Multimedia Đọc Báo in

Phát triển sản xuất bền vững: Nhìn từ cây ca cao

12:45, 22/03/2014

Mặc dù “sinh sau, đẻ muộn” và phải cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng công nghiệp khác trên đất Tây Nguyên nhưng cây ca cao lại có lợi thế lớn với lộ trình phát triển bền vững, vì được kiểm soát chất lượng trong tất cả các khâu, tạo được giá trị gia tăng cho sản phẩm - điều mà nhiều ngành hàng nông sản khác đang ì ạch phấn đấu để đạt được.

Kiểm soát chất lượng ngay từ đầu

Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng trên 2.000 ha ca cao được trồng tại 12/15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó diện tích cho thu hoạch 340 ha, năng suất quả tươi bình quân ước đạt 20 tấn/ha, sản lượng ước đạt 485 tấn hạt khô. Một số huyện có diện tích ca cao lớn và đang đem lại hiệu quả kinh tế khá cao là Krông Ana, Ea Kar, Lak… Mặc dù phát triển sau, phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tăng diện tích, sản lượng, nhưng cây ca cao lại có nhiều lợi thế về phát triển bền vững nhờ các khâu giống, kỹ thuật chăm sóc, lên men, bảo quản sau thu hoạch… đều được nông dân làm theo đúng quy trình kỹ thuật được chuyển giao, hướng dẫn bởi cơ quan chức năng, để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất và bán được giá tốt nhất. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT: không như cây cà phê là “thả gà ra đuổi”, nghĩa là khi cà phê phát triển ồ ạt, tự phát mới bắt đầu xây dựng quy hoạch, quy trình canh tác theo bộ tiêu chuẩn…nên việc “nắn” nông dân vào lộ trình sản xuất bền vững, gia tăng giá trị ngành hàng vô cùng khó khăn. Cây ca cao thì khác, có quy hoạch trước mới tiến hành trồng, và việc xây dựng quy hoạch đều dựa trên những kết quả nghiên cứu được tính toán phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại các vùng trong tỉnh.

Thêm vào đó, ca cao đã được các nhà khoa học nghiên cứu lai tạo ra những bộ giống tốt, trong tổng diện tích hiện nay thì đã có gần 70% diện tích trồng bằng các giống ghép của Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp Tây Nguyên và các dòng nhập nội. Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều đơn vị sản xuất và cung ứng giống ghép đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ca cao bảo đảm hiệu quả lâu dài. Ngoài ra, điều quan trọng nữa là đã có bộ tiêu chuẩn quốc gia về ca cao, tạo “đường đi nước bước” rõ ràng cho nông dân trồng ca cao. Minh chứng rõ nhất là tại những nông hộ trồng ca cao, bà con chăm sóc vườn cây rất khoa học theo đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt, hạt ca cao được phơi trên giàn cao để tránh lẫn tạp chất và bảo đảm vệ sinh sản phẩm. Tại các trung tâm thu mua đều có phòng cảm quan đánh giá chất lượng sản phẩm, mỗi lô hàng xuất khẩu đều được giám định cẩn thận. Ông Nguyễn Bá Dũng, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cargill cho biết, nông dân trồng ca cao được hướng dẫn phải tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật ngay từ đầu, giúp họ hình thành thói quen ghi chép, theo dõi lịch bón phân, tình hình sâu bệnh… giúp họ định hình sẵn trong suy nghĩ: trồng ca cao là phải tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn, hạt ca cao phải cho lên men chứ không bán thô… Ngoài ra, nhiều dự án về phát triển ca cao đã xây dựng được cầu nối giữa doanh nghiệp, hội viên, nông dân và Nhà nước, nhắm đến mục tiêu bảo đảm sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị “Nông dân – Điểm sơ chế - Doanh nghiệp.

Chăm sóc cây ca cao theo đúng quy trình kỹ thuật được nông dân huyện Ea Kar áp dụng rất tốt.
Chăm sóc cây ca cao theo đúng quy trình kỹ thuật được nông dân huyện Ea Kar áp dụng rất tốt.

Hướng đến chiến lược phát triển toàn diện

Chất lượng ca cao Việt Nam được đánh giá thuộc loại cao trên thị trường thế giới. Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 30% diện tích trồng ca cao đạt yêu cầu kỹ thuật, có 40% diện tích được chăm sóc đầu tư. Hiện giá ca cao trên thị trường đang tăng lên, ở mức 50.000-60.000 đồng/kg hạt khô lên men; trái tươi từ 4.300-4.500 đồng/kg, do đó người nông dân đã yên tâm và  tình trạng đốn bỏ ca cao đã giảm hẳn. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục trồng trọt: cây ca cao đã có nền tảng sản xuất tốt, nhưng về lâu dài cần có chiến lược toàn diện cho ngành ca cao, đó là phát triển theo hướng chất lượng, trên cơ sở thâm canh tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Giải pháp trước mắt là cần tập trung nghiên cứu trong nước và tiếp thu nhanh những thành tựu đạt được từ các nước thành công trong sản xuất ca cao, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật trên diện rộng, người trồng phải biết được kỹ thuật tốt nhất ngay từ đầu. Theo đó, các dự án, chương trình phát triển ca cao cần đẩy mạnh hỗ trợ người trồng trong việc áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm, các kỹ thuật canh tác bền vững, khuyến khích hoạt động liên kết của nông dân thông qua hình thức câu lạc bộ ca cao, hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết theo mô hình: doanh nghiệp đầu vào – nông dân – doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu; tăng cường quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là chất lượng ca cao xuất khẩu nhằm xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam ngay từ bây giờ.

Hiện trên địa bàn Dak Lak đang có rất nhiều đơn vị trong và ngoài nước tham gia phát triển ca cao như: Dự án hợp tác công tư (PPP) về phát triển ca cao bền vững của Chính phủ Hà Lan; dự án của ACDI/VOCA; các dự án nghiên cứu chọn giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, lên men hạt ca cao, mô hình ca cao trồng xen dưới tán điều của các trường và viện thuộc lĩnh vực nông nghiệp… Đây là cơ hội để địa phương “tận dụng” có hiệu quả các hoạt động này để phát triển ca cao bền vững và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.