Chưa hết nỗi lo thực phẩm không rõ nguồn gốc
An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề luôn được cộng đồng quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người. Thế nhưng, hằng ngày người tiêu dùng (NTD) đang phải đối mặt với nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Chất lượng bị thả nổi
Mỗi ngày xách giỏ đi chợ, NTD dễ bắt gặp hầu hết những mặt hàng tươi sống bày bán ngoài chợ gần như không có bất kỳ sự kiểm duyệt nào về ATTP từ phía cơ quan chức năng. Trong khi người bán thì ra sức quảng cáo là hàng chất lượng cao, an toàn, còn người mua chẳng biết thực, hư ra sao.
Tại các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, không khó để bắt gặp nhiều sản phẩm “ba không”: không nhãn mác, bao bì, không nguồn gốc, không rõ hạn sử dụng được bày bán tràn lan, trong đó tập trung chủ yếu ở những mặt hàng khô như măng khô, khô mực, các loại nấm, bánh, kẹo và một số loại củ Trung Quốc, thường được người bán đóng vào các bao ni lông lẻ, để hết tháng này qua tháng khác. Theo một tiểu thương tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột thì hầu hết sản phẩm ô mai, xí muội đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập từ các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh về. Tùy theo nhu cầu người mua mà tiểu thương cân ký hoặc chia thành từng bao nhỏ bán cho khách. Đây cũng là mặt hàng được bày bán phổ biến, chủ yếu là bán lẻ, nhưng lâu nay rất hiếm người mua hỏi về nguồn gốc của nó.
Nhiều loại thực phẩm khô, lạp xưởng không bao bì, nhãn mác được bày bán tại các chợ. |
Thực phẩm khô đã vậy, các loại thực phẩm đã qua chế biến, chỉ nhìn bằng mắt thường đã thấy rất mất vệ sinh, vì hằng ngày phải hứng bao nhiêu bụi bặm. Tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, đầu mối Tân An, nhiều xâu lạp xưởng không rõ nguồn gốc (không đóng gói treo lủng lẳng trên các quầy mà không được che chắn kỹ, mặc cho ruồi nhặng “vô tư” đậu bám) được bán với giá trên dưới 100.000 đồng/ kg. Khi có ai hỏi mua, người bán mới lấy ra hộp giấy có nhãn mác, bắt mắt để gói hàng. Người này cho hay, chỉ loại giá 140.000 đồng/kg mới có bao bì đàng hoàng, còn loại nhỏ hơn thì không có. Loại này chủ yếu dùng để biếu chứ chẳng mấy ai mua về ăn nên khi nào khách có nhu cầu thì mang ra chứ chẳng trưng bày làm gì. Đáng nói hơn, nhiều loại mắm nêm, ruốc, dưa món được đựng trong thau chậu, không hề có nắp đậy, được bày bán ngay cạnh lối đi. Hầu hết các mặt hàng này đều không có giấy chứng nhận vệ sinh ATTP, không ai biết rõ nguồn gốc, xuất xứ mà chỉ được khẳng định chất lượng, nguồn gốc… qua lời giới thiệu, mời chào của người bán.
Có một thực tế là các loại củ khoai tây, cà rốt bán khá chạy tại các chợ đều là hàng của Trung Quốc. Nhiều tiểu thương cũng thừa nhận, nông sản của nước này củ to, nhìn tươi ngon, màu sắc lại bắt mắt, đặc biệt để được rất lâu mà không sợ hư, thối, chủ yếu bỏ sỉ cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố. Hơn nữa, với tâm lý “né” hàng Trung Quốc của NTD, giá các sản phẩm này thường rẻ hơn các loại củ trong nước và được tiểu thương giấu nhẹm xuất xứ… nhằm bán được hàng.
Người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình
Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, tình trạng các hộ kinh doanh thực phẩm vi phạm vệ sinh ATTP còn khá phổ biến, các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung vào hàng quá hạn sử dụng, kinh doanh thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP… Còn nhớ, chỉ tính riêng đợt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dịp cuối năm 2013, qua kiểm tra 50 cơ sở, lực lượng QLTT đã phát hiện 36 vụ vi phạm, tịch thu lượng lớn bánh, kẹo, gia vị, thực phẩm khô không có nguồn gốc rõ ràng, và đã tiến hành xử phạt hành chính trên 70 triệu đồng. Trong đó, đáng chú ý là việc các cơ sở kinh doanh cố tình trà trộn hàng trăm gói bánh kẹo, gia vị hết hạn sử dụng để bán cho NTD. Nếu không được phát hiện kịp thời thì số hàng này sẽ tuồn ra thị trường, gây nhiều nguy hại cho sức khỏe cộng đồng. Cũng theo lực lượng QLTT thì việc kinh doanh thực phẩm bẩn, vi phạm vệ sinh ATTP vẫn tồn tại, một phần là do bản thân người kinh doanh còn mù mờ, không nắm rõ, hoặc chưa tiếp cận được các quy định của Luật An toàn vệ sinh thực phẩm.
Để ngăn chặn thực phẩm bẩn tràn ra thị trường, bảo vệ NTD, đặc biệt trong tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP 2014 (diễn ra từ ngày 15-4 đến hết 15-5) thì ngoài việc phối hợp với các đoàn liên ngành của tỉnh, lực lượng QLTT cũng đang chủ động triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tại các chợ và đại lý trong toàn tỉnh. Đồng thời, lực lượng này cũng chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người bán về việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về vệ sinh ATTP. Thêm nữa, bản thân người dân cũng nên cảnh giác, cận trọng hơn khi chọn mua thực phẩm, đặc biệt, cần nâng cao ý thức phối hợp cùng với cơ quan chức năng phát hiện, tố giác và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Trâm Anh
Ý kiến bạn đọc