Khoác áo mới cho ngoại thành
Những con đường liên thôn, liên xã được thảm nhựa và bê tông hóa, vườn cà phê xanh hút tầm mắt, nếp nhà mới yên bình trong nắng sớm… vùng ven đô của Buôn Ma Thuột dường như đang đổi thay từng ngày. Có được sự “thay da đổi thịt” ấy chính là nhờ sự nỗ lực, đoàn kết xây dựng nông thôn mới của chính quyền địa phương và nhân dân nơi đây.
Sức mạnh từ những giá trị truyền thống
Trong dòng chảy thời gian, trước ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa nên sự phát triển của những buôn làng ven đô vì vậy càng chịu nhiều áp lực. Làm thế nào để buôn làng phát triển nhưng vẫn giữ gìn được cốt cách, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa là vấn đề mà chính quyền xã Ea Tu luôn đau đáu. Ông Y Đhu Kbuôr, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ea Tu cho biết: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” khi triển khai tại địa phương đã được toàn dân tích cực hưởng ứng. Không chỉ đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, bà con nơi đây còn cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc. Hiện nay ở các buôn vẫn duy trì việc dạy đánh cồng chiêng cho các cháu. Nghệ nhân Y Bloá Ađrơng ở buôn Jù bảo: “Do vận động các cháu rất khó khăn mình đã bầu tổ trưởng, sau đó tổ trưởng đi kêu một lần hai lần, rồi dần dần mấy đứa trẻ nó thích. Trước tiên thì dạy chiêng tre, khi thành thạo rồi mới cho đánh chiêng đồng”. Toàn xã Ea Tu hiện còn 5 bến nước ở các buôn: K’Mrơng Prơng A, K’Mrơng Prơng B, Kô Tam và buôn Jù cũng được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư tôn tạo. Các sinh hoạt cộng đồng tại các bến nước đã trở thành nét đẹp văn hóa. Năm 2013 có 89% hộ dân của xã đạt danh hiệu gia đình văn hóa, xã cũng được công nhận xã văn hóa cấp thành phố 3 năm liền, hiện đang được đánh giá để công nhận xã văn hóa cấp tỉnh.
Với việc thực hiện tốt phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều con đường giao thông nông thôn tại xã Hòa Thuận đã được bê tông hóa. |
Khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển làng nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư, đồng bào các dân tộc. Chính bởi lẽ đó mà ở xã Ea Kao, nghề dệt thổ cẩm đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để có thể đứng vững, trở thành một nghề mưu sinh của mấy chục chị em người đồng bào dân tộc Êđê của buôn Bông và Tơng Ju. Bà H’ Yam Bkrông, chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông cho biết: “Sau những nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, HTX hiện đã phát triển được 42 xã viên và 100 lao động thời vụ. Bản thân mình cảm thấy đầy tự tin vào tương lai của nghề dệt này bởi đã thu hút được sự quan tâm của bọn trẻ. Hơn một nửa lao động của HTX hiện nay là thanh niên nên tiếp thu nhanh và sáng tạo trong cách dệt, may để cho ra mắt những sản phẩm thời trang, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Một trong những cái khó của việc bảo tồn, phát huy nghề truyền thống chính là tìm người kế cận, nhưng ở đây, khá nhiều bạn trẻ đam mê với dệt nên mình có một niềm tin mãnh liệt vào sự phát triển của dệt thổ cẩm, nghề tạo nên sản phẩm đặc trưng văn hóa dân tộc Êđê của mình.”
Sức sống mới từ những con đường...
Đoạn đường bê tông ở tổ liên gia 4 của thôn 1, xã Ea Tu dài hơn 120 mét, rộng 2,5m được làm từ năm 2008 với tổng kinh phí hơn 26 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 24 triệu đồng. Từ con đường bê tông đầu tiên ấy, đến nay tất cả các con đường trong thôn đều đã được trải nhựa và thảm bê tông với tổng chiều dài gần 1,5 km, kinh phí hơn 360 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 316 triệu đồng. Một công trình mới nữa vừa được khánh thành là hội trường thôn 1 với diện tích 150 m2 và phần sân phục vụ vui chơi thể thao hơn 1000 m2. Để có được công trình này, ngoài phần hỗ trợ của nhà nước là 350 triệu thì mỗi hộ dân đóng 1,5 triệu đồng. Còn ở buôn Jù, con đường thảm bê tông đến tận bến nước đã đem đến nhiều niềm vui cho bà con nơi đây. Vui nhất có lẽ là các bà, các mẹ, các chị, các em gái vì giờ đây công việc lấy nước đỡ vất vả hơn khi không phải đi đường mòn trơn trượt như trước. Để làm được 260m đường này, ngoài chuyện vận động hơn 580 hộ trong buôn đóng góp tiền hoặc tham gia vận chuyển vật liệu… nhưng điều quan trọng nhất là đã vận động các gia đình di dời gần 20 ngôi mộ. Chính nhờ sự đoàn kết, đồng lòng từ Ban tự quản buôn đến các đoàn thể và từng hộ dân, đến nay buôn Jù đã đạt 13 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, 98% hộ dân đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Buôn Jù cũng đã được công nhận buôn văn hóa nhiều năm liền.
Phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” được tỉnh phát động trong những năm qua đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ tại các địa phương, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là phong trào nông dân đóng góp tiền, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, trong đó xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những địa phương điển hình. Với việc đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới xã Hòa Thuận đạt được đã chứng minh sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã. Toàn xã hiện có 70% đường trục thôn xóm đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, trong đó hầu hết các tuyến đường đều được người dân tham gia đóng góp về kinh phí và ngày công. Chẳng hạn tuyến đường 2B, 5B ở thôn 5 có tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp trên 232 triệu đồng; các đường 14A, 16A ở hai thôn 3, thôn 7 có tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ đồng thì người dân đóng góp hơn 435 triệu đồng; đồng thời có 12 hộ dân tự nguyện hiến 315 m2 đất để làm đường…
Và những vùng sản xuất chuyên canh
Tập trung phát triển vùng sản xuất chuyên canh mang tính đặc trưng vùng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân ở các xã ven đô là một trong những hướng đi mang lại hiệu quả của TP. Buôn Ma Thuột. Trong số sản lượng gần 130 nghìn tấn rau các loại/năm của toàn tỉnh, lượng rau được sản xuất tại TP. Buôn Ma Thuột chiếm gần 40%, chủ yếu được trồng tại các xã ven đô như Hòa Khánh, Ea Kao, Hòa Xuân…
Được xem là “vựa” rau an toàn lớn nhất của TP. Buôn Ma Thuột, hiện xã Hòa Khánh có khoảng trên 70% số hộ trồng rau, trung bình mỗi hộ trồng từ 1 - 5 sào. Mỗi năm trồng khoảng 4 - 6 vụ, mỗi sào rau mang về thu nhập cho người dân nơi đây từ 30 - 40 triệu đồng. Nghề trồng rau phát triển, đem lại nhiều thay đổi tích cực cho cuộc sống người dân. Nếu như trước kia, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn là nỗi thách thức lớn của địa phương thì đến nay phần lớn số lao động phổ thông đều tham gia nghề trồng rau kết hợp với chăn nuôi nhằm tận dụng nguồn thức ăn dư thừa như lá rau, củ, quả loại bỏ trong vườn, để tăng thêm nguồn thu nhập. Có thể thấy: với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng đắn ở xã Hòa Khánh, những diện tích hoa màu kém hiệu quả đã nhường chỗ cho vườn rau xanh tốt mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng cho các hộ dân; mức thu nhập bình quân đạt trên 20 triệu đồng/người/năm. Tương tự, tại phường Khánh Xuân, có hơn 100 hộ dân chuyên nghề trồng rau, với diện tích khoảng 30 ha. Vùng rau nơi đây đang dần khẳng định chất lượng, tính cạnh tranh trên thị trường và cũng đã có mặt tại hầu khắp các chợ trong khu vực thành phố cũng như một số siêu thị như Co.op Mart, Metro Buôn Ma Thuột.
Những bước chuyển kinh tế, xã hội ở vùng ven đô đã và đang rõ ràng, sống động hơn. Tương lai, khi đô thị Buôn Ma Thuột mở rộng và phát triển thì một số vùng ven đô sẽ trở thành nội đô, nhưng những bước chuyển mình, thay da đổi thịt hôm nay của những thôn, buôn đang góp phần tạo nền móng vững chắc cho một Buôn Ma Thuột phát triển và giàu bản sắc.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc