Triển vọng về một thương hiệu gạo trên Tây Nguyên
Sau cuộc khai hoang vĩ đại dưới thời Bí thư Tỉnh ủy Trần Kiên ở thập niên 80 đã để lại cho Dak Lak những cánh đồng lúa trù phú ven dòng sông Krông Ana, biến vùng Krông Ana, vùng Lak thành những đồng lúa trên cao nguyên lộng gió. Sản phẩm từ lúa không những giúp người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, giúp Dak Lak trở thành tỉnh đầu tiên trên Tây Nguyên đạt trên 1 triệu tấn lương thực, mà còn đưa hạt gạo thương phẩm của vùng đi sang các tỉnh bạn.
Vựa lúa trên cao nguyên
Thu hoạch lúa ở huyện Krông Ana. |
Vào mùa gặt, nếu ai có dịp đi xuống các vùng lúa như Buôn Trấp, Buôn Triết, Buôn Tría… thì mới cảm nhận được hết vẻ đẹp tinh khôi trong câu hát “Em đi giữa biển vàng/ Nghe mênh mông trên đồng lúa hát/ Hương lúa trĩu trong lòng tay/Như đựng đầy mưa gió nắng/ Như mang nặng giọt mồ hôi…” của cố nhạc sĩ Bùi Đình Thảo. Qua đó mới thấy, đâu chỉ có miền Bắc hay miền Tây Nam Bộ mới có những cánh đồng trải đến chân mây với một màu vàng mênh mông. Đây chính là niềm tự hào của người dân xứ cà phê. Có thể nói dòng sông Krông Ana đã ban tặng cho Dak Lak một đặc ân, một thế mạnh để phát triển cây lúa từ những cánh đồng màu mỡ. Theo lời kể của những cựu cán bộ một thời cùng nông dân khai hoang vùng đầm lầy ven sông Krông Ana: dưới sự chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Trần Kiên lúc bấy giờ, ròng rã trong 5 năm trời các lực lượng từ cán bộ đến thanh niên, nông dân đều được huy động dồn sức cày cuốc, đào kênh thủy lợi… để “đánh thức” vùng đất hoang vu thành những cánh đồng lúa trù phú. Và theo thời gian, bà con nông dân tiếp tục khai khẩn mở rộng cánh đồng tạo nên vựa lúa rộng hàng trăm nghìn héc-ta. Nếu trước đây, người dân vùng này chỉ làm lúa một vụ, vì mùa mưa nước lũ về ngập trắng cánh đồng cả mấy tháng trời không sản xuất được, thì bây giờ, nông dân nơi đây đã trồng được hai vụ lúa với năng suất cao nhất tỉnh nhờ có công trình đê bao được hoàn thành đưa vào sử dụng. Theo Ông Phan Đức Nhã, Trưởng phòng NN - PTNT huyện: ưu thế của Krông Ana là được thừa hưởng các cánh đồng từ nông trường cũ để lại nên cánh đồng được quy hoạch rất chi tiết, bằng phẳng, tạo thuận lợi rất lớn cho nông dân sản xuất. Năm 2013, toàn huyện có trên 5.000 ha lúa hai vụ, mặc dù nhiều diện tích bị thiệt hại do hạn hán nhưng năng suất vẫn đạt cao nhất tỉnh (trên dưới 7 tấn/ha); nhiều giống lúa đạt chất lượng cao được thị trường ưa chuộng như: HT1, OM 2517, OMCS 2000, VND 95-19 và ML 48… cũng đã được nông dân đưa vào trồng phổ biến. Xã Quảng Điền là một trong những xã trọng điểm lúa của huyện với diện tích khoảng 1.600 ha lúa hai vụ, năng suất đạt từ 6-8,5 tấn/ha. Có đến 80% nông dân gắn bó với cây lúa và nhiều hộ cũng đã có cuộc sống khá giả từ lúa. Ông Võ Vinh, Phó Bí thư xã cho hay: trên địa bàn xã có 2 HTX nông nghiệp có cách làm giống với quy trình của cánh đồng mẫu, nghĩa là cùng làm đất, xuống giống đồng loạt, trồng một loại giống và phun thuốc, bón phân theo đúng quy trình… Do đó, nông dân làm lúa ở đây rất chuyên nghiệp, cơ giới hóa đến 80%, sản phẩm gạo của Quảng Điền không những giúp người dân có cuộc sống no đủ mà còn xuất khẩu đi khắp vùng, miền trong cả nước. Không thua kém huyện Krông Ana, huyện Lak cũng là một vựa lúa lớn của tỉnh, với diện tích trên 5.000 ha đông xuân và trên 4.000 ha lúa hè thu; tổng sản lượng lương thực năm 2013 đạt 90.382 tấn, trong đó lúa đạt 52.260 tấn. Theo ông Y Săn Ayun, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Lak: toàn huyện có 3 xã trọng điểm lúa là Buôn Tría, Buôn Triết, Dak Liêng, năng suất bình quân từ 7-8 tấn/ha. Hàng năm các cánh đồng nơi đây được dòng sông mẹ bồi đắp phù sa, đem lại những “mùa vàng” cho cư dân vùng chiêm trũng này.
Ước mong một thương hiệu
“Mùa vàng” về với nông dân. |
Có thể tự hào rằng sản phẩm lúa gạo ở Dak Lak không những bảo đảm an ninh lương thực cho tỉnh mà còn được xuất bán ra các tỉnh bạn với sản lượng khá lớn. Ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) cho biết: nhiều loại gạo ở đây được thị trường rất ưa chuộng, đặc biệt là gạo dẻo, thơm. Nhiều người dân ở thành phố đã tìm về tận đây để mua gạo với lý do: gạo vừa ngon, ngọt cơm, “ăn đứt” các loại gạo ở miền Tây mà giá lại mềm, không sợ bị bỏ thuốc bảo quản… Thế mới biết, gạo ở vùng Krông Ana có “sức hút” riêng và đang dần tạo ra một thị trường cho riêng mình. Trên thực tế, các nhà máy xay xát trên vùng lúa này bình quân mỗi ngày xuất ra thị trường hàng trăm tấn gạo; riêng tại xã Bình Hòa có 4 nhà máy, công suất 50 tấn/ngày. Theo anh Nguyễn Văn Hương, chủ nhà máy xay xát Hương Thu (thôn 2, xã Quảng Điền), nhà máy thường hoạt động cao độ từ tháng 4 đến cuối năm; bình quân mỗi ngày xuất ra từ 15-20 tấn gạo, thị trường chủ yếu là Phú Yên, Gia Lai, Đà Nẵng… với các loại gạo ưa chuộng là dẻo thơm, dài nở, gạo ép… Anh Hương đánh giá: so với gạo ở các vùng khác thì chất lượng gạo của Dak Lak vượt trội, được nhà máy đóng bao, có tên trên bao bì. Tuy nhiên đến nay gạo Dak Lak vẫn chưa có thương hiệu riêng nên giá không cao bằng các sản phẩm gạo cùng loại ở các tỉnh khác. Cùng một trăn trở đó, anh Hồ Thanh Hùng, Chủ nhiệm HTX Quảng Tân (xã Bình Hòa) tâm sự: Sản phẩm lúa gạo được bà con làm ra ngày càng nhiều và chất lượng tốt hơn; các giống lúa thơm như: OM, VND, HT1, Thơm lài… được nông dân trồng khá phổ biến, song vào chính vụ sản phẩm bán ra thường hay bị thương lái ép giá, đầu ra không ổn định. Đó là chưa kể sản phẩm gạo vùng này bán ra tỉnh khác thường bị các doanh nghiệp thay đổi nhãn mác để bán với giá cao hơn gấp nhiều lần. Vì vậy, để nâng giá trị hạt gạo của vùng, chính quyền địa phương cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu gạo, vừa tạo đầu ra ổn định vừa xây dựng được một vùng lúa thương phẩm chuyên canh. Ông Y Săn Ayun, cho biết thêm: tiềm năng phát triển sản phẩm gạo thương phẩm trên địa bàn huyện rất lớn, các tên gạo được in trên bao bì của các nhà máy xay xát như: gạo Tám-Lak, gạo Thơm-Dak Liêng… đã trở nên quen thuộc với nhiều người tiêu dùng trên địa bàn nhưng giá bán ra vẫn chưa được cao và chưa có tên gọi chính thức trên thị trường gạo.
Lúa được đưa vào các nhà máy xay xát để thành sản phẩm gạo chất lượng xuất ra thị trường. |
Đáp ứng nguyện vọng của người dân, chính quyền các huyện Krông Ana và Lak đã xúc tiến lập Dự án xây dựng thương hiệu “Gạo thơm Krông Ana” tại xã Bình Hòa và Đề án phát triển và xây dựng thương hiệu lúa gạo Lak. Theo đó, người nông dân ở đây đang hy vọng một thương hiệu lúa gạo sẽ trở thành hiện thực. Đây là tín hiệu vui với người làm lúa ở xứ sở cà phê, bởi khi có thương hiệu, hạt gạo của bà con sẽ mang giá trị cao hơn, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống của những người trồng lúa.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc