Xứng danh Anh hùng
Ở Cư Pơng, những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên ngày càng nhiều đang dần thay thế những căn nhà gỗ mục nát. |
Quả thật, dẫu chiến tranh đã lùi xa, dẫu khó khăn đói nghèo đã không còn là mối lo thường trực nữa mà thay vào đó là những tấm gương sáng ngời về phát triển kinh tế, nhưng người dân nơi đây vẫn luôn nhắc lại lịch sử vùng căn cứ cách mạng Cư Pơng và xem đó là niềm tự hào để răn dạy các thế hệ mai sau…
Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ xã Cư Pơng, ngay từ đầu những năm 1940, đồng bào Ê đê ở đây đã sớm giác ngộ cách mạng. Lúc bấy giờ, mặc dù đời sống còn vô cùng nghèo nàn, lạc hậu nhưng người dân nơi đây đã đoàn kết một lòng cống hiến tài sản và nhân lực cho cách mạng. Căn cứ địa Cư Pơng ngay từ cuối năm 1945 đã thành lập được các đoàn thể như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Mặt trận cứu quốc, du kích… với lực lượng hàng trăm người. Với tinh thần một lòng vì cách mạng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân Cư Pơng đã anh dũng ngoan cường, kiên trung bất khuất nuôi giấu cán bộ, giữ vững cơ sở, tiếp tế hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho bộ đội… Trong quá trình đấu tranh gian khổ ấy, quân và dân Cư Pơng cũng đã góp phần phá được một ấp chiến lược, giải phóng cho hàng nghìn người dân; tiêu diệt 163 tên địch trong đó có 6 tên Mỹ, 22 tên ác ôn, thám báo; làm bị thương hàng trăm tên, bắt sống 12 tên địch; đốt cháy 1 xe quân sự, gần 196 khẩu súng… Sau ngày đất nước được giải phóng, lực lượng Fulrô tiếp tục quấy rối gây mất an ninh chính trị khắp mọi nơi. Quân và dân Cư Pơng lại cùng nhau đấu tranh, vận động, gọi hàng và bóc gỡ hết cơ sở Fulrô cài cắm ở buôn làng, tiêu diệt tổng cộng 25 tên. Với những thành tích đạt được trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cư Pơng đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1994.
Lịch sử đấu tranh hào hùng là vậy, nhưng sau ngày giải phóng, Cư Pơng cũng như nhiều vùng căn cứ cách mạng khác lại là “nỗi lo” lớn đeo đẳng đối với chính quyền các cấp. Nỗi lo ấy được ông Y Sơn Kpă, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng lý giải: Không lo sao được, khi mà sau mấy mươi năm giải phóng, người dân ở vùng căn cứ nghèo vẫn cứ hoàn nghèo. “Lo” ở đây là chăm lo cái ăn, cái mặc, cái chữ cho dân. Rồi lại phải nát óc tìm hướng thoát nghèo, nghĩ cách để hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước đối với nhân dân… Và cũng theo ông Y Sơn, “nỗi lo” ấy đối với Cư Pơng hôm nay đã không còn bị đè nặng nữa. Bởi trong mắt người cán bộ lão thành cách mạng có thâm niên làm bí thư xã hàng chục năm này thì đời sống của người dân nơi đây đã có sự đổi thay đến diệu kỳ! Cách nay chừng hơn 5 năm, cả xã có đến trên 50% là hộ nghèo thì đến nay số hộ nghèo chỉ còn lại chừng 15% theo chuẩn mới. Sự thay da đổi thịt từng ngày mà Cư Pơng có được chính là nhờ triển khai kịp thời và phát huy có hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia như 134, 135… Chính nhờ chủ trương cũng như các chương trình đầu tư kịp thời của Nhà nước cùng với ý chí quyết tâm của người dân đã tạo nên một bộ mặt Cư Pơng hoàn toàn mới như hôm nay.
Hầu hết những con đường nội buôn ở Cư Pơng đều đã được mở rộng và “nhựa hóa”. |
Về Cư Pơng những ngày này, câu chuyện của người dân không còn quanh quẩn trong việc chạy cái ăn, lo chỗ ở mà thay vào đó là buôn này làm đường, buôn nọ kéo điện, hộ kia xây nhà, sắm ô tô… Đến thăm nhà Ama Hậu ở buôn A Drơng Điết, hỏi chuyện làm kinh tế mới biết, trước đây gia đình ông cũng nghèo lắm. Cuộc sống chủ yếu là trồng lúa, bắp theo tập quán cũ của người Êđê nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhiều hôm phải ăn rau rừng thay cơm. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông cùng với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất mình sinh thành, Ama Hậu đã chuyển đổi từ cây lúa rẫy sang trồng cà phê. Vừa làm, vừa tích cóp đất đai, đến năm năm 2006 gia đình Ama Hậu đã có được 4 ha cà phê, mỗi năm gia đình ông thu nhập không dưới 300 triệu đồng.
Người dân Cư Pơng đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và đưa cây cà phê trở thành thế mạnh phát triển kinh tế ở địa phương. |
Cũng như Ama Hậu, Y Wa Niê (SN 1969) ở buôn Xóm A cũng đang là tấm gương sáng về vượt khó làm giàu để lớp trẻ trong buôn noi theo. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, Y Wa chưa bao giờ quên những ngày tháng cơ cực trước đây. Sau khi lập gia đình, anh được mẹ vợ chia cho một khoảng đất nhỏ đủ để làm nhà và trồng hơn trăm cây cà phê. Với hai bàn tay trắng, anh phải lên rừng chặt gỗ về làm nhà. Để trồng được hơn 100 cây cà phê, anh phải vay mượn tiền cây giống... Rồi thì làm mướn, trồng rau, nuôi gà… Y Wa thực hiện phương châm “góp gió thành bão”, có được tiền anh gom góp mua đất… Đến nay, gia đình anh đã có được 3 ha cà phê, gần 3 ha điều và 0,5 sào ao nuôi cá… Hằng năm anh thu được gần 10 tấn cà phê nhân, hơn 4 tấn điều và đã trở thành triệu phú trẻ của buôn Xóm A.
Khi được hỏi về bí quyết làm giàu, tỷ phú Ama Kim ở buôn Ea Brơ tỉnh bơ: "Có khó gì đâu? Đất đai ở đây thuần và màu mỡ, chỉ cần chịu khó là giàu thôi. Dân mình trước đây quen tập quán canh tác cũ, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật, không mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên nghèo mãi. Mấy năm gần đây, nhờ các lớp tập huấn của cán bộ huyện, xã mà giờ dân mình ai cũng am hiểu kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Không chỉ biết trồng cà phê, dân chúng tôi còn biết cả việc chế biến phân bón từ vỏ cà phê, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tăng năng suất cây trồng…”.
Ngoài những người mà chúng tôi đã gặp thì danh sách những triệu phú trẻ ở Cư Pơng, theo lời chủ tịch xã Bùi Xuân Giàu, là không thể kể hết. Toàn xã có 17 buôn và 1 thôn thì ở cả 18 đơn vị hành chính nhỏ nhất này những năm qua đều đã có nhiều triệu phú, tỷ phú. Anh Giàu nói vui nhưng cũng khiến người thành phố như tôi nghe mà giật mình: “Ở xã này có tiêu chí đánh giá hộ… giàu hẳn hoi, và có lẽ cũng “khắt khe” hơn so với mọi nơi. Hộ giàu của chúng tôi phải là những người có nhà xây đổ mê kiên cố và phải có… ô tô. Và cũng theo ước tính thì cả xã hiện đang có khoảng 20% hộ giàu!”. Theo lời anh Giàu thì Cư Pơng trước đây nghèo là do tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu là trồng hoa màu, lúa rẫy, thu nhập chẳng đáng là bao. Vài năm trở lại đây, người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cà phê nên thu nhập cao và ổn định. Không những vậy, người dân còn chủ động góp tiền kéo điện 3 pha về để chủ động việc tưới tiêu cà phê, tiết kiệm chi phí. Theo thống kê, người dân trong xã đã đóng góp được gần 10 tỷ đồng để kéo điện, bảo đảm điện tưới cho 80% diện tích cà phê trên toàn địa bàn…
Những ai đã từng đến với Cư Pơng cách đây vài năm chắc hẳn sẽ khó tin rằng nơi đây sẽ “lột xác” được như ngày hôm nay. Câu chuyện cứ ngỡ như là cổ tích ấy lại là một thực tế đáng để chúng ta phải suy nghĩ và học hỏi. Chúng ta đã có một Cư Pơng anh dũng kiên cường trong quá khứ đáng để tự hào. Và hôm nay, chúng ta đang có một Cư Pơng sáng ngời trên mặt trận phát triển kinh tế để tô điểm thêm những trang sử vẻ vang của quân và dân xã Cư Pơng Anh hùng!
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc