Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp chủ động lo hàng Tết

14:16, 03/01/2014

Dù sức mua trên thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã sớm lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng chu đáo, dồi dào nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết này. Với cam kết giữ mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng, nhiều DN còn kèm theo các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích sức mua.

Chủ động “kéo” người tiêu dùng

Nguồn hàng dự trữ đã được các đơn vị lên kế hoạch và tăng cường từ rất sớm, trong đó các mặt hàng thực phẩm, quần áo, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng… được coi là mặt hàng chủ đạo trong dịp này. Bên cạnh việc chủ động nguồn hàng, nhiều DN còn nỗ lực giữ giá bán để “kéo” NTD về phía mình. Theo ông Lê Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm thương mại Vinatex Buôn Ma Thuột: lượng dự trữ hàng hóa Tết năm nay của đơn vị tăng khoảng 20% so với ngày thường, trong đó ưu tiên các mặt hàng thuộc nhóm hàng may mặc, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia đình như: gạo, dầu ăn, bánh kẹo, mứt, thực phẩm… Từ giữa tháng 11, đơn vị cũng đã ký kết hợp đồng và lựa chọn sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín trong nước. Theo đó, đơn vị cam kết mức giá tốt nhất cho NTD và bảo đảm không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Vinatex Buôn Ma Thuột còn tổ chức bán hàng lưu động về các vùng nông thôn trong tỉnh, trong đó các nhóm hàng quần áo, hàng tiêu dùng thiết yếu được bán với mức giá bình ổn. Lên kế hoạch chủ động nguồn hàng dự trữ từ rất sớm, ngoài việc cân nhắc lựa chọn, ký hợp đồng cam kết với các nhà cung cấp có uy tín để bảo đảm chất lượng cho hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân, Co.opMart  Buôn Ma Thuột cũng đã chủ động tìm nguồn hàng cung ứng tại chỗ từ địa phương để bảo đảm chất lượng hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển và hạ giá thành. Hiện siêu thị đã đặt hàng với các hợp tác xã sản xuất rau an toàn, nông dân tại các địa phương trong tỉnh như huyện Cư M’gar, xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) với giá cả hợp lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và số lượng dồi dào. Còn tại kênh phân phối truyền thống như các chợ nội thành TP Buôn Ma Thuột, thời điểm này hàng Tết đã được trưng bày trên các sạp hàng. Các loại thực phẩm như bánh kẹo, mứt… đã được tiểu thương bày bán, song sức mua chưa nhiều. Sôi động nhất có lẽ phải kể đến các sạp quần áo, giày dép tại các chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, Tân Thành, chợ tạm Buôn Ma Thuột…  Một tiểu thương tại chợ tạm Buôn Ma Thuột cho hay: quần áo, giày dép bán dịp tết bao giờ cũng là mặt hàng đón người mua sớm nhất. Những ngày gần đây, sức mua các mặt hàng này đã tăng lên đáng kể so với ngày thường, lượng hàng tiểu thương nhập về cũng đã khá dồi dào, chủ yếu vẫn là những mặt hàng với mức giá bình dân; các mặt hàng có giá từ vài chục ngàn đến trên 200.000/ sản phẩm được khách hàng chọn mua nhiều hơn cả.

Nhiều trung tâm mua sắm và siêu thị tại TP. Buôn Ma Thuột đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết sắp đến.                                                                                                                           Ảnh: Hoàng Gia
Nhiều trung tâm mua sắm và siêu thị tại TP. Buôn Ma Thuột đã chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết sắp đến. Ảnh: Hoàng Gia

Theo Sở Công thương Dak Lak, chương trình bình ổn giá (BOG) dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 sẽ được thực hiện từ 16-12-2013 đến hết 31-3-2014, với nguồn hàng dự trữ dồi dào, mức giá cam kết thấp hơn giá bình quân thị trường tối thiểu 5%. Các mặt hàng tham gia bình ổn gồm lương thực (gạo tẻ thường, gạo thơm sản xuất trong nước), thực phẩm như  thịt heo, thịt gia cầm, trứng, cá, dầu ăn, bột ngọt và các loại thực phẩm chế biến… với lượng hàng hóa dự đoán tăng khoảng 20% so với các tháng khác trong năm.

Kỳ vọng vào sức mua

Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết nguyên đán, song thời điểm này, các siêu thị và các chợ trên địa bàn TP đã mang không khí tấp nập. Do sức mua trên thị trường hiện vẫn chậm nên nhiều DN cố gắng giữ giá và đẩy mạnh các chương trình khuyến  mãi, giảm giá nhằm thu hút khách hàng. Để kích sức mua, các DN còn đa dạng hóa sản phẩm, cạnh tranh về giá, thậm chí thay đổi cách trưng bày hàng hóa sao cho bắt mắt, tiện dụng với người mua. Trong đó chú trọng tập trung vào nhãn hàng riêng để thu hút khách. Ở ngành hàng may mặc, dịp Tết này, Vinatex Buôn Ma Thuột tập trung vào các sản phẩm nhãn hàng riêng để “kéo” khách hàng với các dòng sản phẩm “Chào năm mới” dành cho cả trẻ em và người lớn như Suri, Dora, ở các mặt hàng áo sơ mi, váy đầm, quần tây…

Mặc dù đã tìm đủ cách và tung ra nhiều “chiêu” để thu hút khách hàng đến với mình, nhưng những tháng cuối năm này vẫn chưa DN nào dám đoan chắc sức mua sẽ tăng đột biến  trong dịp Tết.  Đại diện một siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột cho hay: kinh tế vẫn còn khó khăn, NTD chưa dám mạnh tay chi cho các khoản mua sắm vào dịp cuối năm nên mùa tết này đơn vị cũng chỉ dự trữ một lượng hàng tương đối. Do có kế hoạch chia làm nhiều đợt để nhập hàng về, nên nếu sức mua có tăng đột biến thì đơn vị cũng không lo việc thiếu hàng hay sốt giá. Trong khi đó, theo các tiểu thương tại các chợ nội thành TP. Buôn Ma Thuột, hiện sức mua đang nhích dần lên, song vẫn chậm so với mọi năm, đa số là người đi dạo chơi xem hàng nhiều hơn là hỏi mua. Mấy năm trở lại đây, nhiều tiểu thương không dám đầu tư mạnh cho việc dự trữ hàng Tết, chủ yếu vẫn là nhập về một lượng vừa phải để bán từ nay đến cận Tết; hết đến đâu lấy thêm hàng về đến đó. Tuy nhiên, người bán nào cũng kỳ vọng vào những ngày Tết lượng khách đến với chợ sẽ nhiều hơn…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.