Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất cà phê có chứng nhận - "Mắt xích" để đối xử công bằng hơn với môi trường

09:12, 11/12/2013

Hướng đến một nền sản xuất cà phê bền vững, cùng với việc gia tăng giá trị cho cà phê từ khâu canh tác, sản xuất, quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường trong quá trình chế biến ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng, liên quan mật thiết đến việc gây dựng uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp…

Dak Lak đứng đầu cả nước về diện tích, sản lượng cà phê của cả nước. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, phần lớn các đơn vị sản xuất cà phê vẫn phải chọn giải pháp chế biến khô là chính. Cách chế biến này đơn giản, về mặt môi trường, mức độ xả thải chủ yếu là bụi và tiếng ồn. Tuy nhiên, chất lượng cà phê chế biến không bảo đảm bằng chế biến ướt. Công nghệ chế biến cà phê ướt được đánh giá là cho ra sản phẩm cà phê tốt, giảm được diện tích sân phơi, nhưng việc đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải cà phê khá tốn kém. Với công nghệ này, để chế biến 1 tấn cà phê nhân phải cần từ 7 đến 10 m3 nước. Công đoạn đánh nhớt trong quá trình chế biến cà phê ướt diễn ra từ 5 đến 6 giờ, tốn khá nhiều nước và dễ gây ô nhiễm vì nước thải chứa một lượng lớn chất hữu cơ dễ phân hủy. Mỗi niên vụ cà phê, hoạt động chế biến kéo dài khoảng 3 tháng, trong khi đó, để xử lý nguồn nước thải này, cơ sở chế biến phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải với nguồn kinh phí ít nhất từ 3 tỷ đến 4 tỷ đồng. Bởi vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được, nhất là đối với quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ lẻ lại càng khó. Thêm nữa, một số đơn vị chưa có điều kiện để đầu tư đồng bộ giữa chế biến và xử lý môi trường nên đã đưa nguồn nước thải trực tiếp ra ao hồ, dòng chảy tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho nhân dân. Chính khó khăn này nên hiện sản phẩm cà phê được chế biến ướt mới chiếm khoảng 5% tổng lượng cà phê của cả nước.

Nâng cao chất lượng cà phê cần chú ý đến bảo vệ môi trường.
Nâng cao chất lượng cà phê cần chú ý đến bảo vệ môi trường.

Công nghệ chế biến ướt trên địa bàn tỉnh được ghi nhận chủ yếu đối với những doanh nghiệp làm cà phê chất lượng cao, có chứng nhận. Theo đó, cùng với những đòi hỏi ngày càng khắt khe của đối tác thu mua cà phê nhất là các đối tác nước ngoài, xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường bắt buộc trở thành mối quan tâm đối với doanh nghiệp. Tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ Certified (chứng chỉ toàn cầu về sản xuất sạch) và là đơn vị sản xuất và xuất khẩu cà phê trực tiếp, năm 2009, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Pôk đã đưa toàn bộ sản lượng gần 3.000 tấn là cà phê tươi vào chế biến ướt. Dây chuyền chế biến có công suất 20 tấn cà phê tươi/giờ. Bình quân mỗi ngày, dây chuyền chế biến từ 100 đến 150 tấn cà phê tươi, theo đó, sử dụng từ 400 đến 500 m3 nước. Khi mới ứng dụng công nghệ chế biến này, do chưa đầu tư đầy đủ, đồng bộ, Công ty phải đưa chất thải cà phê sau chế biến vào hồ chứa tạm nên đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Năm 2013, Công ty đã hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng. Theo đó, nước thải cà phê sau chế biến được chảy theo đường ống đi vào hồ chứa 13 ngàn m3, được phủ kín bằng bạt và xử lý mùi hôi bằng chế phẩm sinh học. Sau khi được bơm đến 7 bể xử lý theo quy trình khép kín, nước thải sau xử lý đã đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. Hiện Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Ea Pôk đang hoàn chỉnh hồ sơ xin được rút tên ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ.

Với dây chuyền công nghệ chế biến ướt 100 tấn cà phê tươi/ngày, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Phước An đã đầu tư gần 7 tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải có công suất 500 m3/ngày đêm. Để giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường, toàn bộ xác vỏ cà phê được tách riêng ra dùng làm phân vi sinh; lượng nước đầu vào trong quá trình chế biến cũng được tính toán trên nguyên tắc tiết kiệm bằng cách lắp đặt đồng hồ khoán nước, áp dụng phương pháp tuần hoàn nước. Sản phẩm cà phê của Công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn UTZ đã chinh phục được một số thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản không chỉ bằng chất lượng được kiểm chứng trực tiếp trên hạt cà phê mà còn có sự đánh giá về môi trường.

Các đơn vị tham gia chương trình cà phê chất lượng cao, có chứng nhận đều khẳng định, xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một trong những yêu cầu trong bộ tiêu chí sản xuất cà phê bền vững. Tất nhiên, điều kiện này sẽ khó thực hiện ở quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Rõ ràng, nếu có sự kết nối rộng hơn, chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và nông dân, sản xuất cà phê có chứng nhận sẽ trở thành lời giải cho bài toán xử lý ô nhiễm môi trường trong quá trình chế biến cà phê.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc