Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Đồng bào người Mông làm quen với trồng cây công nghiệp

09:38, 23/12/2013
Theo thống kê, tại các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm (huyện Krông Bông) có khoảng 170 hộ người Mông trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu với hơn 100 ha; tập trung nhiều nhất ở các thôn Noh Prông (xã Hòa Phong), Ea Lang, Ea Bar, Ea Uôl (xã Cư Pui), Yang Hăn, Ea Hăn, Ea Luêh, Nao Huh, Tơng Rang B (xã Cư Drăm). Tuy bà con mới làm quen với các loại cây trồng này song bước đầu đã có hiệu quả kinh tế, giúp bà con xóa đói giảm nghèo.
 
Từ Hà Giang vào định cư tại thôn Ea Bar (xã Cư Pui), gia đình anh Hầu Seo Sinh khai hoang được khá nhiều đất. Hiện tại gia đình anh có 3 sào ruộng, 6 sào cà phê, 2 ha đất trồng bắp và trồng sắn. Anh bắt đầu trồng cà phê từ năm 2007. Vụ vừa qua, do vườn cà phê được chăm sóc tốt,  bón phân đầy đủ nên gia đình anh thu được gần 5 tấn cà phê tươi. Anh cho biết: “Thấy đất ở đây phù hợp với cây cà phê, mình quyết định trồng 300 cây. Thấy cà phê phát triển tốt nên năm tiếp theo mình trồng thêm 300 cây nữa. Để cà phê cho năng suất cao, mình vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm chăm bón từ bà con xung quanh. Năm nay, thu nhập từ cà phê mình sẽ dành mua phân để bón cho lúa, cà phê và chi phí cho 3 đứa con đi học”. Anh Thào A Ly ở thôn Nao Huh (xã Cư Drăm) sau khi ra ở riêng mua được 2 sào ruộng nước và khai hoang hơn 2 ha đất bằng để trồng bắp. Những năm đầu do kinh tế eo hẹp, không có tiền đầu tư trồng cà phê nên vợ chồng anh trồng bắp, trồng sắn. Năm 2006, kinh tế ổn định anh quyết tâm đầu tư trồng 700 cây cà phê. Đến nay vườn cà phê của gia đình anh đã cho thu hoạch được 3 năm. Anh Ly dự định trong thời gian tới sẽ đầu tư trồng khoảng 200 trụ hồ tiêu. Còn gia đình ông Vàng Seo Tạ ở thôn Tơng Rang B (xã Cư Drăm) là hộ đầu tiên trong thôn trồng cây cà phê. Hiện nay gia đình ông và gia đình  2 người con trai có 1,2 ha cà phê năm thứ 6 và 5 sào cà phê mới trồng. Ông cũng mới mạnh dạn đầu tư trồng hơn 100 trụ hồ tiêu. Ông cho biết: “Trước khi trồng hồ tiêu, cà phê, mình đi đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm. Chất đất ở đây rất phù hợp với các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu…; nếu được chăm sóc cẩn thận, bón phân, tưới nước đầy đủ thì phát triển rất tốt”.
Vườn hồ tiêu 1 năm tuổi của gia đình ông Vàng Seo Tạ (thôn Tơng Rang B).
Vườn hồ tiêu 1 năm tuổi của gia đình ông Vàng Seo Tạ (thôn Tơng Rang B).

Được biết, đến nay các thôn Ea Hăn, Nao Huh, Yang Hăn, Ea Luêh của xã Cư Drăm đã có hơn 60 ha cà phê và gần 3 ha hồ tiêu; thôn Ea Bar (xã Cư Pui) có hơn 10 ha cà phê, 20 ha cao su… Ông Hoàng Văn Pao, Trưởng thôn Yang Hăn cho biết: “Thôn Yang Hăn có 65 hộ người Mông nhưng có đến hơn 50% các hộ đã trồng cà phê và hồ tiêu. Đến nay cả thôn có hơn 23 ha cà phê và gần 1 ha hồ tiêu. Trước đây các hộ chỉ trồng theo phong trào, chưa có kinh nghiệm chăm sóc và ít bón phân nên năng suất không cao. Giờ có cán bộ khuyến nông về hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật, cách chăm bón nên cà phê phát triển rất tốt và năng suất ngày một tăng. Hai năm trở lại đây, một số hộ trong thôn đã bắt đầu trồng cây hồ tiêu vì khí hậu, chất đất ở đây khá phù hợp với loại cây này”.

Có một thực tế là, do mới tiếp cận với các loại cây trồng này nên phần đông bà con đồng bào Mông chưa có nhiều kinh nghiệm, việc trồng, chăm sóc, thu hoạch chủ yếu làm theo truyền thống, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Vì vậy, để phát triển diện tích các loại cây trồng này một cách hợp lý, hiệu quả, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững, rất cần sự tư vấn, hướng dẫn thường xuyên của cán bộ khuyến nông, khuyến lâm ở địa phương. 

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.