Multimedia Đọc Báo in

Đỏ mắt tìm đồ chơi Việt

16:29, 22/06/2014

Đồ chơi trẻ em có ý nghĩa đặc biệt, là “món ăn tinh thần thiết yếu” không thể thiếu đối với mỗi đứa trẻ. Trong khi nhiều bậc phụ huynh đang có xu hướng ưu tiên chọn mua đồ chơi Việt mang tính giáo dục nhẹ nhàng, an toàn cho con trẻ, nhưng băn khoăn chưa biết tìm ở đâu?

Hàng Việt “lép vế”!

Chỉ riêng việc chọn mua đồ chơi cho con cũng khiến không ít ông bố bà mẹ “trăn trở”. Chị Đỗ Thị Hiền, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: dịp Quốc tế thiếu nhi vừa rồi, chị đã đi khắp các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trong thành phố, kể cả các cửa hàng đầu mối,  lớn, bé… để chọn đồ chơi Việt cho con nhưng quả thật, rất khó tìm.

Trên thực tế, nhiều năm nay đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc được bán nhan nhản trên thị trường, trong khi mặt hàng này do trong nước sản xuất chỉ chiếm thị phần khiêm tốn. Dạo một vòng quanh các cửa hàng chuyên bán đồ chơi trẻ em trên các tuyến đường thuộc TP. Buôn Ma Thuột như Phan Chu Trinh, Y Jut và các chợ truyền thống như chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột, Tân Thành…, đồ chơi trẻ em được bày bán khá đa dạng (có đến hàng ngàn chủng loại sản phẩm) và sặc sỡ sắc màu, từ các loại thú nhựa, xe điều khiển, ô tô, siêu nhân lắp ráp đến bộ xếp hình, bộ nấu ăn…, song hầu hết đều có dòng  chữ “made in China”.  Theo một chủ quầy bán đồ chơi trẻ em trên đường Phan Chu Trinh thì hàng Trung Quốc với thế mạnh là các loại xe điều khiển, bộ ráp hình bán khá chạy, với giá khá rẻ chỉ từ 100.000 đồng – 200.000 đồng/sản phẩm. Các loại búp bê nhựa, thú vật… lại càng rẻ hơn, chỉ vài chục nghìn/ món, kiểu dáng và mẫu mã cũng được thay đổi liên tục. Khi được hỏi tại sao không ưu tiên bày bán thêm nhiều mặt hàng do trong nước sản xuất, chị thật tình: cửa hàng cũng có bày bán các loại đồ chơi mang nhãn mác Việt, nhưng không nhiều. Có những khách hàng kỹ tính, họ “né’ đồ chơi Trung Quốc, song cũng ghé cửa hàng chị chọn vài lần rồi lắc đầu bỏ đi, bởi đồ chơi Việt không có nhiều. Hiện tại, mặt hàng này do trong nước sản xuất rất nghèo nàn về mẫu mã, kiểu dáng đơn điệu, trong khi, giá lại khá cao.

Đồ chơi Việt vẫn còn
Đồ chơi Việt vẫn còn "vắng bóng" tại các chợ huyện (ảnh chụp tại chợ Krông Bông).

Ngược lại, đồ chơi Trung Quốc giá rẻ, nhiều mẫu mã, và gần như chiếm ưu thế tuyệt đối lại các chợ huyện, nhất là huyện vùng sâu vùng xa trong tỉnh. Tại khu chợ huyện Krông Bông dù số quầy hàng bày bán đồ chơi trẻ em chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng dù có “đỏ mắt” tìm món đồ chơi do các doanh nghiệp trong nước sản xuất cũng khó thấy (!) Theo một số tiểu thương ở đây thì đồ chơi Việt chỉ xuất hiện nhiều vào dịp Trung thu như các loại lồng đèn giấy được làm thủ công: ông sao, cá chép, trống, đầu lân…, bởi thứ đồ chơi này vẫn còn sức hút đặc biệt với các em nhỏ, quan trọng hơn, giá chỉ trên 10.000 đồng/ sản phẩm nên vừa túi tiền, được nhiều người hỏi mua. Góp thêm về điều này, anh T. bán hàng tại chợ phân tích: đồ chơi Trung Quốc giá rất bình dân, lại đa dạng, loại nào cũng có. Chẳng hạn, một túi có đến 12 con vịt nhựa (đủ màu) mà giá chỉ hơn 60.000 đồng, nên rất dễ mua. Ngược lại, một món đồ chơi Việt bằng gỗ nhưng giá đến cả trăm nghìn; mức giá đó với đa số người tiêu dùng nông thôn thì thật “xa xỉ”, do vậy, nếu nhập về bán thì e rất khó “chạy”.

Theo thống kê của Bộ Công thương, có tới 80-90% đồ chơi trẻ em trên thị trường hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc, với hàng nghìn mẫu mã, trong khi, đồ chơi Việt chỉ khiêm tốn hơn 10 mẫu mã.

Đừng bỏ ngỏ thị trường

Sau nhiều vụ bê bối về chất lượng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, trong đó, có các loại đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, hoặc chứa chất độc hại không an toàn, gần đây, NTD đã ý thức hơn trong việc chọn đồ chơi cho con trẻ, theo đó, xu hướng lựa chọn hàng do trong nước sản xuất được nhiều người ưu tiên chọn mua. Đại diện một siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột “tiết lộ”: trong số các mặt hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu bán tại siêu thị, trong đó một số ít là hàng Trung Quốc giá khá rẻ, nhiều mẫu mã, và mặc dù được nhập chính ngạch, có tem kiểm chứng chất lượng và qua nhiều khâu kiểm tra chặt chẽ trước khi bày bán, nhưng lượng khách mua rất ít, bởi tâm lý lo sợ hàng Trung Quốc. Do bán không chạy nên thời gian tới, đơn vị đang tính đến việc ngừng nhập các mặt hàng này.

Bên cạnh sự phong phú của các mặt hàng đồ chơi trẻ em thì các bậc phụ huynh cũng tỏ ra cân nhắc hơn khi lựa chọn đồ chơi cho con, em mình; nhiều người có xu hướng ưu tiên chọn mua hàng mang tính giáo dục nhẹ nhàng, giá cả bình dân, do trong nước sản xuất. Điều đáng mừng hơn, mấy năm trở lại đây, một số doanh nghiệp trong nước đang có nhiều nỗ lực đầu tư ở ngành hàng này. Trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em là hàng Việt Nam chất lượng cao, mang tính kích thích tư duy trẻ thơ của các thương hiệu như Tosy, win win toys của Công ty Cổ phần gỗ Đức Thành, nhựa chợ Lớn… Tuy nhiên,  theo chị Hoa- chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Y Jut: những sản phẩm đồ chơi Việt này chủ yếu dùng chất liệu gỗ, có tính an toàn cao như đồ chơi xếp hình, đĩa bay, con quay Tosy, bộ lắp ráp xếp hình nhà, xe, con vật… nhưng hầu như những thứ này chỉ dành cho… trẻ em con nhà giàu, bởi chúng có giá khá cao, khoảng trên 100.000 đồng đến 480.000 đồng/ sản phẩm nên ít phổ biến. Hơn nữa, vì được thiết kế trên chất liệu gỗ nên màu sắc cũng như mẫu mã không bắt mắt, lại khá đơn điệu nên khiến trẻ em không thích lắm.

Trong khi chúng ta đang ra sức thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì trên thực tế đang tồn tại một nghịch lý ở mảng đồ chơi trẻ em: Người mua phải đỏ mắt tìm, người bán dù rất muốn cũng chẳng có hàng đâu ra để bán. Dễ nhận thấy, nhất là việc đồ chơi Việt dù đã có thương hiệu nhưng chưa được “phủ sóng" rộng rãi, nhất là tại các huyện vùng sâu vùng xa đã khiến NTD khó tiếp cận. Vấn đề đặt ra là bên cạnh sự nỗ lực, linh động của bản thân nhà sản xuất trong việc thiết kế, đổi mới mẫu mã, thì Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, giành lại thị trường đầy tiềm năng này.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.