Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình chuyên canh rau trên vùng đất khó Ea Súp

13:16, 06/01/2014
Với điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là đất cát pha thịt, khô nóng về mùa khô, mưa nhiều vào mùa mưa, Ea Súp được coi là địa phương có khí hậu khắc nghiệt và “kén” đối với một số loại cây hoa màu, trong đó có các loại rau. Từ đó việc hình thành nên các vùng trồng rau với quy mô lớn như những địa phương khác trong tỉnh được xem là “hiếm”ở nơi đây.
Anh Hoàng Đức Thuần đang chống nắng cho ruộng rau.
Anh Hoàng Đức Thuần đang chống nắng cho ruộng rau.

Kể từ khi có công trình thủy lợi Ea Súp Hạ, về sau có thêm Ea Súp Thượng với nguồn nước thủy lợi dồi dào quanh năm đã tạo những điều kiện hết sức thuận lợi cho nông dân canh tác rau và hoa màu. Một số khu vực tại thị trấn Ea Súp, xã Ea Bung, xã Ea Lê… là những địa bàn người dân có thể thâm canh và luân canh rau màu quanh năm. Từ những năm 1990, nhiều nông dân đã tìm ra những vỉa đất tương đối thích hợp cho việc luân canh, thâm canh các loại cây rau màu là đất phù sa hai bên bờ suối Ea Súp. Nhiều hộ gia đình đã bám trụ với việc trồng rau và xác định trồng rau là một nghề, một hướng phát triển kinh tế. Rau trồng ở những khu vực này cho thu hoạch ổn định quanh năm, góp phần giúp thị trường rau của huyện có một nguồn cung tương đối ổn định, không bị lệ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp từ các địa phương khác.

Anh Hoàng Đức Thuần vào lập nghiệp tại thôn 4, thị trấn Ea Súp từ những năm 90 may mắn đã tìm mua được khu đất tốt ven bờ suối Ea Súp. Anh đã cải tạo toàn bộ 0,5 ha thành một khu vườn chuyên canh rau. Mùa nào thức ấy, trong vườn hằng ngày luôn có hàng chục loại rau cung cấp cho thị trường. Theo anh Thuần, rau là một trong những loại cây trồng khó tính, đòi hỏi sự cần cù, chịu khó của người lao động, còn chi phí đầu tư cho giống, phân bón không nhiều so với các loại cây trồng khác. Rau thu hoạch chủ yếu tiêu thụ trong huyện và rất đắt hàng. Thu nhập ổn định của gia đình anh Thuần từ việc trồng rau khoảng 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh Thuần còn trồng các loại cây ăn trái như cam, bưởi, chôm chôm, xoài… Đối với những khoảng đất dưới tán cây, anh tận dụng trồng thêm cây lá giong bán dịp tết. Thu nhập bình quân của gia đình anh đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ở thôn 4, thị trấn Ea Súp, ngoài gia đình anh Thuần còn có hàng chục hộ gia đình khác cũng phát triển kinh tế theo hướng chuyên canh rau và có thu nhập cao. Điển hình như: gia đình ông Thái Bá Chu, Hoàng Đức Khoa, Mai Đức Xưởng… Nơi đây cũng chính là vựa rau lớn nhất của huyện Ea Súp.

Có thể khẳng định, mô hình trồng rau ở thôn 4, thị trấn Ea Súp và một số địa bàn tại xã Ea Lê, Ea Bung là một trong những hướng đi đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, người trồng rau ở đây vẫn sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân, chưa biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật góp phần giảm chi phí, công lao động và tăng năng suất cây trồng như tưới bằng hệ thống béc phun sương, sử dụng máy  xăm luống mi-ni trong làm đất… Vì thế người trồng rau ở Ea Súp rất cần được các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về kỹ thuật, hội thảo đầu bờ về các loại cây trồng góp phần tạo ra các sản phẩm rau sạch có năng suất, chất lượng và an toàn cho người sử dụng.

Nguyễn Đình Huy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.