Multimedia Đọc Báo in

Tư duy mới từ… nông thôn mới

08:59, 04/02/2014

Nông thôn mới – Cụm từ này có lẽ đã không còn mới đối với mỗi người dân ở mọi vùng quê Dak Lak. Bởi, dường như với họ, chủ trương xây dựng Nông thôn mới (NTM) như là một liều thuốc kích thích hiệu nghiệm khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì mục đích lớn lao hơn với một tư duy hoàn toàn mới!

Công trình đường giao thông tuyến thị trấn Quảng Phú - xã Quảng Hiệp (Cư M’gar). Ảnh: V.C
Công trình đường giao thông tuyến thị trấn Quảng Phú - xã Quảng Hiệp (Cư M’gar). Ảnh: V.C

Theo thống kê của UBND tỉnh, trong năm 2013, người dân toàn tỉnh đã đóng góp trên 50 tỷ đồng và hơn 17.000 ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng xây dựng NTM. Ngoài ra, người dân các địa phương cũng đã hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng NTM bằng việc hiến hơn 150.000m2 đất và giải tỏa hàng ngàn cây trồng các loại để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu; huy động làm mới được 78 km đường bê-tông, sửa chữa trên 105 km đường giao thông nông thôn; làm mới 8,6km kênh mương, nạo vét 70 km kênh mương nội đồng; xây dựng 19 nhà văn hóa thôn buôn, 22 phòng học... Những con số thống kê tưởng như vô tri nhưng rất ấn tượng này, hơn ai hết, đã cho chúng ta thấy được phong trào xây dựng NTM đang sôi nổi khắp mọi miền quê Dak Lak…

Nêu gương sáng

Về xã Ea Ô (Ea Kar) tìm hiểu về xây dựng nông thôn mới, thể nào cũng được nghe câu chuyện ngỡ “trong mơ” từ những người nông dân đối với ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Chuyền. Chuyện là: Vào đầu năm 2012, trong quá trình vận động nhân dân trong xã hiến đất, góp tiền làm đường xây dựng NTM ở Ea Ô đã nảy sinh trục trặc khi nhiều hộ dân không có tiền để đóng góp, dẫu rằng họ rất đồng thuận chủ trương này. Không ngần ngại, ông Chuyền về nhà bàn với vợ lấy luôn sổ đỏ căn nhà mình đang ở mang ngay ra ngân hàng vay trên 200 triệu đồng để ứng trước cho dân làm đường. Việc làm của ông Chuyền đã khơi gợi, kích thích lòng tự trọng của người dân. Thế là, không ai bảo ai, mọi người đều tự nguyện “xắn tay áo” cùng với chính quyền địa phương xây dựng hoàn thiện các chỉ tiêu NTM. Người có tiền thì góp tiền, người có đất thì hiến đất, người có công thì góp công…, tất cả các thôn trong xã đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi xây dựng các chỉ tiêu NTM. 

Người dân tham gia làm đường theo chương trình NTM ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pak. Ảnh: H.G
Người dân tham gia làm đường theo chương trình NTM ở xã Hòa Đông, huyện Krông Pak. Ảnh: H.G

Được biết, đến thời điểm này sổ đỏ của ông Chuyền vẫn còn “nằm” trong ngân hàng, tiền lãi thì ông vẫn phải đóng hằng tháng, trong khi đường giao thông nông thôn thì đã hoàn thành xong từ lâu rồi. Ông Chuyền tâm sự: “Số tiền ấy là không nhỏ, tiền lãi phải đóng cũng không ít. Tuy nhiên tôi cảm thấy việc làm của mình là “được nhiều hơn mất”! Cái “được” của ông Chuyền chính là tinh thần, là sự đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương của Nhà nước. Nói như ông Phan Văn Hoàn, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn 3A: “Ở đâu không biết chứ dân xã này thì trăm người như một, ai cũng đồng lòng với chủ trương của Đảng, Nhà nước về NTM. Đơn giản thôi, xét cho cùng thì xây dựng NTM cũng là vì lợi ích, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Có lẽ nhờ suy nghĩ đó, đến nay xã Ea Ô đã thực hiện giải phóng mặt bằng được gần 90km đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn (mặt đường 7-9m). Trong đó, nhân dân tự nguyện hiến đất, cây cối hoa màu… trị giá trên 6 tỷ đồng. Trong năm qua xã cũng đã hoàn thành xong 10 phòng học tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám với kinh phí trên 3 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp đến 600 triệu đồng… Xã Ea Ô phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình NTM.

Làm đường giao thông nông thôn ở xã Buôn Triết, huyện Lak - Ảnh: H.G
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Buôn Triết, huyện Lak - Ảnh: H.G

Câu chuyện về 16 hộ dân ở thôn 8 xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar) trong đó hầu hết là các hộ nghèo cùng nhau hiến trên 1.700 m2 đất để làm đường cũng là một trong những bằng chứng sống động cho những “tư duy mới” từ phong trào xây dựng NTM. Thôn 8 là thôn nghèo nhất ở xã Ea M’nang. Thôn có 149 hộ thì hiện còn đến 31 hộ nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào sinh sống. Đời sống người dân nơi đây chủ yếu nhờ vào nương rẫy, nhưng do đất đai ít, lại khô cằn nên cái nghèo vẫn đeo đẳng họ quanh năm. Vậy nhưng khi xã vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường trong thôn thì ai cũng nhiệt tình hưởng ứng. Ông Trần Văn Điều, Bí thư chi bộ thôn kể: “Ban đầu cũng có người “lăn tăn”, nhưng rồi thấy những hộ nghèo khó, thậm chí tài sản chỉ có mấy trăm mét đất vườn nhà cũng xung phong hiến đất, thì họ cũng hăng hái tham gia. Sau khi hiến đất, người dân trong thôn còn tự nguyện đóng góp thêm tiền cùng với xã để làm đường. Nhờ vậy, đến giờ người dân thôn 8 đã có con đường cấp phối dài 600m, mặt đường rộng 6m, rất thuận tiện cho các cháu học sinh đi học và việc vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân…”. 

Tương tự, ở thôn 7 xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) cũng có nhiều tấm gương sáng trong phong trào hiến đất, góp tiền xây dựng NTM. Cũng là thôn nghèo nhất xã Cư M’gar, nhưng nhân dân thôn 7 lại là những người tiên phong trong việc bỏ công, góp của vì mục tiêu xây dựng NTM. Đưa chúng tôi đi xem con đường mới mở dài trên 3 km, thôn trưởng Trịnh Thị Yến cho biết: Để có con đường rộng hơn 6m này, 42 hộ dân trong thôn đã tình nguyện hiến đất, hoa màu với tổng diện tích hơn 6.000 m2. Không chỉ có vậy, người dân trong thôn còn đóng góp được 48 triệu đồng và hàng trăm ngày công để cùng xã hoàn thành con đường. Hỏi về “bí quyết” để huy động sức dân, chị Yến cười khiêm tốn: “Tất cả cũng nhờ người dân hưởng ứng nhiệt tình. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Dưỡng, nhà chỉ có 2,8 sào đất, khi thôn đặt vấn đề mở đường chị đã không ngần ngại tuyên bố: “Đường mở đến đâu tôi hiến đất đến đó”! Còn về việc đóng góp tiền thì cán bộ thôn làm gương cho ứng trước, những hộ khó khăn trả góp dần…”. Nhờ cách làm hay này mà năm 2011, người dân thôn 7 đã đóng góp được 33 triệu đồng để xây dựng một nhà mẫu giáo, năm 2012 đóng góp được 48 triệu đồng để làm đường. Trong năm 2013, người dân cũng tự nguyện đóng góp được 48 triệu đồng để xây dựng hội trường thôn… 

Động lực để phát triển nông thôn

“NTM đâu chỉ có việc người dân tham gia hiến đất, làm đường!” - đa số những người nông dân, cán bộ cấp cơ sở đều có chung suy nghĩ như vậy. Điều này cho thấy, nhận thức của người dân về Chương trình mục tiêu Quốc gia này là khá rõ ràng. Đây là thành quả của công tác tuyên truyền vận động của các cấp chính quyền - đoàn thể thời gian qua, và cũng chính là điều kiện vô cùng thuận lợi cho mục tiêu xây dựng NTM. Quan điểm này đã và đang được bà Hồ Thị Thanh Hải, Bí thư chi bộ thôn 7 xã Cư M’gar phát động triển khai trên địa bàn thôn. Bà Hải nhận thức rằng: “Xét cho cùng thì mục tiêu xây dựng NTM chính là đổi mới bộ mặt của nông thôn theo hướng ngày càng hiện đại và bền vững hơn. Trong đó, người nông dân chính là chủ thể xây dựng và cũng chính là đối tượng được thụ hưởng trực tiếp”. Với tư duy đó, bà Hải đã phối hợp với ban tự quản thôn đi đến từng nhà, vận động từng người về mục tiêu của việc xây dựng NTM. Kết quả đáng mừng là không chỉ người dân tự nguyện hiến đất, góp tiền làm đường, xây dựng các thiết chế văn hóa… mà bản thân họ cũng đang có những suy nghĩ rất mới trong phát triển kinh tế. Bà Hải cho biết: “Khi nghe chúng tôi đặt vấn đề thành lập mô hình tổ hợp tác nông nghiệp sản xuất lúa nước, hàng chục hộ liền hưởng ứng đăng ký tham gia. Hiện tại, thôn đã có 46 hộ tham gia vào tổ hợp tác với mô hình điểm trên 10 ha. Và thật đáng mừng, mô hình tổ hợp tác này đã phát huy được hiệu quả, năng suất lúa đã tăng lên rõ rệt so với cách canh tác riêng lẻ trước đây. Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập thêm tổ hợp tác trồng rau sạch với hàng chục dân tham gia nữa. Tin rằng những mô hình này sẽ là cầu nối tập hợp bà con nông dân liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững, mở ra triển vọng mới cho kinh tế địa phương phát triển”.

Người dân thôn Hiệp Tiến xã Quảng Hiệp (Cư M’gar) đóng góp gần 1 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn - Ảnh: V.C
Người dân thôn Hiệp Tiến xã Quảng Hiệp (Cư M’gar) đóng góp gần 1 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn - Ảnh: V.C

Tìm hướng đi để giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cũng là đích đến của chính quyền xã Ea M’nang trong chương trình xây dựng NTM. Ông Nguyễn Chân, Chủ tịch UBND xã cho rằng: Với kiểu phát triển kinh tế manh mún, nhỏ lẻ thì mặt bằng kinh tế chung ở nông thôn sẽ khó có thể vực dậy được. Chính vì vậy, thời gian gần đây, xã có chủ trương khuyến khích các hộ dân liên kết thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, thậm chí là hợp tác xã để phát triển kinh tế. Đến nay, xã đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như: Tổ góp vốn kéo điện 3 pha trồng rau sạch; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; chế biến, xay xát; nuôi trồng thủy sản… Có được những kết quả bước đầu ấy, theo ông Chân, cũng là cả một quá trình tuyên truyền vận động, và đặc biệt là cán bộ đảng viên phải gương mẫu thì quần chúng mới tin tưởng. “Không phải có tiền là chúng ta xây dựng được NTM, mà bản thân từng con người cụ thể là chủ thể của chương trình này phải có suy nghĩ, có tư duy mới thì nông thôn mới thật sự… mới để xây dựng một xã hội tiên tiến!” - ông Chân trăn trở.

Chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Ea Kar thẳng thắn nhìn nhận: “Thực ra ở đâu cũng có những thuận lợi và khó khăn chung. Vấn đề cơ bản là cách làm tạo được sự đồng thuận cao của mỗi người dân”. Theo ông Hà, vấn đề cơ bản nhất là để người dân hiểu được mục đích cuối cùng của Chương trình này chính là hướng đến lợi ích thiết thực và lâu dài của họ. Với quan điểm đó, thời gian qua, huyện Ea Kar đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đưa các chương trình dự án và vốn tín dụng để hỗ trợ người dân; đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn điểm để người dân học hỏi, áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống. Chính nhờ đời sống ngày càng được nâng cao nên người dân càng ý thức được trách nhiệm của mình đối với địa phương, xã hội, càng tạo sự đồng thuận cao của người dân đối với những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.

Việt Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.