Tái cơ cấu nông nghiệp: Những đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, chính sách đổi mới kinh tế do Đảng và Nhà nước thực hiện đã mở ra sự thay đổi cấu trúc kinh tế, thể chế và tổ chức của ngành nông nghiệp. Nền nông nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Với những người nông dân, trình độ và năng lực lao động, sản xuất của họ đã có những cải thiện rõ rệt. Nhiều mô hình, cách làm ăn mạnh dạn, sáng tạo được thể hiện, tư duy của nông dân không chỉ bó hẹp trên mảnh ruộng hay sau lũy tre làng. Nhưng bên cạnh đó, trong nền kinh tế thị trường, hội nhập, những năm gần đây, nhiều điểm yếu của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng bộc lộ rõ. Nhìn thấy những điểm yếu này, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư ngày 5-8-2008 về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", trong đó xác định mục tiêu "Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài". Và gần đây nhất, ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Sản xuất nông nghiệp vốn gặp nhiều rủi ro nhưng lại ít được bảo hiểm nhất. |
Trong thông điệp phát đi đầu năm mới 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng cũng khẳng định: “Phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới… Khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ với quy mô phù hợp. Hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, có khả năng cạnh tranh và thị trường tiêu thụ. Từng bước hình thành những tổ hợp nông-công nghiệp-dịch vụ công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với người nông dân và hướng tới xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa chức năng, phát triển bền vững”.
Một trong những cái thiếu mà nông dân đang cần đó là kiến thức khoa học kỹ thuật và vốn. |
Còn theo GS. TS. Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trong một phát biểu với báo giới, để ngành nông nghiệp thật sự bứt phá, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, cần tập trung giải quyết 3 thách thức, mâu thuẫn lớn trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở nước ta hiện nay: Trước hết là thách thức, mâu thuẫn giữa mục tiêu xây dựng đội ngũ nông dân hiện đại, chuyên nghiệp với thực trạng thu nhập thấp của lao động nông nghiệp hiện nay ngày càng rõ nét; thứ hai là thách thức, mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển nền nông nghiệp hiện đại quy mô lớn, cạnh tranh, giá trị gia tăng cao với thực trạng đất đai manh mún, chỉ phù hợp với sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ; thứ ba là thách thức, mâu thuẫn giữa nhu cầu cao về vốn đầu tư để hiện đại hóa nông nghiệp với hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, rủi ro cao, chưa hấp dẫn. 3 mâu thuẫn, thách thức ấy đều được xem xét nhìn nhận xoay quanh một trục trung tâm đó là chính khó khăn trong sản xuất của nông dân. Để tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thành công phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó ông Vương Đình Huệ có đề cập đến giải pháp cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp và hỗ trợ nông dân.
Có một thực tế là lĩnh vực nông nghiệp chịu nhiều rủi ro nhưng lại ít được bảo hiểm, nhất cũng chính bởi rủi ro nên doanh nghiệp bảo hiểm thiếu mặn mà. Câu trả lời của hầu hết các chủ thể - nông dân để thích ứng với một môi trường làm việc, sản xuất như vậy là họ cần được tập huấn, tiếp cận với khoa học công nghệ, hỗ trợ về vốn. Bởi theo họ đó sẽ là những điều kiện trợ lực để có thể chủ động và năng động trong mọi hoàn cảnh. Quay trở lại với nỗi băn khoăn chưa biết chuyển đổi cây gì của ông Lê Thung ở thôn 1, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), khi được hỏi tại sao ông không đi học tập kinh nghiệm, ông Thung cho hay: Mọi kỹ thuật ông làm được chủ yếu qua học hỏi kinh nghiệm của bà con cũng như qua chương trình khoa học với sản xuất nhà nông trên đài, báo. Ông chưa được tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật nào, ông cũng mong được tham gia lớp học khuyến nông nào đó để vừa học vừa hỏi cụ thể, trao đổi trực tiếp. Ông Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình thì phân tích: Thực tế bà con nông dân mình rất cần cù, chịu khó mày mò nghiên cứu. Không đâu xa, ngay như trên địa bàn mà HTX của ông cung cấp nước tưới, bà con tìm ra những hướng phát triển sản xuất rất sáng tạo. Đó là đối với những chân ruộng trũng, họ làm mô hình vừa trồng lúa, vừa nuôi cá, có nghĩa: sau khi nuôi cá giống, đến khi cá lớn, vừa lúc lúa được thu hoạch, sẽ xả tràn ruộng để cá vào ruộng lúa tìm thức ăn, tiết kiệm được chi phí chăn nuôi. Nhưng sáng tạo là chưa đủ nếu làm nông nghiệp bây giờ mà thiếu vốn, ông Sanh khẳng định và minh chứng: Nông nghiệp đã được cơ giới hóa nhiều rồi, mà cơ giới hóa là đúng để bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả. Những vùng chuyên canh lúa nước, mỗi gia đình sở hữu hàng héc-ta lúa mà gặt tay như trước đây thì đến bao giờ, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch gieo trồng. Nhưng mua máy gặt, máy cày bừa, máy sạ thì đâu phải hộ gia đình nào cũng mua được và liệu có phù hợp với những diện tích canh tác còn manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Theo đó, phát triển nông nghiệp bền vững giờ không chỉ có kinh nghiệm, có “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” mà còn phải có kỹ thuật, có vốn và được tổ chức sản xuất một cách khoa học.
Một góc nhìn tái cơ cấu nông nghiệp từ vai trò chủ thể của nền sản xuất nông nghiệp – nông dân, cũng đã cho thấy có biết bao việc phải làm và phải làm đồng bộ, nếu không những thách thức nội tại và phát sinh trong thực tiễn sản xuất sẽ chẳng thể giải quyết đến tận nơi. Và chắc chắn riêng lẻ một ngành Nông nghiệp cũng chẳng thể gồng gánh hết được. Cũng giống như việc xây dựng thương hiệu gạo được sản xuất từ vựa lúa Krông Ana, nói như ông Võ Văn Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, câu chuyện này cần phải có sự chung tay vào cuộc của nhiều ngành chức năng.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc