Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Những "nước cờ" để cán đích

05:32, 05/02/2014

Trong bộn bề khó khăn nhất là về kinh phí cũng như khối lượng lớn công việc phải làm, các địa phương đăng ký đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới vào năm 2015, tùy theo đặc điểm cụ thể của mình đang tìm nhiều cách đi để cố gắng cán đích đúng kế hoạch…

Dấy lên phong trào từ mô hình tổ đoàn kết

Xã Quảng Điền được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Krông Ana. Bắt tay vào triển khai thực hiện chương trình này, phương châm dựa vào dân, phát huy sức dân đã được chính quyền địa phương gửi gắm khi lựa chọn đúng ngày 18-11-2011 - ngày hội đại đoàn kết để phát động toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Phương châm ấy tiếp tục trở thành kim chỉ nam xuyên suốt trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền xã. Dựa trên bộ tiêu chí của chương trình, vai trò của các tổ chức đoàn thể được khẳng định khi được giao phụ trách theo dõi, làm chủ công trong những tiêu chí gần sát với chức năng nhiệm vụ. Đơn cử như hội nông dân sẽ sâu sát với tiêu chí về thu nhập; đoàn thanh niên nắm bắt, xung kích, giám sát trong các tiêu chí về môi trường, việc làm... 

Đặc biệt, cùng với mô hình chung theo quy định là thành lập ban chỉ đạo của xã, ban phát triển ở thôn, Quảng Điền còn có sáng kiến thành lập các tổ đoàn kết, là đơn vị cơ sở gần dân nhất, hiểu dân nhất. Điều đặc biệt nữa là các tổ đoàn kết chỉ gồm 30-40 người (tương ứng với các hộ), được thành lập theo tuyến đường chứ không theo cụm dân cư để dễ tạo sự lan tỏa của các phong trào, nhất là trong chỉnh trang diện mạo đường sá, cầu cống, nhà cửa. Không chỉ có các thôn mà các tổ đoàn kết này cũng đăng ký xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Đảng ủy xã Võ Vinh cho biết: “Toàn xã hiện có 57 tổ đoàn kết, số lượng người trong tổ được giới hạn là để thuận tiện trong tuyên truyền, vận động. Thực tế trong thời gian qua, tổ đoàn kết đã làm công tác vận động rất hiệu quả, nhất là khi người tổ trưởng hiểu được địa bàn, điều kiện hoàn cảnh của từng tổ viên mình để có cách tuyên truyền phù hợp”. Anh Trần Quốc Bảo, tổ trưởng tổ đoàn kết 31 hào hứng khoe việc các tổ viên trong tổ sống hai bên đường tích cực tham gia đóng góp tiền và ngày công để làm 250 m đường thôn 3. Hỏi anh về bí quyết để vận động bà con, anh làm ngay một phép tính: Làm đường, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước hỗ trợ 70%, dân đóng góp 30%, cộng lại bằng 100% và con số ấy cuối cùng đều là để phục vụ bà con mình. Nghe anh phân tích những ích lợi như vậy nên mọi người tích cực tham gia. Đường làm xong đầu năm 2013, một số hộ dân hai bên đường còn làm lại tường rào, trang trí, trồng hoa dọc bên đường trước nhà mình. Các hộ xung quanh thấy vậy cũng học theo và cái hay là bảo nhau thống nhất làm theo một mẫu tường rào cho thêm đẹp nhà, đẹp xóm. 

Tính đến tháng 11-2013, Quảng Điền đạt được 10 tiêu chí. Theo kế hoạch năm 2013, địa phương sẽ đạt thêm 3 tiêu chí nữa là: Trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn. Tuy nhiên đây là những tiêu chí liên quan nhiều đến vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, phụ thuộc nhiều vào nguồn kinh phí của Nhà nước nên thực tế xã cũng không thể hoàn toàn chủ động. Nhưng không cứng nhắc và nguyên tắc, phát huy hiệu quả của tổ đoàn kết, Quảng Điền đã vận động nhân dân xây dựng 131 nhà đạt tiêu chuẩn, 5.250 m tường rào, 286 cống thoát nước. Theo đó, dù chưa đạt được tiêu chí theo kế hoạch của năm thì xã vẫn đạt thêm được 3 tiêu chí khác là về nhà ở, thu nhập, cơ cấu lao động. 

Quảng Điền nỗ lực trên hành trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh: Đ.T
Quảng Điền nỗ lực trên hành trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh: Đ.T

Chọn “mũi tên” có thể trúng nhiều đích

19 tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới đã đề cập và bao quát mọi  lĩnh vực của đời sống. Là xã điểm của TP. Buôn Ma Thuột, Hòa Thuận đã chọn cho mình cách đi phân loại, gom nhóm và lựa chọn những hướng đi trọng điểm mà vẫn có thể trúng đích được nhiều tiêu chí. Đặc biệt, lấy nghị quyết làm “chiếc gậy” để dẫn đường trong xuyên suốt thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này.

Theo hướng đi như vậy, ngay từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã thành lập 5 tiểu ban để quán xuyến, theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí, đó là các tiểu ban chỉ đạo về công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch; nghiên cứu, thu thập tài liệu; công tác kiểm tra sản xuất; công tác văn hóa xã hội và quốc phòng an ninh; xây dựng hệ thống chính trị. Đi vào thực hiện cụ thể, địa phương đã khá linh hoạt, sáng tạo khi lồng ghép, vận dụng các văn bản hướng dẫn của các cấp, các ngành có liên quan đến nội dung các tiêu chí để áp dụng và có hướng làm rõ ràng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Bí thư Đảng ủy xã Hòa Thuận Hồ Hữu Đức đơn cử: để thực hiện tiêu chí về văn hóa, địa phương lấy cơ sở là Thông tư số 17, ngày 2-12-2011 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận xã đạt chuẩn văn hóa xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ngày 20-9-2012, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về việc xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Trên cơ sở nghị quyết này, nhiều chỉ tiêu sẽ được thực hiện, như: giúp nhau phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa; xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở; xây dựng và thực hiện tốt nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn; chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương. Thực hiện tốt những chỉ tiêu trên để phấn đấu đưa Hòa Thuận trở thành xã đạt chuẩn văn hóa xây dựng nông thôn mới vào năm 2015 cũng có nghĩa Hòa Thuận đã đạt được một số tiêu chí liên quan đến văn hóa, xã hội trong bộ tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Còn để giải quyết những vấn đề liên quan đến các tiêu chí về kinh tế, cơ sở hạ tầng, giữa tháng 6-2013, UBND xã đã xây dựng phương án phát triển kinh tế trên địa bàn xã giai đoạn 2013-2015. Phương án đã hoạch định rõ mục tiêu là xây dựng xã Hòa Thuận có nền kinh tế phát triển bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân nông thôn được nâng cao, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, có các hình thức sản xuất phù hợp gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ… 3 chỉ tiêu được lựa chọn để làm mũi nhọn, đó là: trồng trọt, chăn nuôi, tiêu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Thực hiện tốt phương án này cũng đồng thời là nước cờ để xã đạt được các tiêu chí về giao thông, thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường…

Lựa chọn và ban hành nghị quyết thực hiện trên cơ sở các mũi tiến công trọng điểm trên, Hòa Thuận hiện đã đạt được 13 tiêu chí. Trong chồng chất công việc phải làm, cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đây tin tưởng với hướng đi này, Hòa Thuận phấn đấu sẽ về đích đúng hẹn vào năm 2015 trên hành trình xây dựng nông thôn mới và đây cũng là cơ sở để xây dựng xã phát triển theo hướng đô thị.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.