Multimedia Đọc Báo in

Tái cơ cấu nông nghiệp: Những đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn

09:01, 21/03/2014
Nhân dịp năm mới 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có bài viết: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”. Tại Thông điệp này, một vấn đề quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh: tái cơ cấu nông nghiệp là nội dung quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế và là đòi hỏi bức xúc cần phải  triển khai mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh những đổi mới, tiến bộ, chính khiếm khuyết nội tại và phát sinh từ thực tiễn sản xuất của nền nông nghiệp trong những năm qua đã đặt ra đòi hỏi này…

Kỳ I: Nỗi niềm chủ thể

Nói đến nông nghiệp là nói đến nông dân, điều ấy cũng có nghĩa nông dân là chủ thể của nền sản xuất nông nghiệp. Nhưng vai trò chủ thể này xem ra chưa được toàn vẹn khi xét đến cùng trong chuỗi quá trình sản xuất, tiêu thụ của sản phẩm nông nghiệp, hầu như nông dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi hơn cả…

Loay hoay tìm hướng chuyển đổi

Giữa cái nắng hanh hao, ông Lê Thung ở thôn 1, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) đang đánh vật với việc thu dọn củi là những cành cà phê khô, dây tiêu khô. Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi, ông Thung nghỉ tay, bỏ vội chiếc nón trên đầu rồi quạt lấy quạt để. Ông Thung than thở: “Làm cả hơn tuần nay cũng mới chỉ có được ngần này. Cứ dọn vườn, dọn đất nhưng rồi cũng chưa biết sẽ trồng cây gì, có lẽ lại… cà phê. Nhưng cà phê thì cũng phải mất mấy năm mới được thu hoạch, trong giai đoạn này biết lấy gì mà sinh sống”. Theo như lời ông Thung kể thì gia đình ông có 1 ha cà phê, trồng từ năm 1997. Thấy cà phê lâu năm, già cỗi dần nên cách đây khoảng 10 năm ông đã trồng xen thêm tiêu. Mấy năm đầu cây tiêu cho năng suất thì giá lại thấp, đến khi giá tiêu lên thì cũng là lúc vườn tiêu “dở chứng”, một số cây tự chết, số còn sống năng suất cũng không được bao nhiêu. Kế hoạch dùng cây tiêu thay thế dần diện tích cà phê bị thất bại, việc sản xuất của gia đình cứ lụn bại mãi suốt mấy năm nay. Với 1 ha cà phê này, trước đây gia đình ông cũng có ngót nghét trong tay cả trăm triệu mỗi năm nhưng từ 5-6 năm trở lại đây, cả năm may lắm cũng chỉ được 30 triệu đồng. Giờ ông đang định phá bỏ, trước mắt khoảng 3,5 sào là phần diện tích cà phê và tiêu xấu nhất để chuyển đổi, nhưng để chuyển đổi sang cây gì thì ông vẫn còn đang lúng túng.

Những băn khoăn tìm hướng chuyển đổi của người trồng cà phê càng bức thiết khi thời gian qua, vấn đề tái canh trở nên nóng bỏng bởi việc gì đến đã đến, chu trình sinh trưởng, cống hiến của cây đã đến lúc phải thay thế bằng một vòng đời khác. Câu chuyện băn khoăn trong chuyển đổi cũng xảy ra đối với nông dân  đang canh tác một số loại cây trồng khác. Trên cánh đồng Buôn Triết của xã Dur Kmăn, một trong những vùng chuyên canh lúa nước của huyện Krông Ana giờ cũng “nham nhở” từng mảng cây trồng, chỗ này lúa, chỗ kia ngô và rõ nhất là sự hiện hữu của cây khoai lang. Người dân nơi đây đang hào hứng lắm với loại cây trồng này vì trước mắt qua việc thu hoạch của những hộ đã trồng thì năng suất cũng tương đối, tính ra còn khá hơn lúa. Chị Bùi Thị Tuyết ở thôn Buôn Triết cho hay, gia đình chị có 1,8 ha trước đây trồng lúa hết nhưng nay chị đã liều chuyển 7 sào sang trồng khoai lang. Hỏi tại sao phải “liều” chuyển, chị giải thích: “Gắn bó với cây lúa 15 năm nay nhưng giá lúa rẻ quá, lại thường bị tư thương ép giá nên chưa biết xoay sang trồng cây gì thì thấy các hộ xung quanh trồng khoai mình cũng chuyển sang, chứ chưa biết việc thu hoạch rồi bán thế nào”. Tìm hiểu thêm, hóa ra hầu hết bà con ở đây chuyển đổi từ khoai sang lúa chủ yếu là do tự phát, người nọ thấy người kia làm được, thế là cứ đua nhau làm. Theo kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2013-2014, huyện Krông Ana gieo trồng 6.350 ha, trong đó riêng đối với cây khoai lang là 15 ha, với sản lượng dự tính đạt 150 tấn. Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến thời điểm này, người dân đã trồng 134 ha khoai lang, đạt 893% so với kế hoạch. Đây có thể nói là con số tăng đột biến, bởi so với vụ đông xuân 2012-2013, diện tích trồng khoai lang chỉ xoay quanh mức 10-13 ha. Ngay như tại địa bàn xã Dur Kmăn, cũng trong vụ đông xuân trước, diện tích khoai lang hầu như không có, nhưng hiện có thể coi là địa phương có diện tích khoai lang nhiều nhất huyện với con số lên đến 70 ha. Cây khoai lang cũng có những đòi hỏi riêng về thổ nhưỡng, đó là chất đất pha cát, điều ấy cũng có nghĩa, không phải chân ruộng lúa nào cũng có thể chuyển sang trồng khoai. Nếu diện tích khoai lang cứ mở rộng ngoài quy hoạch, ngoài khuyến cáo của ngành chức năng thì không chỉ tiềm ẩn nỗi lo về bấp bênh năng suất, nỗi lo còn lớn hơn khi bà con ở đây cho biết là vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định. Cứ trồng, đến lúc thu hoạch, gặp được tư thương nào đến mua thì bán.

Phập phồng với nỗi lo “đầu ra”

Được coi là một trong những mô hình sản xuất tiêu biểu nhưng vừa qua, HTX Rau an toàn Toàn Thịnh cũng gặp sóng gió khi một số diện tích bắp cải sau khi trồng đến kỳ thu hoạch phải chặt cho cá và heo ăn. Bà Đinh Thị Lý, Giám đốc HTX giãi bày: Thông thường sau tết mấy năm trước rau thường được giá nên cuối năm vừa rồi, bà con xã viên tập trung trồng khá nhiều bắp cải để đón vụ sau tết. Nhưng không ngờ giá rau rẻ, cung lại nhiều hơn cầu lại càng rẻ hơn. Giá bắp cải chỉ còn 1.000 đồng/kg mà cũng khó bán. Nhiều hộ gia đình phải nhờ người đến chặt về cho heo, cho cá ăn, để lấy đất quay vòng trồng loại rau khác. Khi đặt câu hỏi, tại sao HTX không cân đối, quy định hộ này trồng rau này hộ kia trồng rau kia để khỏi bị dư thừa nguồn cung thì chị Lý giải thích: Ngoài việc bán lẻ tại các chợ dân sinh, HTX cũng tìm được  một số đơn đặt hàng từ hệ thống siêu thị, nhưng số lượng này không nhiều. Chính vì vậy, dù HTX có họp và phân lịch hộ này làm rau này hộ kia làm rau khác nhưng khổ nỗi HTX không thể bảo đảm bao tiêu toàn bộ sản phẩm làm ra nên xã viên không hoàn toàn tuân thủ theo. Một cái khó nữa là nếu căn cứ đúng quy trình làm rau an toàn thì giá cả sẽ cao hơn so với bình thường, nhưng điều này không phải người tiêu dùng nào cũng tin và chấp nhận. Dù rau của HTX làm ra được cấp giấy chứng nhận an toàn nhưng với cách tiêu thụ hiện nay vẫn chủ yếu là bán tại các chợ dân sinh, không lẽ mỗi khi bán lại phải xuất trình giấy chứng nhận. Từ thực tế này, chị Lý mong muốn những mô hình sản xuất rau an toàn như của HTX sẽ  được Nhà nước quan tâm cho xây dựng những sạp rau an toàn ngoài chợ.

Cùng với cây lúa, trên cánh đồng Buôn Triết, người dân đã chuyển đổi dần sang trồng khoai lang.
Cùng với cây lúa, trên cánh đồng Buôn Triết, người dân đã chuyển đổi dần sang trồng khoai lang.

Cũng khốn khổ với chuyện “đầu ra” của sản phẩm, mới đây bà V.T.X. ở tổ dân phố 8, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột đành phải bỏ trắng chuồng sau 3 năm nuôi nhím thua lỗ nặng. Bà X. cho hay, riêng tiền giống và tiền làm chuồng, bà đã bỏ ra ngót nghét 100 triệu đồng, đó là chưa kể tiền thức ăn hàng tháng phải mua cho nhím. Nhưng suốt ba năm ròng, tất tần tật số tiền bà X. thu hồi lại được chỉ được hơn 10 triệu đồng. Giá nhím rẻ là một chuyện, khổ nỗi là còn không bán được. Số nhím trong chuồng có thời điểm đã lên đến vài chục con, không cho ăn thì chẳng đặng, mà cho ăn không bán được lại càng lỗ thêm. Đã một vài lần, bà phải thuê thợ vào làm thịt rồi gọi người xé lẻ thịt ra để bán.

Dù do nguyên nhân khách quan hay chủ quan, nhưng có một điều đáng nói là trong hoặc sau những thất bại, nông dân lại càng cần hơn bao giờ hết sự hỗ trợ cũng như định hướng tổ chức sản xuất thì hình như lại thiếu hoặc chưa được kịp thời, đúng lúc…

(còn nữa)

Đàm Thuần

 

 

Ý kiến bạn đọc