Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ bò sinh sản - kênh thoát nghèo hiệu quả ở Krông Bông

09:19, 18/06/2014
Krông Bông là một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm về trước, tỷ lệ hộ nghèo của huyện luôn ở mức 30%. Đến năm 2013, toàn huyện giảm còn  21,86% hộ nghèo và 14,72% hộ cận nghèo.
 
Tỷ lệ này cho thấy thành quả đáng ghi nhận của huyện trong công tác xóa đói giảm nghèo. Kết quả đó có phần tác động tích cực từ các nguồn vốn hỗ trợ như: Chương trình 135, Chương trình xây dựng Nông thôn mới, các chương trình của Hội Chữ thập đỏ, Quỹ Phát triển nông nghiệp tỉnh, Trong đó, một hình thức hỗ trợ hiệu quả cao là cấp bò giống sinh sản cho những hộ nghèo.
 
Ông  Nguyễn Văn Xuân ở thôn 3 xã Hòa Tân, một nông dân được hỗ trợ cặp bò cách đây gần 3 năm từ chương trình “Lục Lạc Vàng - kết nối những miền quê” cho biết: Trước đây gia đình ông là một trong những hộ thuộc diện nghèo nhất xã. Nhờ được cấp bò giống và được hướng dẫn chăn nuôi đúng kỹ thuật, đến nay cặp bò của ông đã phát triển thêm 2 con nữa. Thấy hiệu quả, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển chăn nuôi. Hiện giờ ngoài 4 con bò có được, ông còn có thêm một đàn gà và một sào rau...  nhờ vậy kinh tế gia đình ông đã trở nên khá hơn, thoát khỏi cảnh hộ nghèo. Hộ chị Nguyễn Thị Ngàn cũng được hỗ trợ bò, nhưng theo dạng “cấp cho vay”, tức là chị được nhận bò từ mô hình phát triển “ngân hàng bò”, và sẽ phải trả lại bằng bò của lứa sau để duy trì “ngân hàng”. Đến nay chị đã hoàn lại bò được vay, luân chuyển cho hộ khác và có riêng một đàn bò 3 con. Chị đang dự định bán bớt 1 con để có tiền chữa bệnh và lo cho con đi học. Nhờ có đàn bò mà kinh tế gia đình đỡ khó khăn hơn trước rất nhiều.
Chị H’Vên vui mừng bên  con  bò giống mới được cấp.
Chị H’Vên vui mừng bên con bò giống mới được cấp.

Hiện nhiều chương trình hỗ trợ bò vẫn đang được triển khai, mang lại niềm vui và hy vọng cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ nghèo, chủ yếu là nguồn hỗ trợ từ tỉnh, trung ương và từ các tổ chức từ thiện. Gần đây nhất là gói hỗ trợ 100 con bò giống sinh sản cho những hộ nghèo ở các thôn, xã trên địa bàn huyện của Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn VinGroup, trị giá mỗi con bò trên 15 triệu đồng. Theo tính toán, nếu chăn nuôi tốt, đúng quy trình kỹ thuật thì sau 7-8 tháng là có thể cho một lứa bê mới, giá trị tương đương. Nếu nhà có 4 người thì bình quân thu nhập theo đầu người là khoảng 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, trong tương lai con số này có thể tăng lên theo cấp số nhân, bởi nếu tiếp tục chăn nuôi hiệu quả, lứa bò sinh ra sẽ tiếp tục sinh sản cho lứa mới. Như vậy sau 2-3 năm, thu nhập bình quân đã gấp nhiều lần, cách xa so với mức chuẩn nghèo ở nông thôn là 400.000 đồng/ người/ tháng, đồng nghĩa với khả năng tái nghèo là rất thấp, cho thấy được sự bền vững trong việc thoát nghèo từ mô hình này.

Chị H’Vên ở Khối 1, thị trấn Krông Kmar vừa được nhận bò từ Quỹ Thiện Tâm chia sẻ: “Các hộ nhận bò đợt trước giờ đã khá lên rồi, trong khi nhà tôi vẫn còn rất khó khăn. Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nên đợt này nhà tôi đã đủ điều kiện được nhận con bò giống. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc, cho bò sinh sản, giúp gia đình thoát nghèo...”.

Ông Trương Văn Thùy, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Krông Bông cho hay, trong những năm qua tỷ lệ các hộ thoát nghèo bền vững gia tăng, số hộ cận nghèo cũng giảm đi đáng kể, đa số đều là những hộ được cấp bò và chăn nuôi hiệu quả. Nhiều hộ sau thoát nghèo đã dần có tích góp, sắm sửa được nhiều vật dụng gia đình như ti vi, xe đạp... có hộ đã trở nên khá giả, chứng tỏ hiệu quả xóa đói giảm nghèo bền vững do nuôi bò mang lại. Lợi ích kinh tế từ nuôi bò giống sinh sản đã thấy rõ. Từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, đến nay huyện đã cấp hơn 1.800 con bò giống cho hộ nghèo ở các xã. Năm nay huyện phấn đấu sẽ vượt chỉ tiêu giảm 3% số hộ nghèo so với năm 2013. Để việc nuôi bò hiệu quả, Phòng LĐ-TB-XH kết hợp với Phòng NN-PTNT huyện cùng một số ban ngành liên quan như Trạm thú y, Trung tâm Khuyến nông... sẽ kiểm tra giám sát, bảo đảm số bò đã cấp được nuôi tốt, đúng kỹ thuật. Chính quyền sẽ hướng dẫn kỹ năng chăm sóc, cấp hỗ trợ, thuốc phòng chống dịch bệnh; đồng thời tiếp tục phổ biến, nhân rộng mô hình nuôi bò hiệu quả nhằm giúp bà con có điều kiện làm quen dần, nắm vững kỹ năng chăn nuôi, tích lũy kinh nghiệm… để khi có đủ vốn thì mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo mô hình, từng bước đi lên làm giàu. Ông cũng mong rằng, khi thấy được hiệu quả từ việc cấp bò giống sinh sản cho những hộ nghèo, huyện Krông Bông sẽ nhận thêm nhiều sự hỗ trợ cho hoạt động này, tạo động lực thúc đẩy xóa nghèo, góp phần xây dựng thành công chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn địa phương.

 Đức Văn


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.