Nông sản Việt Nam trước "bài toán" chất lượng, thị trường tiêu thụ sản phẩm
Thời gian gần đây, vì những lý do khác nhau khiến thị trường tiêu thụ nhiều loại nông sản của Việt Nam gặp khó khăn. Đó được coi là “bài toán” để những nhà kinh tế, những nhà hoạch định chính sách tìm giải pháp giúp nền nông nghiệp nước nhà phát triển bền vững.
Chất lượng sản phẩm: Còn những “lỗ hổng”
Những năm qua, chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về thành tích vượt bậc của ngành nông nghiệp trong việc gia tăng sản lượng, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Thế nhưng, những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, ngô, cà phê, chè… có năng suất cao hàng đầu thế giới, thì giá trị gia tăng lại rất thấp. Mặc dù năng suất cao nhưng chi phí sản xuất cũng cao, tổn thất sau thu hoạch lớn, chất lượng không đảm bảo, khó cạnh tranh nên giá bán thấp là lẽ đương nhiên. Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, nông sản Việt Nam đã có mặt ở thị trường hơn 100 quốc gia trên thế giới nhưng những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm đã khiến việc xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính rất hạn chế. Đơn cử các mặt hàng nông sản của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ từ 1-3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản; với Hàn Quốc cũng ở mức dưới 5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này. Với cách sản xuất manh mún, công nghệ bảo quản chế biến lạc hậu, thô sơ; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đảm bảo thì rất khó để nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh và mở rộng thị trường trên thế giới.
Trong chuyến làm việc gần đây tại Dak Lak của Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Franz Jessen, vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là điều được ông Franz Jessen nhấn mạnh. Theo ông Franz Jessen, yếu tố tiên quyết để nông sản Việt Nam có thể thâm nhập thị trường EU là chất lượng sản phẩm. Do đó, việc sản xuất không thể tùy tiện, làm theo thói quen mà cần áp dụng theo các tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới; gia tăng nhiều hơn hàm lượng khoa học công nghệ để tăng chất lượng, độ an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo quản, chế biến nông sản. Ông Franz Jessen đã lấy sản phẩm đặc trưng của Dak Lak là cà phê để dẫn chứng cho vấn đề này. Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ trọng xuất khẩu cà phê của Dak Lak vào thị trường EU đạt thấp, nhưng đáng chú ý nhất là các “hàng rào kỹ thuật” khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. EU có nhiều quy định thương mại nhằm bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng cũng như cây trồng, vật nuôi và môi trường. Trong đó các doanh nghiệp Dak Lak thường “mắc” ở quy định như: REACH – Quy định cộng đồng châu Âu dành cho hóa chất cũng như cách thức sử dụng sao cho an toàn. Đây là một trong những quy định rất ngặt nghèo và gần như bất di bất dịch, không có ngoại lệ cho bất kỳ sản phẩm của bất kỳ nước nào. Vì vậy các doanh nghiệp Dak Lak cần phải chú ý đến vấn đề này và đặc biệt là cần phát huy yếu tố bản sắc mà không phải địa phương nào cũng có được.
Khai thác tốt thị trường trong nước là một trong những biện pháp tối ưu cho nông sản Việt Nam. |
Để làm được điều này, Dak Lak cần sớm hoàn thiện và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột. Thương hiệu “Buôn Ma Thuột” rõ ràng là của Việt Nam, đó là sự riêng biệt, khác biệt, độc nhất vô nhị và thương hiệu này cần phải được bảo hộ tại thị trường EU. Ông Franz Jessen nói: “Khi tiếp xúc với các nhà chế biến cà phê của Dak Lak, tôi rất muốn họ đăng ký chỉ dẫn địa lý để sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột có thương hiệu độc quyền tại thị trường EU, nhưng họ đã triển khai quá chậm”. Song song với việc bảo hộ thương hiệu, Dak Lak cũng cần xây dựng và thực hiện ngay kế hoạch phát triển sản phẩm cà phê sạch. Ông Franz Jessen chia sẻ, thị trường EU là thị trường khó tính nhưng nếu sản phẩm cà phê mang thương hiệu Buôn Ma Thuột, được chế biến theo hướng bảo đảm đó là cà phê sạch thì người tiêu dùng trong khu vực sẽ sẵn sàng chấp nhận.
Chủ động trong tìm kiếm và mở rộng thị trường
Thập kỷ qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và nhất quán quan hệ song phương về kinh tế và thương mại giữa EU và Việt Nam. EU đã và đang đi đầu trong việc giúp Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu và hiện vẫn là một trong các đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Và EU cũng là thị trường trọng yếu cho hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2013, thương mại song phương giữa Việt Nam và EU tiếp tục tăng cao so với các năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt 24,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với năm trước đó.
Dak Lak là một trong những địa phương có nhiều mặt hàng xuất khẩu như cà phê, cao su, tiêu hạt, điều, sản phẩm sắn, sản phẩm mật ong… Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU chỉ mới chiếm tỷ trọng khoảng hơn 20% so với các thị trường khác. Thêm nữa, một bất cập trong tiêu thụ nông sản đã được chứng minh rõ nét là chúng ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông lâm thủy sản xuất sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước. Các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cao su, trái cây… lệ thuộc lớn vào thị trường này qua cả đường tiểu ngạch lẫn chính ngạch. Tuy nhiên, do việc quá bị phụ thuộc nên khi có vấn đề thông quan ở biên giới, ngay lập tức hàng chục tấn rau, quả sẽ bị kẹt lại, không bán được, thậm chí phải đổ đi như chuyện dưa hấu những năm vừa qua hay đối với nhiều mặt hàng rau, củ quả khác trong thời gian gần đây. Mới đây nhất giá chanh, xoài, ớt... liên tục giảm mạnh do Trung Quốc ngừng mua.
Theo Thạc sĩ Kinh tế Nguyễn Thị Xuân Hồng, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, để tránh việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc là không quá khó. Bên cạnh việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, cần phát huy tốt yếu tố “sân nhà”. Thực tế ngay tại thị trường trong nước, với số dân gần 90 triệu người cũng là một thị trường rất lớn cho việc tiêu thụ nông sản. Muốn vậy các nhà quản lý phải có chiến lược để bảo đảm sự công bằng giữa nông sản trong nước và nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc như hạn chế nông sản kém chất lượng nhập khẩu từ Trung Quốc thông qua hàng rào thuế quan, kiểm soát chất lượng sản phẩm… Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ nông dân trong nước để giá thành sản phẩm có thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần “thông minh” hơn trong việc lựa chọn sản phẩm nông sản để tránh “tiếp tay” cho nông sản giá rẻ, kém chất lượng từ Trung Quốc. Hay như “bật mí” của ông Franz Jessen cũng là ý kiến cần tham khảo. Theo ông Franz Jessen, những “hàng rào kỹ thuật” của EU không quá khó để các doanh nghiệp Dak Lak vượt qua. Để thâm nhập thị trường EU, các doanh nghiệp Dak Lak cần thông qua các chương trình tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia, các chương trình đào tạo và kết nối giao thương, nhằm xây dựng thành công chiến lược thâm nhập thị trường cũng như mối quan hệ trực tiếp với các khách hàng tiềm năng ở châu Âu.
Việc chủ động tìm và mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và chất lượng nông sản trong nước là một nội dung quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà các địa phương đang rốt ráo thực hiện. Bên cạnh đó việc chủ động dự báo thị trường, quảng bá những nông sản đặc sản cũng cần được tổ chức một cách bài bản, tạo sự riêng biệt, hấp dẫn cho sản phẩm và tìm cách tiếp thị đến các thị trường khác nhau để từng bước xâm nhập, chiếm lĩnh được các thị trường mới trên thế giới.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc