Sức xuân vùng quê Ea Kly
Ít ai ngờ một địa phương thuần nông nằm cách TP. Buôn Ma Thuột hơn 50 km như xã Ea Kly - huyện Krông Pak lại có diện mạo khang trang, cơ sở hạ tầng đồng bộ và đời sống người dân khấm khá. Có được thành công ấy là nhờ những nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân nơi đây trong việc triển khai phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống ấm no.
“Phố” ở nông thôn
Đến xã Ea Kly khi cả nước đang rộn ràng đón mùa xuân mới sẽ cảm nhận được sức sống mới trên vùng đất này. Đi trên con đường nhựa rộng rãi, hai bên rợp bóng cây xanh, có người gọi vùng đất này là “Phố” ở nông thôn. Nơi đây cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ, điện nông thôn đã được xây dựng gần như hoàn thiện trên cơ sở quy hoạch bài bản. Những con đường bê tông thoáng đãng chạy từ làng trên đến xóm dưới, có hệ thống điện chiếu sáng đầy đủ. Diện mạo vùng trung tâm xã cũng rất sầm uất với nhiều cửa hàng dịch vụ kinh doanh từ máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng đến dịch vụ ăn uống, giải khát. Anh Mai Kim Nhàn, cán bộ Văn phòng UBND xã cho hay: từ năm 2011 đến nay, địa phương đã xây dựng được hàng chục công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó bên cạnh kinh phí Nhà nước thì nguồn đóng góp của người dân về tiền của, ngày công, hiến đất, cây trồng… cũng rất quan trọng. Về hạ tầng giao thông, xã đã xây dựng được 3.130 m đường bê tông xi măng, gần 1.000m đường cấp phối với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, trong đó 30% là do người dân đóng góp.
Để tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đã họp dân để bàn bạc và thống nhất mức huy động. Theo đó, những hộ có nhà gần mặt đường thì đóng 1 triệu đồng/hộ, các hộ ở tuyến hai thì đóng 500.000 đồng/hộ. Cùng với đó, 12 thôn trên địa bàn đã xây dựng được đường điện chiếu sáng khắp các tuyến đường. Đi trên con đường liên thôn được bê tông hóa từ sự đóng góp của người dân, ông Nguyễn Văn Đức, người dân thôn 7 chia sẻ: Trước đây, khi chưa mắc điện đường thì ban đêm, tình trạng trộm cắp hay va chạm giao thông diễn ra rất nhiều; bây giờ đường rộng rãi, điện sáng như phố thị nên tình trạng này không còn, người dân đi lại thuận lợi và yên tâm làm ăn vì an ninh trật tự được bảo đảm. Đặc biệt, Ea Kly là xã duy nhất trong toàn tỉnh có công trình bể bơi hiện đại phục vụ người dân và các em học sinh. Công trình phúc lợi công cộng này có kinh phí 2,2 tỷ đồng từ nguồn vốn của doanh nghiệp hỗ trợ và người dân đóng góp. Nhìn hình ảnh hàng chục người lớn, trẻ nhỏ thoải mái vui chơi dưới bể nước trong xanh sau một ngày học tập, lao động mệt nhọc mới cảm nhận được vùng quê này đã đổi thay mạnh mẽ như thế nào. Nhiều công trình khác cũng được xây dựng nhờ “sức dân” như sân trường, phòng học, nhà hiệu bộ, sân chơi thể thao, nhà văn hóa… Nhờ có cơ sở hạ tầng cơ bản nên sản xuất sinh hoạt của người dân thuận lợi, nền kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Tính đến cuối tháng 11-2013, Ea Kly là địa phương dẫn đầu tỉnh về phong trào xây dựng nông thôn mới khi đã hoàn thành 15/19 tiêu chí.
Đường giao thông ở vùng quê Ea Kly. |
Đổi thay đến từng căn nhà
Ea Kly có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, trong đó có các lợi thế về đất đai rộng, vừa có đất trồng cà phê, vừa có đất trồng lúa, hoa màu và diện tích mặt nước nuôi thủy sản, thủy cầm. Tuy nhiên, trước đây sản xuất của địa phương phần lớn dựa vào cây lúa và cà phê, hiệu quả kinh tế còn hạn chế. Nhận thấy điều này, lãnh đạo xã đã lập đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời mạnh dạn thay thế một số diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng ca cao, vải thiều, ngô lai; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đa dạng hóa cơ cấu ngành chăn nuôi bằng một số loại vật nuôi như heo, bồ câu, hươu sao, gà, vịt… Đặc biệt, Ea Kly đang xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật có sự hỗ trợ của Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên với mục đích lai ghép, cải tạo để nâng cao năng suất cây cà phê trên địa bàn; quy hoạch vùng chăn nuôi gắn với cơ sở giết mổ tập trung quy mô lớn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Với những chương trình này, địa phương đang hướng đến xây dựng nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cũng được đưa vào áp dụng để nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất, những giống cây trồng, vật nuôi mới mang lại giá trị kinh tế cao. Có thể kể đến mô hình ngô lai chất lượng cao, vải thiều, nuôi heo rừng, thỏ, chim bồ câu… Từ đó, nhiều nông dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững bằng những cách làm hay. Cán bộ khuyến nông xã cho chúng tôi biết: “Hầu như thôn nào trong xã cũng có người giàu, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, trong đó thôn 14 có mô hình nuôi hươu sao của hộ anh Hải, thôn 1 có trang trại nuôi gà của anh Loan, thôn 12A có mô hình trồng vải thiều của anh Tiên…”. Chúng tôi đến thăm trang trại nuôi heo của anh Đỗ Đức Tú (thôn 1A), một điển hình nông dân làm kinh tế giỏi của xã Ea Kly. Anh bắt đầu xây dựng chuồng trại nuôi heo từ năm 2010 với vài chục con heo thịt và 6 con heo nái. Một thời gian sau, dịch tai xanh khiến toàn bộ đàn heo của gia đình anh bị tiêu hủy, chuồng trại để không mấy tháng trời. Không bỏ cuộc, anh gây lại đàn heo, tìm đọc các tài liệu về cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi nên đàn heo chống được bệnh, phát triển nhanh. Đến nay, trong chuồng thường xuyên có 100 con heo thịt, 100 heo con và 20 heo nái, mỗi năm thu nhập hai trăm triệu đồng. Dịp Tết này, gia đình anh xuất 5 tấn heo thịt, lợi nhuận giúp gia đình không những có một cái Tết sung túc mà còn là cơ sở để vươn lên làm giàu.
Trang trại nuôi heo mỗi năm mang lại cho gia đình anh Đỗ Đức Tú 200 triệu đồng. |
Những ngày này, người dân Ea Kly đang khẩn trương hoàn thành những công việc cuối cùng trên rẫy, ngoài ruộng để chuẩn bị chỉnh trang nhà cửa đón tết. Làng trên xóm dưới, bà con đang hân hoan đón một mùa xuân mới sau một năm mùa màng thắng lợi.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc