Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ

10:03, 30/06/2014

Thời gian qua, sản xuất công nghiệp Dak Lak đã có bước phát triển nhưng vẫn còn những hạn chế mà một trong những nguyên nhân cơ bản là do công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa phát triển. Bởi vậy, việc triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh sự phát triển của lĩnh vực này đang là đòi hỏi cấp thiết.

Công nghiệp hỗ trợ: Thiếu và yếu!

CNHT trên địa bàn tỉnh thời gian qua chủ yếu vẫn phát triển manh mún, nặng về khai thác, gia công và lắp ráp, giá trị gia tăng trong sản xuất CN đạt tỷ lệ thấp, sức cạnh tranh hạn chế. Điều này đã tạo nên những khó khăn cho sự phát triển CN của địa phương nói chung. Cụ thể, trong ngành cơ khí, chế tạo Dak Lak có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) với một số sản phẩm có thế mạnh như dây chuyền thiết bị chế biến cà phê nhân, thiết bị xát khô, xát tươi cà phê, thiết bị hái, rang, xay cà phê, bơm điện thả chìm… Tuy nhiên, do CNHT cho sản xuất cơ khí, chế tạo máy còn yếu (thiếu các nhà máy đúc lớn, nhà máy gia công chính xác và các nhà máy nhiệt luyện, xử lý bề mặt) đã kéo theo những hạn chế của ngành này như: chất lượng sản phẩm, độ tinh xảo của hàng hóa chưa cao, trình độ chuyên môn hóa sản phẩm cơ khí và việc tổ chức sản xuất hàng loạt còn hạn chế, chưa có nhiều DN lớn ngoài tỉnh đầu tư.

Bên cạnh đó, ngành dệt, may cũng gặp những bất lợi do CNHT hầu như chưa có gì, các nguồn nguyên, phụ liệu phải nhập khẩu nước ngoài hoặc từ các địa phương khác do Dak Lak chưa sản xuất được. Ông Lê Văn Xuân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần may Dak Lak cho biết: với dây chuyền sản xuất có công suất 6000 sản phẩm/ngày, chuyên sản xuất trang phục Hồi giáo xuất đi các nước Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản thì chi phí mua vải và các phụ liệu chiếm 30% giá thành sản phẩm. Cụ thể, nguồn vải phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, các loại phụ liệu như chỉ, nút, ruy băng, dây kéo, logo, mạc, vật trang trí… phải đặt hàng từ TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương. Do cước vận chuyển, giá hàng hóa tăng nên chi phí mua vải, phụ liệu cũng tăng lên. Đã vậy, do không chủ động được nên phải phụ thuộc vào tình hình sản xuất của các đơn vị cung cấp phụ liệu. Cụ thể, trong tháng 5 vừa qua, sản xuất của Công ty gặp trắc trở do một số công ty cung cấp phụ liệu ở Bình Dương tạm ngừng hoạt động. Theo ông Xuân, nếu có nguồn vải, phụ liệu tại chỗ thì chi phí sản xuất sẽ giảm xuống, hiệu quả sản xuất cao hơn, bên cạnh đó, sẽ có các DN dệt, may ngoài địa phương đến đầu tư vào Dak Lak, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành CN này.

Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Viết Hiền.
Sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Viết Hiền.

“Cú hích” để phát triển

Nhằm khắc phục hạn chế trên, Dak Lak đã xây dựng Dự án quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 cho các ngành cơ khí, dệt, may, da – giày, sản xuất máy móc và thiết bị điện, với mục tiêu đến năm 2025 giá trị sản xuất của CNHT đạt 2000 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tỷ trọng ngành CN; trong đó sẽ đầu tư nhiều dự án hạ tầng để phát triển CNHT. Cụ thể, với CNHT cơ khí nền tảng, sẽ thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và một số địa phương, đồng thời hình thành các cụm liên kết cơ khí trong chuỗi giá trị sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt, sẽ đầu tư xây dựng nhiều dự án lớn như nhà máy gia công chính xác, công suất 5000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, nhà máy nhiệt luyện, xử lý bề mặt công suất 5000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, nhà máy đúc công nghệ cao công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Với CNHT dệt may, sẽ đẩy mạnh phát triển cây bông vải, sản xuất phụ liệu dệt, may và khôi phục sản xuất thổ cẩm để làm nguyên vật liệu cho CN dệt, may.

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất của Công ty May Dak Lak
Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất của Công ty May Dak Lak

Bên cạnh đó, hạ tầng cho ngành này dự kiến cũng được đầu tư khá mạnh mẽ với nhà máy sản xuất bao bì carton, công suất 500 tấn/năm, vốn đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, nhà máy bao bì ni lông, công suất 100 tấn/năm, vốn đầu tư 12 tỷ đồng, nhà máy sản xuất chỉ may, thêu, công suất 100 tấn/năm, vốn đầu tư 31 tỷ đồng. CNHT da – giày cũng được quy hoạch phân bổ vào cụm công nghiệp các huyện cùng với các công trình hạ tầng lớn như nhà máy thuộc da trâu, bò, công suất 2 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 25 tỷ đồng, nhà máy sản xuất phụ liệu giày dép, vốn đầu tư 63 tỷ đồng. Riêng CNHT sản xuất máy móc và thiết bị điện, dự án cũng quy hoạch nhà máy cơ khí chính xác (cơ khí thủy công, đồ đá, khuôn mẫu…), vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng và nhà máy linh kiện điện (dây cuộn, thiết bị đóng ngắt mạch, điện trở…), vốn đầu tư 210 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư cho CNHT từ nay đến năm 2025 khoảng hơn 2000 tỷ đồng bằng các nguồn ngân sách trung ương và địa phương, vốn doanh nghiệp, vay ưu đãi của Chính phủ và FDI…

Với dự án này, ngành Công thương xác định tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, đem lại hiệu quả cao trên cơ sở chính sách hỗ trợ và những giải pháp cụ thể. Theo đó, sẽ ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT về huy động vốn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, triển lãm giới thiệu sản phẩm…, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động này; đồng thời, tăng cường liên kết hình thành chuỗi giá trị sản xuất góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp...

Với nhiều giải pháp ưu đãi, hỗ trợ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang kỳ vọng thời gian tới hoạt động CNHT sẽ có “cú hích” mạnh mẽ, thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực sản xuất, nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Phát triển CNHT được xem là chìa khóa thành công cho nhiều ngành công nghiệp khác, bởi ngành này là chất hỗ trợ, xúc tác thúc đẩy sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa theo hướng rộng và sâu.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.