Dự án cạnh tranh nông nghiệp: Nâng cao giá trị cho nông sản Dak Lak
Sau 5 năm thực hiện, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) Dak Lak cơ bản đạt được mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của nông dân, thông qua việc chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sản xuất mới, tổ chức lại các nhóm sản xuất của nông dân và liên kết với các doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ một phần cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sản xuất. Điều này đã “tiếp sức” cho nông dân hình thành những tổ chức sản xuất hiệu quả và nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông sản.
Liên kết cùng có lợi
Trong 4 hợp phần mà dự án ACP thực hiện, nổi bật nhất là hợp phần B - hỗ trợ liên minh sản xuất (LMSX) đã tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Toàn Dự án có 13 LMSX được hình thành từ sự liên kết giữa 13 tổ chức nông dân với 13 DN trong và ngoài tỉnh. Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án, hiệu quả kinh tế của các LMSX đã được chứng minh thông qua sản lượng mua bán giữa DN và tổ chức nông dân hàng năm tăng cao so với trước khi thành lập liên minh. Cụ thể: DN đã thu mua sản phẩm của nông dân trong LMSX với giá cao hơn trung bình là 8,7% với lý do chất lượng sản phẩm tốt hơn so với nông dân ngoài liên minh. Theo đó, doanh thu của tổ chức nông dân đã tăng 132,4%; tỷ suất lợi nhuận tăng lên 20 - 30%. Điều này cho thấy các bên đã tổ chức sản xuất tốt hơn, tăng hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh sau khi tham gia vào liên minh. Bên cạnh đó, nhiều LMSX sau khi được thành lập đã áp dụng những quy trình sản xuất có chứng nhận như: Cà phê Dakman, Cà phê Quảng Hiệp, Cà phê Ea H’leo, Cà phê Cư Êbur, Ca cao Nam Trường Sơn… Từ đó đã góp phần tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của nông sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Liên minh sản xuất Ca cao Ea Kar đã liên kết được các hộ trồng ca cao trên địa bàn huyện tạo được vùng nguyên liệu ca cao đạt chất lượng theo tiêu chuẩn UTZ. |
Đã có rất nhiều LMSX thu được kết quả nổi bật, góp phần nâng cao giá trị nông sản Dak Lak như: Bơ Dakado, ca cao, cà phê, heo rừng... Trong đó, LMSX Bơ Dakado (được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6-2010) là sự liên kết giữa Công ty TNHH Thu Nhơn với 100 hộ ở TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và Krông Ana, trong đó có 26 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Mặc dù chỉ được dự án hỗ trợ 370 triệu đồng, nhưng Công ty TNHH Thu Nhơn đã triển khai các hoạt động rất có hiệu quả, trong đó phải kể đến việc xây dựng và duy trì thương hiệu Bơ Dakado. Bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, đại diện Công ty TNHH Thu Nhơn cho biết nhờ sự hỗ trợ và tư vấn của Dự án ACP đã “tiếp sức” cho bà cùng với nông dân tiếp tục nâng cao chuỗi giá trị của bơ Dak Lak, đưa sản phẩm đến với thị trường trong nước, với sản lượng hàng trăm tấn mỗi năm, qua đó đã nâng cao thu nhập người dân trồng bơ trong tỉnh.
Cần duy trì kết quả đã có
Sau 5 năm triển khai tại Dak Lak, Dự án ACP Dak Lak đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, đã có 16 gói công nghệ nông nghiệp được chuyển giao; hình thành được 13 LMSX; xây dựng và nâng cấp xong 20 công trình hạ tầng nông thôn. Các hợp phần của Dự án đã mang lại lợi ích cho trên 13.500 nông hộ trên địa bàn tỉnh, trong đó có khoảng 2.700 nông hộ được tạo công ăn việc làm ổn định và nâng cao thu nhập nhờ cải thiện điều kiện sản xuất, tăng khả năng tiếp cận thị trường, làm gia tăng giá trị sản phẩm nông sản.
Liên minh sản xuất Bơ Dakado đã góp phần nâng cao cho sản phẩm bơ sáp Dak Lak. |
Theo Ban quản lý, Dự án ACP đã lựa chọn được những chủ đề chuyển giao công nghệ phù hợp với nhu cầu thực tiễn của nông dân như mô hình tưới phun mưa trên rau, tưới nước tiết kiệm cho cây cà phê, ủ phân vi sinh, ghép chồi cà phê, kiểm soát dư lượng trên nông sản…, các gói công nghệ chuyển giao đã chứng minh được hiệu quả kinh tế và thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, dự án đã tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, vì vậy khi tham gia LMSX, DN và nông dân đã nghiêm túc và quan tâm đến việc thiết lập các mối quan hệ kinh doanh chính thức trên cơ sở tự nguyện và hài hòa lợi ích của cả hai bên.
Để phát huy kết quả đạt được, rất nhiều nông dân cũng như LMSX mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình sản xuất hiện có. Theo LMSX cà phê Dakman, sau khi dự án kết thúc vẫn nên duy trì các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân để họ không sao nhãng việc sản xuất cà phê theo hướng bền vững, đồng thời chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ thêm công nghệ, máy móc chế biến ướt để sản phẩm cà phê được tăng thêm giá trị khi xuất khẩu. Còn theo ông Thái Xuân Quang, LMSX Ca Cao (huyện Ea Kar): thời gian thực hiện của dự án còn ngắn, nông dân chưa phát huy được nội lực, do vậy cần lồng ghép thêm các dự án để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất ca cao phát triển từ hiệu quả đã có.
Ban quản lý dự án cũng mong muốn, sau khi dự án kết thúc, các địa phương, nông dân và DN được hưởng lợi cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nhân rộng các mô hình thành công. Chính quyền các cấp cần có chính sách hỗ trợ để duy trì và phát huy hiệu quả của dự án, đặc biệt là các LMSX. Hiện đã có 3 HTX được hình thành từ các tổ hợp tác nông dân thuộc các LMSX, trong thời gian tới, các tổ hợp tác nông dân thuộc các LMSX như: Cà phê Ea Kmát (DAKMAN), Cà phê Ea H’leo, Cà phê Ea Tân, Cà phê Quảng Hiệp, Bò thịt Ea Kar… sẽ tiếp tục thành lập HTX để duy trì hoạt động của liên minh nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Có thể xem đây là những tín hiệu khả quan về hiệu quả mà Dự án ACP mang lại, góp phần thay đổi diện mạo cho nông nghiệp Dak Lak
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc