Để hàng Việt "sống khỏe" tại thị trường nông thôn: Còn nhiều việc phải làm
Những năm gần đây, hàng Việt đang dần chiếm ưu thế và từng bước tạo niềm tin với người tiêu dùng (NTD), song để hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường nông thôn thì vẫn còn nhiều việc phải làm.
Doanh nghiệp nội chưa làm chủ được thị trường
Theo Sở Công thương Dak Lak, đến nay đa số người dân trên địa bàn đã nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng hàng Việt, bởi các sản phẩm này vừa có chất lượng lại hợp túi tiền với nhiều NTD bình dân, theo đó tâm lý “sính ngoại” cũng đang dần được thay đổi. Tại các siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, hàng Việt bày bán chiếm tỷ trọng lớn, khoảng trên 90%, trong đó các kênh phân phối bán lẻ này luôn ưu tiên ký kết hợp đồng với nhà cung cấp là doanh nghiệp (DN) nội và liên tiếp triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại để kích thích sức mua. Thời gian qua, Sở Công thương tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc vận động các DN đưa hàng Việt về nông thôn. Chương trình này được tổ chức ngày càng bài bản, chu đáo hơn, với số lượng DN tham gia nhiều, hàng hóa cũng phong phú, đa dạng hơn trước. Thông qua đó, nhiều thương hiệu Việt tên tuổi như: nhôm Kim Hằng, nhựa chợ Lớn, Đại Đồng Tiến, may mặc Việt Tiến... đã tạo được dấu ấn trong lòng người dân.
Những chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn do các DN trong tỉnh tổ chức luôn thu hút sự quan tâm, mua sắm của NTD. |
Tuy nhiên, ngược lại với hệ thống siêu thị, tại các chợ truyền thống hàng Việt chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn. Đáng buồn hơn, nếu có dịp về các chợ nông thôn trong tỉnh thì hàng hóa ở đây càng vắng bóng các DN nội. Đơn cử như chợ trung tâm Krông Bông, Cư M’gar - được coi là đầu mối giao thương, đặc biệt là nơi cung cấp hàng hóa cho các xã vùng sâu, vùng xa của mỗi huyện, nhưng rất khó để tìm ra một món đồ là hàng Việt Nam chất lượng cao trong khi dễ dàng để mua các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, từ các loại quần áo, giày dép, chăn màn, đến chén, đĩa… Một vài thương hiệu Việt như Việt Tiến, và hàng hóa của một số DN tư nhân trong nước vẫn được bày bán, song chỉ có ở các cửa hàng được coi là “sang trọng”, thuộc dạng shop “Vip” tại trung tâm thị trấn, còn tại các chợ xã thì hàng Việt càng hiếm hơn, nhưng lại là mảnh đất màu mỡ để hàng hóa Trung Quốc, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái... chiếm trọn “lãnh địa”. Rõ ràng, hàng Việt chưa làm chủ được thị trường nông thôn, bởi theo nhiều tiểu thương thì hàng Trung Quốc giá rẻ, nhiều mẫu mã nên chiếm được thị phần lớn. Một tiểu thương bán quần áo tại chợ Krông Bông dẫn chứng: một bộ quần áo trẻ em của Trung Quốc chỉ từ 35.000 đến 100.000 đồng, khiến NTD dễ lựa chọn, trong khi đó, nếu là hàng Việt thì phải đến trên 100.000 đồng/bộ, mà NTD nông dân thì chỉ cần chênh lệch 1.000 đến 2.000 đồng là họ sẵn sàng quay lưng ngay.
Cần xây dựng chiến lược dài lâu
Theo ghi nhận, những chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn đã thu hút được sự quan tâm của nhiều NTD. Riêng trong năm 2013 đã có 5 đợt đưa hàng Việt về nông thôn do các DN triển khai thực hiện, với doanh thu đạt trên 900 triệu đồng, thu hút khoảng 4.000 lượt người tham quan, mua sắm. Điều này chứng tỏ NTD ngày càng quan tâm đến hàng hóa sản xuất trong nước. Trên thực tế, bà con tại các vùng khó khăn rất khao khát được dùng hàng Việt, bởi thông qua các phương tiện truyền thông bà con đã phần nào hiểu được dùng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Thế nhưng, ngay trong chính lúc mua được những món hàng ưng ý, nhiều NTD cũng không khỏi băn khoăn, bởi sau chuyến đưa hàng Việt về nông thôn như thế, liệu có còn chuyến sau (?!). Một vấn đề đáng nói, dù không thể phủ nhận tác động tích cực của những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, nhưng nói như cách ví von của nhiều người thì những đợt đưa hàng đó khá giống kiểu… “buôn chuyến”. Bởi lẽ, cách thức tổ chức quá phụ thuộc vào các đợt hội chợ, phiên chợ tổ chức theo lịch trình “Đến hẹn lại lên” mà chưa thật sự xây dựng được kế hoạch lâu dài để hàng Việt có chân đứng vững vàng tại các vùng nông thôn. Thêm vào đó, các DN Việt rất hiếm khi có chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm hay hỗ trợ tiểu thương tại các chợ, khiến tiểu thương bán lẻ khó tiếp cận được với nhà sản xuất cũng như NTD. Hằng năm, ở các vùng nông thôn, chỉ thấy các DN ở ngành hàng: dầu ăn, nước mắm và mì tôm chủ động tổ chức các chuyến xe lưu động bán hàng, tư vấn, giới thiệu sản phẩm chứ chưa thấy các DN khác tiếp cận trực tiếp NTD; điều này dẫn đến hàng hóa chưa xâm nhập được thị trường ở đây. Về phía NTD, dù muốn sử dụng nhiều mặt hàng Việt, nhưng họ lại bị thiếu thông tin về sản phẩm cũng như nhà cung cấp, cộng với điều kiện sinh sống lại xa các trung tâm mua sắm khiến họ càng xa… sản phẩm nội. Trong khi đó, với nhiều DN Việt, sự bỏ ngỏ thị trường này là một thiếu sót lớn, bởi đây mới chính là “mảnh đất màu mỡ” để hàng Việt chiếm lấy thị phần và duy trì “sức sống” về lâu dài.
Ngành hàng may sẵn tại chợ huyện Krông Bông gần như vắng bóng hàng nội. |
Trên thực tế, phải thừa nhận hàng Việt chưa đến được tay nông dân khi chưa có một kế hoạch phân phối bài bản. Do đó, để hàng Việt “bám rễ” ở thị trường này, bản thân DN nội cần nỗ lực hơn, nhất là tăng khả năng cạnh tranh bằng cách đầu tư chăm chút hơn ở khâu chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì sản phẩm, giảm giá thành. Nếu có hàng Việt chất lượng và giá cả phải chăng thì NTD sẽ lựa chọn và hình thành thói quen xài hàng nội. Riêng việc tổ chức lại mạng lưới phân phối hàng hóa cũng cần được quan tâm. Ngoài việc mở rộng liên kết với các điểm phân phối, điểm bán lẻ để tiếp cận sâu hơn với NTD thì cần tăng cường đầu tư cho quảng bá, truyền thông để NTD được biết rõ và kỹ hơn về sản phẩm hàng Việt cũng như tư vấn cách dùng sản phẩm một cách hiệu quả nhất… Nếu được như vậy, tin rằng hàng Việt sẽ là lựa chọn đầu tiên của bà con chứ không còn là “ưu tiên xài hàng Việt” nữa.
Trâm Anh
Ý kiến bạn đọc