Multimedia Đọc Báo in

Tiết kiệm chi phí sản xuất bằng cách ủ phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp

05:45, 10/12/2013

Để giảm bớt chi phí đầu tư vào sản xuất, trong những năm qua nông dân xã Ea H’ding (huyện Cư M’gar) đã “biến” các phế phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh. Theo đánh giá của Hội Nông dân xã, với cách làm này thì nông dân sẽ giảm được chi phí đầu tư từ 20 – 25%.

Nhà có 1,8 ha cà phê kinh doanh nên hằng năm số lượng vỏ cà phê thải ra môi trường của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thành ở buôn Tar, xã Ea H’ding rất lớn. Trước đây, lượng vỏ này được ông bón trực tiếp vào gốc cà phê, cách bón này chỉ có tác dụng làm cho đất tơi xốp. Bây giờ, khi đã áp dụng mô hình ủ phân vi sinh, ông Thành đã tận dụng lượng vỏ cà phê này để ủ thành phân hữu cơ, bổ sung tốt nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Ông Thành chia sẻ: “Hằng năm, gia đình tôi sử dụng hơn 3 tấn vỏ cà phê khô ủ với phân chuồng, men vi sinh và một số chất khác như: vôi, đường, đạm, lân, ka li. Sau khoảng 3 tháng ủ, gia đình tôi đã sản xuất được khoảng 2 tấn phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây, với kinh phí chỉ 1,4 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, hiện nay trên thị trường 1 tấn phân hóa học có giá từ 3 - 5 triệu đồng mà chất lượng lại không tốt hơn phân vi sinh. Ngoài số vỏ cà phê từ vườn nhà, tôi còn mua hàng chục tấn vỏ cà phê khô nữa về ủ.

Nói chung cách ủ phân này đã tiết kiệm cho gia đình tôi khoảng 25% chi phí đầu tư cho sản xuất….”. Tương tự gia đình ông Thành, thấy mô hình ủ phân vi sinh từ các các phế phẩm nông nghiệp đem lại hiệu quả cao, ba năm trở lại đây gia đình anh Đàm Văn Thắng ở buôn Tar cũng đã mạnh dạn áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Cách làm này vừa giúp gia đình anh hạn chế được chi phí đầu tư vừa nâng cao năng suất cho cây trồng. Anh Thắng nói: “600 cây cà phê trong vườn nhà hàng năm thải ra môi trường khoảng 1,3 tấn vỏ khô. Trước đây tôi thường gom số vỏ này lại để đốt, không những lãng phí mà còn làm ô nhiễm môi trường. Khi áp dụng mô hình ủ phân vi sinh, tôi đã có thể tận dụng được lượng vỏ này, biến chúng thành nguồn phân tốt cho cây trồng, giảm đáng kể lượng phân hóa học mà năng suất cây trồng còn tăng đáng kể. Hiện nay, mỗi vụ gia đình tôi thu được 2,5 tấn nhân cà phê, tăng 5 tạ so với trước đây”.

Xã Ea H’ding là một trong những địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn trên địa bàn huyện Cư M’gar với 3.719 ha nên hằng năm số lượng phế phẩm nông nghiệp thải ra môi trường rất lớn. Để giúp bà con nông dân tận dụng được lượng phế phẩm này một cách hữu ích nhất, trong những năm qua, Hội Nông dân xã đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh từ các phế phẩm nông nghiệp. Đến nay toàn xã có 950 hộ gia đình thực hiện mô hình ủ phân vi sinh, riêng trong năm 2013, từ 6.000 tấn vỏ cà phê và các phế phẩm nông nghiệp, nông dân xã Ea H’ding đã sản xuất được 3.700 tấn phân hữu cơ vi sinh (trị giá 1,3 tỷ đồng).

            Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.