Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Còn nhiều việc phải làm

14:21, 17/06/2014
Thời gian qua, Dak Lak đã xây dựng và thực hiện khá nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh vẫn sụt giảm trong năm 2013. Do vậy, việc cao chỉ số PCI trong năm 2014 đã được UBND tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong những tháng còn lại.

 

Nâng cao chỉ số PCI là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư.                                            Trong ảnh: Một dây chuyền sản xuất bia tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Dak Lak.                 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần tập đoàn gỗ Trường Thành.               Ảnh: Hoàng Gia
Nâng cao chỉ số PCI là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư. Trong ảnh: Một dây chuyền sản xuất bia tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Dak Lak.  Ảnh: Hoàng Gia

Trong năm 2013 mặc dù bằng mọi biện pháp để nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh theo Kế hoạch số 3990/KH-UBND của UBND tỉnh nhưng chỉ số PCI của Dak Lak đã không đạt kế hoạch đề ra. Nếu như PCI năm 2012 của Dak Lak được 55,94 điểm, đứng thứ 36 toàn quốc, thì năm 2013 tăng lên 57,13 điểm - mặc dù số điểm có cao hơn năm trước, nhưng lại tụt hạng 2 bậc, đứng thứ 38 trong toàn quốc. So với các tỉnh Tây Nguyên, Dak Lak xếp thứ 3 sau Gia Lai 7 bậc (56,97 điểm, đứng thứ 31) và Lâm Đồng 2 bậc (57,22 - đứng thứ 36). Đáng chú ý, trong số 10 chỉ số thành phần đánh giá của PCI của Dak Lak, có 7 thành phần tăng lên so với năm 2012, cụ thể: Tiếp cận đất, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý. Còn lại, 3 chỉ số thành phần khác đều giảm, gồm: Gia nhập thị trường, Chi phí không chính thức, Tính minh bạch. Như vậy số chỉ tiêu thành phần so với năm 2012 cao hơn, nhưng về mặt tổng thể chỉ số PCI địa phương giảm đi. Ngoài nguyên nhân khách quan là khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng tới sức đầu tư và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp (DN), còn có nguyên nhân chủ quan là cơ chế và chi phí trong kinh doanh của DN khá lớn. Điều này thể hiện các chỉ số Chi phí tăng cao; quy trình thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng, giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý Nhà nước có lúc còn chậm, chưa đầy đủ; việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ DN chưa phù hợp thực tế...  Điều này ảnh hưởng lớn tới việc triển khai đầu tư của DN.

Thời gian qua, cho dù tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh bằng việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, gia hạn nộp thuế thu nhập DN, giảm tiền thuê đất, giãn tiến độ thanh toán tiền sử dụng đất và đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua hỗ trợ chi phí thuê gian hàng tại các hội chợ giới thiệu sản phẩm (thể hiện qua thứ hạng chỉ số Tính năng động đã tăng lên so với năm 2012), nhưng như thế vẫn là chưa đủ để nâng cao PCI. Do vậy, trong thời gian tới, cần có quyết tâm mới của các cấp, ngành nhằm đẩy mạnh chỉ số PCI năm 2014. Trong đó, cần từng bước giải quyết các khâu yếu trong các chỉ số thành phần của PCI, đặc biệt cần chú trọng đến những giải pháp nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước tại địa phương giúp cho hoạt động của DN phát triển tốt hơn.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần tập đoàn gỗ Trường Thành
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần tập đoàn gỗ Trường Thành.

Các ngành chức năng cần tập trung phân tích, đánh giá đầy đủ nguyên nhân dẫn đến thứ hạng PCI của tỉnh bị giảm, tìm giải pháp khắc phục ngay các lĩnh vực có liên quan đến những chỉ số thành phần của PCI có điểm số và thứ hạng thấp nhằm nâng cao điểm số. Một điều quan trọng nữa là cần cụ thể hóa các văn bản của tỉnh về việc nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi cho DN trong và ngoài nước khi đầu tư, kinh doanh tại địa phương. Cần thay đổi nhận thức của các cơ quan đơn vị cung cấp dịch vụ công, từ quản lý DN sang phục vụ DN, coi DN là một đối tác hợp tác bền vững, lâu dài trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Thực hiện bước cải cách hành chính hướng tới những lợi ích phù hợp nhất trong quá trình cung cấp dịch vụ công cho đối tượng thụ hưởng là người dân và DN. Tăng cường việc đối thoại với DN trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động kinh doanh thuế, quản lý thị trường, thanh tra; đồng thời cần đánh giá và rà soát khả năng cạnh tranh và của các tỉnh trong vùng Tây Nguyên để từ đó có những giải pháp thực tiễn và khả thi. Có như vậy, Dak Lak mới cải thiện được chỉ số PCI cấp tỉnh trong năm 2014.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (tên viết tắt tiếng Anh là PCI - Provincial Competitiveness Index) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) hợp tác xây dựng công bố đầu tiên vào năm 2005 và trở thành hoạt động thường niên từ đó đến nay. PCI là chỉ số đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chính sách phát triển tư nhân của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước sau khi loại trừ những điều kiện khác biệt về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường. PCI là chỉ số tổng hợp bao gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh những khía cạnh quan trọng khác nhau của môi trường kinh doanh cấp tỉnh, những khía cạnh này chịu tác động trực tiếp từ thái độ và hành động của cơ quan chính quyền địa phương.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.