Hiệu quả từ mô hình trồng sầu riêng xen canh trong vườn cà phê
Năm 2004, Công ty DONA (ở Đồng Nai) hợp tác với Công ty Cà phê Phước An trồng xen canh 121 cây sầu riêng giống DONA-SR1 của Thái Lan vào vườn cà phê theo mật độ: cây cách cây 9 mét và hàng cách hàng 9 mét. Sau 1 năm, công ty bán lại với giá 100.000 đồng/ cây. Bà Đặng Thị Phương ở xóm 1, thôn Tân Thành đã mua hết số cây sầu riêng trong vườn cà phê 1 héc ta nhận khoán của mình với tổng tiền gần 13 triệu đồng. Mới đầu, do thiếu kiến thức, hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng khiến một số cây mắc bệnh chết, chỉ còn 105 cây. Không nản lòng, bà Phương đã nghiên cứu, học hỏi, tham dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để từ đó có thêm kinh nghiệm; đồng thời thuê chuyên gia cây trồng về tư vấn chăm sóc... Sau 8 năm miệt mài với vườn cây, sầu riêng đã cho trái ổn định, năng suất đạt khoảng 90-100 kg/cây, với giá bán 17.000-20.000 đồng/kg, mỗi cây cho lãi hơn 2 triệu đồng. Trên 1 héc ta, cây sầu riêng cho thu nhập từ 200 - 230 triệu đồng, nếu tính 2 tấn cà phê nhân nữa, với giá hiện nay là 40.000 đồng/kg, sau khi đã trừ tất cả chi phí, gia đình bà thu lãi gần 300 triệu đồng/ năm. Bà Phương vui vẻ chia sẻ: “Việc trồng sầu riêng xen cà phê rất hữu ích, vừa tận dụng lấy bóng mát cho cây cà phê, vừa cho giá trị kinh tế cao...”. Cũng như bà Phương, gia đình chị Phạm Thị Xanh ở cùng xóm có 1,5 héc ta cà phê trồng xen 160 cây sầu riêng. Qua học hỏi, nắm vững kỹ thuật, chị đã mạnh dạn vay vốn từ Hội Phụ nữ của thôn mua phân bón, chăm sóc cây theo đúng quy trình... Niên vụ năm 2013, chị thu về gần 320 triệu đồng từ sầu riêng, 120 triệu đồng từ cà phê, sau khi trừ hết chi phí còn lãi gần 400 triệu đồng/năm. Chị còn tận dụng các bờ lô trồng thêm nhiều cây khác như bơ Booth, mít... để tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giúp chắn gió cho vườn. Đến nay gia đình chị đã trở thành một trong những hộ khá giả nhất thôn.
Bà Đặng Thị Phương bên cây sầu riêng trồng xen cà phê. |
Thôn Tân Thành có 35 hộ trồng sầu riêng xen canh cà phê với tổng diện tích gần 40 héc ta, các hộ đều trở nên khá giả, một số còn vươn lên làm giàu, tham gia đóng góp tích cực vào phong trào thi đua ở địa phương. Thấy mô hình cây sầu riêng xen canh trong cà phê mang lại hiệu quả, nhiều hộ khó khăn trong thôn được hỗ trợ vốn vay cũng mạnh dạn trồng 5-10 cây sầu riêng trong vườn, tăng thêm thu nhập. Nhờ đó, đến nay toàn thôn gần như đã thoát nghèo, diện mạo thôn có nhiều đổi mới...
Theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Krông Pak, mô hình trồng cây sầu riêng xen canh trong vườn cà phê có hiệu quả kinh tế rõ rệt. Sầu riêng DONA-SR1 có trọng lượng 2-3 kg/quả, vỏ da xanh, cơm vàng hạt lép, tỷ lệ cơm đạt 36-40%, lại thu trái vụ nên được khách hàng rất ưa chuộng. Cây cà phê ưa bóng, còn cây sầu riêng lại hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây nên khi trồng xen vẫn không làm ảnh hưởng đến nhau, giúp quản lý được dịch hại tổng hợp, chống thoái hóa đất... Tuy nhiên sầu riêng là loại cây trồng tương đối khó tính, phụ thuộc nhiều vào thời tiết cũng như các công đoạn chăm sóc, lại rất dễ bị sâu bệnh. Do vậy, các nhà vườn cần chú trọng áp dụng kỹ thuật cũng như kinh nghiệm chăm sóc nhằm đạt kết quả cao.
Từ kết quả đã đạt được, hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng. Tuy nhiên, các hộ trồng sầu riêng nơi đây cũng băn khoăn vì sản phẩm chủ yếu chỉ có thương lái miền Tây đến thu mua nên thường bị ép giá. Đã vậy sầu riêng Krông Pak còn bị thương lái dán nhãn sầu riêng miền Tây hay của vùng khác. Do đó bà con mong muốn có sự hỗ trợ từ các cơ quan nhằm tạo một thị trường tiêu thụ ổn định, xây dựng hợp tác xã giúp định hình và phát triển thương hiệu sầu riêng Krông Pak nói riêng và Dak Lak nói chung.
Đức Văn
Ý kiến bạn đọc