Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt quản lý thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ

10:20, 20/06/2014

Theo Thông tư số 22 ngày 26-9-2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2014, vàng nữ trang phải được bán đúng tuổi gần như là 100%. Giới kinh doanh vàng và người tiêu dùng đang rất quan tâm về thông tin này…

Không riêng Dak Lak mà ở nhiều tỉnh, thành khác cũng vậy, nhiều năm qua thị trường gần như không có chuẩn chung nào cho sản phẩm vàng nữ trang. Hầu hết, các tiệm vàng nhỏ lẻ đều lấy hàng từ cơ sở gia công, rất ít bán vàng cho các công ty có tên tuổi, tuổi vàng tự các tiệm quyết định. Chính vì vậy, đối với mặt hàng vàng, có một kiểu mua bán… không giống ai: mua ở đâu bán ở đấy. Nếu như bán ở  cửa hàng khác, sau khi cân đo, hầu hết những món hàng đều được cho là không đủ tuổi như lúc mua nên bị mất giá nhiều hơn. Đây cũng là nguyên nhân lý giải cho việc một số cửa hàng ít khi mua vàng của nhau, hoặc nếu có mua thì sẽ hạ thấp tuổi của sản phẩm chứ không mua theo tuổi vàng thực tế.

Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường được cho là một bước chuyển tích cực, góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp; các sản phẩm đến tay người tiêu dùng bảo đảm đúng về chất lượng, đủ về số lượng; hạn chế và tiến tới loại bỏ hiện tượng gian lận về chất lượng, đo lường trong kinh doanh mặt hàng này. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ phải bảo đảm về hàm lượng, khối lượng vàng của sản phẩm; phải ghi đầy đủ thông tin về sản phẩm theo quy định trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, khối lượng, thông tin, xuất xứ của các sản phẩm vàng đang kinh doanh.

Theo Thông tư 22,                                       trên đường Quang Trung.     	Ảnh: Lê Thành
Theo Thông tư 22, doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức phải thông tin đầy đủ về tuổi vàng (Trong ảnh: tại một tiệm vàng trên đường Y Jut) Ảnh: Lê Thành

Thực tế, khi thông tư này có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng tỏ ra khá lúng túng. Ở Dak Lak hiện có dòng sản phẩm vàng mà giới kinh doanh vàng gọi là vàng thị trường.  Trong các cửa hàng  kinh doanh vàng nhỏ lẻ còn tồn đọng khá lớn lượng vàng thị trường này. Nhiều chủ doanh nghiệp băn khoăn sau thời điểm áp dụng theo Thông tư 22, loại vàng nữ trang này sẽ  giải quyết như thế nào. Nếu như phân kim cho đủ tuổi vàng, thì doanh nghiệp bị lỗ và mất nhiều thời gian. Theo tính toán 1 chỉ vàng 18 k nếu phân kim lại sẽ bị lỗ ít nhất là 300 nghìn đồng, chưa kể tiền công, còn đối với loại trang sức có gắn đá quý thì rất khó lấy ra để nấu lại. Bà Đinh Thị Hà, chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc Kim Hà Hòa, thị xã  Buôn Hồ cho biết: Lượng vàng trang sức tồn kho hiện rất lớn và không đủ điều kiện để lưu hành theo chuẩn của Thông tư 22. Nếu được gia hạn thời điểm thực hiện thông tư thêm một thời gian thì các doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ chủ động hơn.

Theo Tổng  cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Bộ Khoa học – Công nghệ thì Thông tư 22 là bước đi tiếp trong lộ trình quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24, ban hành ngày 3-4-2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Còn theo ông Phạm Gia Việt, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường và Chất lượng - Sở Khoa học và Công nghệ, Thông tư 22 ban hành tháng 9-2013 đến ngày 1-6-2014 mới có hiệu lực, tức là sau 8 tháng mới được áp dụng chính thức. Khoảng thời gian 8 tháng này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hướng xử lý đối với các sản phảm không đáp ứng được yêu cầu trong Thông tư 22. Thời điểm 1-6-2014 là mốc thời gian đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ấn định nhằm thiết lập trật tự, “siết” chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Do đó các doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tuân thủ theo quy định. Ông Việt cũng nhấn mạnh: “Thông tư 22 không phải là gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ mà chỉ yêu cầu các doanh nghiệp này phải bảo đảm hàm lượng vàng, khối lượng vàng và có đầy đủ thông tin trên sản phẩm đúng như tiêu chuẩn đã công bố”.

Khách hàng đang mua đồ trang sức tại một tiệm vàng trên đường Quang Trung.  Ảnh: Lê Thành
Khách hàng đang mua đồ trang sức tại một tiệm vàng trên đường Quang Trung. Ảnh: Lê Thành

Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Đoàn Thị Ngọc Anh, ở thành phố Buôn Ma Thuột thì băn khoăn, trong trường hợp doanh nghiệp ghi đúng tuổi vàng nhưng tăng giá bán và tiền công lên thì người tiêu dùng có được lợi theo Thông tư 22? Về điều này, cũng theo phân tích của ông Phạm Gia Việt, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường và Chất lượng, Thông tư 22 ra đời là nhằm thiết lập, kiểm soát chất lượng (về tuổi vàng hay hàm lượng vàng) đối với vàng trang sức, mỹ nghệ trên thị trường, đưa thị trường này về đúng với giá trị thực của nó là cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm đúng về chất lượng, đủ về số lượng và có xuất xứ rõ ràng. Vì vậy có thể nói, Thông tư 22 ra đời để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên phương diện mua được sản phẩm hàng hóa bảo đảm về chất lượng, số lượng và có xuất xứ rõ ràng. Còn việc doanh nghiệp tăng giá bán, tiền công lên là do mối quan hệ cung – cầu của thị trường điều tiết, quyết định.

Được biết, với vai trò được giao là cơ quan quản lý về đo lường, chất lượng đối với sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ ở địa phương, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường và Chất lượng đã có văn bản phản ánh các nội dung liên quan đến Thông tư số 22 cho Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường và Chất lượng để có thể giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tổ chức một buổi hội thảo hoặc có thông báo cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ thực hiện Thông tư 22 cho thống nhất theo hướng dẫn của Tổng cục. Đồng thời sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.

Theo Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ,  vàng nữ trang phải được bán đúng tuổi gần như là 100%. Cụ thể, vàng 18k theo đúng quy chuẩn thì hàm lượng vàng không được thấp hơn 75%, vàng 24k hàm lượng vàng không được thấp hơn 99,9%. Mức sai số cho phép cũng chỉ từ 0,1-0,3%.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.