Multimedia Đọc Báo in

"Sức khỏe" của doanh nghiệp: Hồi phục chậm

08:48, 25/04/2014

Năm 2013 là một năm doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều kỳ vọng năm 2014 này tình hình sẽ được cải thiện nhưng thực tế dấu hiệu hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn chậm.

Hồi phục chậm

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 27 mở rộng được tổ chức đầu tháng 4 vừa qua, qua phân tích, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn được đánh giá là hồi phục chậm. Tính đến hết quý I năm 2014, ở Cụm Công nghiệp Tân An, một số doanh nghiệp thua lỗ phải bán nhà xưởng hoặc thu hẹp sản xuất; một số đầu tư cầm chừng do khó khăn về tài chính. Cả Cụm đã có 58 dự án đăng ký đầu tư, tỷ lệ lấp đầy 89,73%, với vốn đầu tư đăng ký 2.294 tỷ đồng, dự kiến thu hút 4.078 lao động. Trong đó, Cụm Công nghiệp Tân An 1: 32 dự án, tỷ lệ lấp đầy 100%; Cụm Công nghiệp Tân An 2: 26 dự án, tỷ lệ lấp đầy 83,52%. Với 47 dự án đã triển khai đầu tư (Cụm 1: 31 dự án, Cụm 2: 16 dự án), có 10 dự án đã xây dựng phải ngưng hoạt động; 11 dự án đăng ký thuê đất nhưng chưa triển khai. Cũng trong những tháng đầu năm của năm 2014, Cụm Công nghiệp cũng chưa có dự án đăng ký mới. Ngoài vấn đề hạ tầng Cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn thành nên thu hút đầu tư mới hạn chế, một số dự án của doanh nghiệp phải ngưng hoạt động có nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn về vốn. Ông Phan Xuân Mạo, Giám đốc Ban Quản lý Khu tiểu thủ công nghiệp thành phố nhận định: 3 tháng đầu năm nay, nhìn chung doanh nghiệp có bước phát triển thêm nhưng dấu hiệu hồi phục còn chậm, chưa bằng những năm trước đây.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có dấu hiệu hồi phục nhưng còn chậm  (Ảnh minh họa).
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có dấu hiệu hồi phục nhưng còn chậm (Ảnh minh họa).

Không chỉ ở Cụm Công nghiệp Tân An, những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng thể hiện khá rõ nét ở việc đăng ký, giải thể doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không phát sinh doanh thu trong kỳ, phải giải thể hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do nợ thuế. Trong quý I năm 2014, toàn tỉnh có 139 doanh nghiệp dân doanh đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký gần 261 tỷ đồng, mức vốn đăng ký bình quân gần 1,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 66 doanh nghiệp so với năm 2013; cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 15 chi nhánh và văn phòng đại diện. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có 40 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tăng 21 doanh nghiệp so với cùng kỳ; 1 chi nhánh chấm dứt hoạt động; 25 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh và 89 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh.

Vẫn là chuyện vốn

Để tháo gỡ sự “bế tắc” về vốn của doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định và giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay bằng VNĐ, USD ổn định và giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên chính sách giảm lãi suất này trên thực tế vẫn chưa thực sự trợ sức cũng như chưa hấp dẫn doanh nghiệp. Trong đó khó khăn nhất khiến doanh nghiệp hạn chế tiếp cận được với nguồn vốn vay chính là thủ tục, tài sản thế chấp. Công ty TNHH Tín Nghĩa Dak Lak đang hoạt động tại Cụm Công nghiệp Tân An trên tổng diện tích 1,3 ha có ngành nghề chính là kinh doanh sơ chế gỗ. Hiện Công ty đang tạo công ăn việc làm cho 60 công nhân lao động trong đó 80% là người dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh chưa mấy hồi phục, Công ty được đánh giá là một trong những đơn vị vẫn duy trì được hoạt động với những đơn đặt hàng, bảo đảm việc làm cho người lao động dù không được thường xuyên. Ngoài việc bán sỉ, Công ty cũng đã xây dựng hệ thống khoảng 200 đại lý bán lẻ ở TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Vũng Tàu để có được các nguồn thu. Tuy nhiên, theo bà Tạ Thị Hải, Giám đốc Công ty chia sẻ: Có đơn đặt hàng để làm như vậy nhưng việc bảo đảm cho công nhân đúng hạn cũng là một cố gắng bởi còn phụ thuộc vào thời điểm đối tác thanh toán. Còn việc ngân hàng tăng hay giảm lãi suất, thú thực đã từ lâu bà không còn quan tâm và không mấy mặn mà. Tất nhiên ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên họ phải tính đường để hạn chế rủi ro. Từ thực tế của doanh nghiệp mình, bà Tạ Thị Hải thấy khó tiếp cận với vốn của ngân hàng bởi chính những điều kiện “đầu vào”. Chẳng hạn như vấn đề tài sản thế chấp, thế chấp đất tài sản của gia đình và đất thuê với thời hạn 50 năm để làm nhà xưởng ở khu công nghiệp thì hạn mức vay cũng không được bao nhiêu. Còn thế chấp nhà xưởng, máy móc thì lại được thẩm định là không đủ tin cậy vì ngân hàng cho rằng nhà xưởng, máy móc có thể bán đi bất cứ lúc nào, ngân hàng không thể 24/24 giám sát. Đó là với doanh nghiệp, với các hợp tác xã, việc tiếp cận được vốn vay ngân hàng cũng không đơn giản. Ông Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (huyện Krông Ana) cho biết, nguồn vốn hoạt động của HTX chủ yếu là do hội viên đóng góp trên cơ sở thế chấp đất đai, nhà ở của cá nhân còn vốn vay ngân hàng rất khó khăn. Ngân hàng có vẻ không mấy mặn mà với loại hình hợp tác xã.

Doanh nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục dù còn chậm, theo đó càng cần có sự trợ sức kịp thời, thỏa đáng để giúp họ vực dậy. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 27 mở rộng, các đại biểu thống nhất giải pháp là cần phải tiếp tục rà soát, chấn chỉnh các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu.

Đàm Thuần – Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc