huyện mới chỉ tổ chức được 21 lớp dạy các nghề: sửa chữa xe máy, tin học ứng dụng, sửa chữa máy nông nghiệp, dệt thổ cẩm, trồng - chăm sóc cà phê, chăn nuôi heo cho 651 người, đạt 20,26% so với nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Số lao động nông thôn sau đào tạo làm đúng với nghề đã học và tự tạo việc làm mới chỉ khoảng 370 người, còn lại làm nghề cũ với năng suất, chất lượng cao hơn hoặc chưa chuyển đổi được nghề nghiệp theo định hướng đề ra. Sở dĩ kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt thấp là do trong quá trình triển khai đề án, huyện gặp nhiều khó khăn. Trước tiên là công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề chưa được chú trọng đúng mức nên nhiều hộ dân ở vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận được chính sách này hoặc chỉ đăng ký học nghề theo phong trào gây khó khăn cho công tác tuyển sinh; ở một số xã, cấp ủy, chính quyền thiếu quan tâm đến công tác đào tạo nghề nên không chủ động khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch, phối hợp thực hiện. Hơn nữa, chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, tỷ lệ lao động được đào tạo còn thấp so với nhu cầu học nghề và chỉ tiêu, kế hoạch hằng năm; số người tìm được việc làm ổn định sau đào tạo nghề còn ít, nhất là các nghề phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, chế độ hỗ trợ người học và nguồn kinh phí phân bổ hằng năm cho đào tạo nghề còn hạn chế, chưa có chính sách đãi ngộ và thu hút giáo viên dạy nghề…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đức Thắng, để gỡ khó cho công tác đào tạo nghề của huyện, Ban chỉ đạo các cấp cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn một cách nghiêm túc, khách quan, từ đó chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp thực hiện. Muốn làm được như vậy, cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức để người lao động tự nguyện chọn nghề học phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng. Tăng cường quản lý lĩnh vực dạy nghề, bảo đảm cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhu cầu thị trường lao động và tiềm lực của địa phương. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần quan tâm, bố trí ngân sách, hoàn thiện chương trình, giáo trình, học liệu phục vụ công tác đào tạo nghề, chú trọng kiểm tra, giám sát, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với công tác đào tạo nghề…

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.