Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 5 NĂM NGÀY THÀNH LẬP THỊ XÃ BUÔN HỒ (23-12-2008 – 23-12-2013)

Buôn Hồ tạo sự đồng thuận để phát triển

14:10, 16/12/2013

Sau 5 năm thành lập, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của Buôn Hồ đạt trên 14%; cơ cấu nông – lâm - thủy sản chiếm 51,03%; công nghiệp - xây dựng 13,7%; thương mại - dịch vụ 35,27%. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng sản xuất nông - lâm - nghiệp, tăng dần thương mại - dịch vụ; công nghiệp - xây dựng. T

ổng thu ngân sách năm 2012 là 158,515 tỷ đồng, tăng 121% so với năm 2009. Huy động đầu tư toàn xã hội trong 3 năm (2010-2012) đạt 3.133 tỷ đồng, bằng 32,93% so với kế hoạch; tốc độ tăng vốn đầu tư bình quân/năm đạt 5,7%... Với những kết quả đã đạt được, năm 2013 thị xã Buôn Hồ vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Với mục tiêu hướng đến xây dựng đô thị trung tâm, sau 5 năm thành lập, thị xã Buôn Hồ đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi thay. Buôn Hồ đang viết nên những trang sử mới, góp phần vào thành tựu chung của Dak Lak trên đường hội nhập và phát triển.

Thị xã Buôn Hồ được thành lập theo Nghị định số 07-NĐ/CP ngày 23-12-2008 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Krông Buk thành lập thị xã Buôn Hồ. Trong 5 năm qua, sản xuất nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2012 đạt trên 45.800 tấn. Chăn nuôi tuy bị ảnh hưởng của dịch bệnh gia súc, gia cầm, song vẫn có sự phát triển cả về tổng đàn và giá trị sản phẩm. Khoa học công nghệ từng bước được ứng dụng, chuyển giao theo hướng sử dụng giống mới, giống lai với phương thức canh tác tiên tiến làm cho năng suất một số cây trồng, vật nuôi tăng lên. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp trên địa bàn thị xã cũng đang từng bước phát triển, chủ yếu tập trung vào chế biến nông sản, khai thác đá xây dựng và phát triển tiểu, thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn. Trong đó, một số ngành đạt tỷ lệ tăng trưởng khá như ngành điện, tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong 5 năm là 6,19%; đá xây dựng khai thác, tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong 5 năm đạt 19,64%; chế biến cà phê bột năm 2013 ước đạt khoảng 45 tấn, tỷ lệ tăng trưởng bình quân trong 5 năm là  22,98%.

Khu hoa viên được đầu tư xây dựng, tạo không gian xanh cho trung tâm thị xã.
Khu hoa viên được đầu tư xây dựng, tạo không gian xanh cho trung tâm thị xã.

Công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở được quan tâm đúng mức, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới. Đến nay, thị xã đã công bố và cắm mốc quy hoạch cụm công nghiệp; công bố quy hoạch chi tiết các khu dân cư,  các khu đô thị: hành chính - dịch vụ; văn hóa - vịch vụ; thương mại – dịch vụ; triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng thị xã Buôn Hồ đến năm 2025. Hiện thị xã đang xúc tiến hoàn chỉnh quy hoạch để nâng cấp xã Cư Bao thành thị trấn Cư Bao vào cuối năm 2015. Sau 5 năm thành lập, Buôn Hồ đã cơ bản hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng, đường giao thông, đặt tên đường phố, số nhà, hệ thống cấp thoát nước bảo đảm theo đúng quy hoạch khu hành chính, khu đô thị mới. Nhiều công trình trọng điểm được tập trung đầu tư xây dựng tạo diện mạo mới cho thị xã như: Nhà máy nước sạch 5.600m3/ngày đêm do công ty KoiKa Hàn quốc tài trợ; khu hoa viên, nhựa hóa các tuyến đường nội thị trung tâm thị xã… Đặc biệt, dự án đường Hồ Chí Minh đang triển khai với hơn 15km qua trung tâm thị xã đang được xây dựng, Quốc lộ 29  đi Phú Yên và cửa khẩu Dak Ruê sẽ là điểm nhấn, là đầu mối giao lưu giữa Buôn Hồ với các huyện, thành phố và các tỉnh trong cả nước. Ngoài ra, đã có gần 40% các tuyến đường chính trên địa bàn trung tâm thị xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 25% (tương đương 39km) đường liên thôn, buôn, TDP được nhựa hóa; 100% thôn, buôn có điện lưới quốc gia… Trong hoạt động xúc tiến thương mại, cải thiện môi trường và thu hút đầu tư đang có dấu hiệu khởi sắc. Có nhiều công ty lớn đã vào khảo sát đầu tư, có đơn vị chuẩn bị xúc tiến xây dựng như: Công ty TNHH Việt Thuận Thành; Công ty May mặc thời trang Vinatek; Công ty siêu thị Co.opMart. Số doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn tăng từ 144 doanh nghiệp và 1.350 hộ kinh doanh (năm 2009) lên 183 doanh nghiệp và 1.400 hộ kinh doanh (năm 2012); số ngân hàng hoạt động trên địa bàn tăng từ 4 đơn vị (năm 2009) lên 8 đơn vị (năm 2012). 

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, hạ tầng, các chương trình mục tiêu quốc gia được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đến năm 2012, có 116/149 thôn, buôn, tổ dân phố đã xây dựng được quy ước; 96,66% buôn; 45% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa cộng đồng; 100% xã, phường có thiết chế văn hóa, thể thao; tỷ lệ gia đình văn hóa 85%; tỷ lệ thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa 80,5%; tỷ lệ cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hóa 91,3%. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, thị xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học trong độ tuổi và phổ cập THCS; 137/149 thôn, buôn, tổ dân phố có điểm trường hoặc lớp mầm non; 20/52 trường học các cấp đạt Chuẩn quốc gia. Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên; 10/12 xã , phường đạt Chuẩn quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sĩ, nữ hộ sinh và cán bộ y học cổ truyền; 20% bác sỹ bệnh viện có trình độ sau đại học; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 15%; công tác khám chữa bệnh được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Điều đáng chú ý là các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai tích cực, hiệu quả, thông qua hệ thống cho vay tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo đã tạo cơ hội cho người nghèo có vốn làm ăn; công tác khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật để người nghèo sử dụng đồng vốn có hiệu quả; chương trình hỗ trợ xây nhà ở hộ nghèo theo Quyết định 167 với ý nghĩa rất lớn, giúp người nghèo an cư lập nghiệp. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ người nghèo trong Y tế và Giáo dục, chương trình 134, 135, chương trình dạy nghề… đã góp phần rất lớn trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm, từ 12,2% năm 2011 xuống còn 6% năm 2013. Trong 5 năm, thị xã đã tạo việc làm cho 8.993 lao động, bình quân hằng năm tạo việc làm mới cho gần 2.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 35%; tổ chức dạy nghề cho 2.175 lao động nông thôn; xuất khẩu lao động 270 người.

Với những kết quả nổi bật trong 5 năm qua, tin chắc đến năm 2020, nhân dân và chính quyền thị xã Buôn Hồ sẽ sớm về đến đích, trở thành thành phố loại 3 và là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa khu vực Bắc Dak Lak.

Phạm Thái

(Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ)


Ý kiến bạn đọc