Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc buôn làng

09:14, 02/01/2014
TP. Buôn Ma Thuột năng động đang trên đường chuyển mình mạnh mẽ để trở thành đô thị văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Cùng với đó, diện mạo ở các buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cũng từng bước đổi thay…

Akô Dhông – buôn giàu đẹp nhất Tây Nguyên

Đến Akô Dhông phường Tân Lợi – TP. Buôn Ma Thuột nơi đầu nguồn con suối Ea Nuôl, du khách không khỏi ngạc nhiên trước diện mạo đời sống của đồng bào nơi đây. Con đường chạy dọc “buôn cổ trong lòng thành phố” được thảm nhựa khang trang, các lối đi được vệ sinh sạch sẽ. Hai bên đường, nhà cửa sầm uất, hầu hết các gia đình đều có một ngôi nhà dài truyền thống Êđê phía trước, phía sau là căn nhà trệt theo cấu trúc của dân tộc Kinh hoành tráng, không ít nhà có ô tô sang trọng. Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lợi cho biết: Nhờ chịu khó và giỏi làm kinh tế nên đến nay, buôn Akô Dhông không còn hộ nghèo. Do biết kết hợp trồng cà phê, làm du lịch nên nhiều gia đình đã thành triệu phú, tỷ phú. Điển hình là hộ bà H’Lung Niê đã xây dựng được ngôi nhà dài bằng gỗ theo kiều truyền thống của người Êđê trị giá 3 tỷ đồng (nhà dài hơn 37m, rộng 6,5m). Để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, gia đình bà đã mở cửa hàng bày bán những sản phẩm truyền thống của đồng bào trong buôn như: hàng thổ cẩm, mỹ nghệ, rượu cần và trưng bày những bộ chiêng, ché quý phục vụ khách ghé thăm. Bà H’Lung Niê chia sẻ: Ngôi nhà là thành quả nửa đời người vợ chồng ông bà cần mẫn làm rẫy, dệt thổ cẩm và làm du lịch. Không có gì hạnh phúc bằng khi được sống trong căn nhà đẹp theo kiểu truyền thống văn hóa của tổ tiên. Cũng như bà, nhiều gia đình ở đây cũng bằng mọi giá bảo tồn, tu sửa nhà dài vừa để giữ lại đặc trưng văn hóa của dân tộc mình vừa để phục vụ du lịch. Nhờ đó, dù hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế thị trường nhưng Akô Dhông vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, trở thành niềm tự hào của người Êđê hôm nay, và được coi là một trong những buôn người đồng bào giàu đẹp bậc nhất ở Tây Nguyên. Càng tự hào hơn khi có những nghệ nhân vẫn ngày đêm giữ gìn và truyền lại cho con cháu hồn văn hóa của cha ông mình. Trong đó, nghệ nhân Ama Loan dù đã hơn 70 mùa rẫy vẫn ngày đêm dạy các cháu nhỏ học đánh chiêng và cần cù sưu tầm, chế tác các nhạc cụ của người Êđê như: đinh năm, đinh tăk, đinh tăk tà, đinh puoh, tù và, chuông gió… cho bà con trong buôn. Trưởng buôn Ama Dit tự hào: Akô Dhông không chỉ giàu mà rất đẹp, mọi người vừa chăm lo phát triển kinh tế vừa chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống. Hiện buôn có khoảng 70 hộ đồng bào Êđê, 100% trẻ em trong buôn đều được đến trường, trong đó có đến 90% học sinh học được hết lớp 12; riêng buôn đã 8 năm liền đạt danh hiệu buôn văn hóa, gần 100% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Nhiều người con của buôn học hành bài bản, trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên…

TP. Buôn Ma Thuột có nhiều buôn người DTTS mạnh về kinh tế, đặc sắc về văn hóa, trong đó, buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi được coi là buôn giàu đẹp nhất.
TP. Buôn Ma Thuột có nhiều buôn người DTTS mạnh về kinh tế, đặc sắc về văn hóa, trong đó, buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi được coi là buôn giàu đẹp nhất.

Đưa buôn làng “gần” hơn với phố thị

Nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển các buôn đồng bào DTTS, ngày 4-8-2011, Ban Thường vụ Thành ủy Buôn Ma Thuột đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ-TU Về phát triển kinh tế - xã hội các buôn, cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015. Mục tiêu của nghị quyết này nhằm thay đổi diện mạo các buôn đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm sự liên kết hài hòa giữa các vùng; lồng ghép các chương trình để huy động mọi nguồn lực, mở rộng phát triển ngành nghề, phát triển các cơ sở sản xuất và dịch vụ tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng sản xuất hàng hoá; phát triển kinh tế các buôn gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, giàu bản sắc văn hóa… Theo đó, địa phương sẽ hỗ trợ 40 tỷ đồng cho các buôn, cụm dân cư đồng bào DTTS, phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người tăng 2 lần so với năm 2010, nhựa hóa 100% trục đường giao thông chính ở các buôn; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp kênh mương bảo đảm 80% diện tích cây trồng được cung cấp nước tưới. Huy động 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến cuối năm 2015 còn dưới 0,4%. Để thực hiện hiệu quả nghị quyết quan trọng này, TP. Buôn Ma Thuột đã thành lập Ban chỉ đạo 4027 do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nay Phi La làm trưởng ban; đồng thời tại các xã, phường và buôn cũng có ban chỉ đạo chương trình để triển khai và giám sát việc thực hiện các mô hình hỗ trợ.  Trong năm 2013, TP. Buôn Ma Thuột đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho 189 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại 11 xã, phường với tổng giá trị 3,8 tỷ đồng. Mức hỗ trợ này sau 3 năm sẽ được thu hồi với mức 40% giá trị tài sản hỗ trợ đối với hộ nghèo, 50% với hộ cận nghèo và 70% với các hộ khác nhằm tăng trách nhiệm phát huy tác dụng đồng vốn của các hộ được nhận hỗ trợ; đồng thời quay vòng nguồn vốn hỗ trợ để tăng hiệu quả của chương trình. Bên cạnh đó, những hộ được thụ hưởng giống cây lương thực và cây ăn quả sẽ không bị thu hồi vốn với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ đồng bào DTTS hưởng lợi từ chương trình phát triển kinh tế gia đình thông qua các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, trang trại tổng hợp.

Xã Cư Êbur có 4 buôn đồng bào DTTS với 1.102 hộ, trong đó 99 hộ thuộc diện nghèo. Thực hiện Nghị quyết 05 của Thành ủy Buôn Ma Thuột, địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận các mô hình kinh tế để xóa đói giảm nghèo. Tháng 7-2013 có 19 hộ được tạo điều kiện vay vốn nuôi bò. Gia đình Y Neng Aliô (buôn Ea Bông) được cấp một cặp bò, sau hơn 4 tháng nuôi, con bò mẹ vừa sinh thêm một con bê con nữa. Anh Y Neng phấn khởi cho biết: có được con bò mẹ và hai con bê này, anh có thể yên tâm hoàn lại vốn vay cho chương trình và đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Theo lãnh đạo UBND xã Cư Êbur: hiện đàn bò gồm 39 con của các hộ được hỗ trợ đều phát triển tốt, bước đầu cho thấy hiệu quả và lợi ích rõ nét đối với các hộ nghèo. Sau khi thu hồi vốn hỗ trợ của các hộ này,  xã sẽ luân chuyển đến các hộ nghèo khác ở 4 buôn nhằm tạo điều kiện cho thêm nhiều hộ được vay vốn phát triển sản xuất, thoát nghèo.

Ông Trương Vĩnh Mai, Trưởng phòng Dân tộc TP. Buôn Ma Thuột cho biết: trên địa bàn thành phố hiện có 33 buôn đồng bào DTTS tại chỗ và 7 điểm dân cư có đồng bào các DTTS khác với hơn 11.000 hộ dân. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Thành ủy cùng với các chương trình mục tiêu khác như: chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới… sẽ góp phần thay đổi diện mạo kinh tế – xã hội tại các địa bàn dân cư vùng đồng bào DTTS, nâng cao đời sống cho bà con và đưa các buôn làng gần hơn với phố thị.

Minh Thông

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.