Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường sử dụng vật liệu không nung: Xu thế tất yếu trong ngành xây dựng

09:58, 23/06/2014

Sản xuất, sử dụng vật liệu không nung (VLKN) thay thế vật liệu nung là xu thế tất yếu trong ngành xây dựng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ở Dak Lak, nhiều giải pháp thúc đẩy sử dụng loại vật liệu này trong xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đang được triển khai mạnh mẽ, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp.

Xu thế tất yếu

Những năm qua, ngành công nghiệp VLXD Dak Lak có bước phát triển đáng kể, đặc biệt là khai khoáng các loại đá, cát, đất sét, trong đó nguyên liệu đất sét được khai thác khá nhiều để sản xuất gạch nung (GN). Tuy nhiên, GN có nhiều yếu tố bất lợi như tiêu tốn lượng lớn đất sét dẻo, than, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, loại vật liệu này có kích thước nhỏ, nên khi xây dựng tốn nhiều vôi vữa, ngày công và kéo dài tiến độ thi công, không phù hợp với xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành xây dựng. Trong khi đó, VLKN có nhiều ưu điểm nổi trội là nhẹ, thân thiện với môi trường, ít tiêu tốn năng lượng, không cần nguyên liệu đất sét mà chỉ sử dụng các phế thải công nghiệp như tro, xỉ của các nhà máy luyện kim, hoặc mạt đá…

Nhằm từng bước hiện đại hóa ngành công nghiệp sản xuất VLXD, từ năm 2012, UBND tỉnh đã có Kế hoạch phát triển sản xuất, sử dụng VLKN thay thay GN đến năm 2020, với mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu và đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương. Theo đó, đến năm 2015 sản xuất và sử dụng VLKN như gạch xi măng - cốt liệu, bê tông khí chưng áp, bê tông bọt, gạch đá ong… thay thế GN đạt 15-20% và 25 – 30% vào năm 2020; hàng năm sử dụng 300.000 – 350.000 tấn phế thải công nghiệp để sản xuất VLKN, tiết kiệm 40 ha đất nông nghiệp và tiến tới xóa bỏ lò nung gạch thủ công, lò đứng…

Gạch nung (nguyên liệu đất sét) sẽ dần được thay thế bằng gạch không nung.
Gạch nung (nguyên liệu đất sét) sẽ dần được thay thế bằng gạch không nung.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình sản xuất và sử dụng VLKN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, việc chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch từ lò thủ công và lò đứng liên tục sang công nghệ không nung vẫn còn những vướng mắc. Đơn cử, trên địa bàn huyện Krông Ana hiện có khoảng100 cơ sở sản xuất gạch xây dựng, tổng công suất gần 250 triệu viên/năm, tập trung tại các xã Ea Bông, Bình Hòa và thị trấn Buôn Trấp. Việc sản xuất GN hàng năm tiêu tốn khoảng 60.000 – 65.000 tấn than, xả nhiều khí thải độc hại gây ô nhiễm môi trường sinh thái, làm giảm diện tích đất nông nghiệp. Theo tính toán của địa phương, từ nay đến năm 2020, các cơ sở sản xuất gạch này sẽ cho ra lò khoảng 2 tỷ viên gạch, gây thiệt hại 70 – 100 ha đất trồng lúa tại các buôn Sah, buôn Kô, M’lớt, Riăng (xã Ea Bông), buôn Rung (thị trấn Buôn Trấp) và thôn 1, xã Bình Hòa. Hiện địa phương đã xây dựng lộ trình xóa bỏ triệt để các cơ sở sản xuất gạch thủ công, giảm và chấm dứt sản xuất gạch bằng lò đứng liên tục, ứng dụng các công nghệ sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, lộ trình này sẽ khó về đích do một số khó khăn như: các chủ lò ngại tiếp cận công nghệ sản xuất gạch không nung, vốn đầu tư hạn chế và sản phẩm VLKN vẫn còn khá mới mẻ đối với người tiêu dùng.

Sản xuất và sử dụng VLKN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)
Sản xuất và sử dụng VLKN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)

Triển vọng lớn về sử dụng VLKN

Bên cạnh xu thế tất yếu trong việc sản xuất và sử dụng VLKN trong ngành xây dựng, Dak Lak còn có nguồn nguyên liệu để sản xuất VLKN khá phong phú với trữ lượng mạt đá trong khai thác, chế biến đá xây dựng 0,5 – 0,7 triệu m3/năm và nhiều mỏ đá puzơlan có thể sản xuất 300 – 350 triệu viên gạch không nung/năm. Ông Lê Thanh Tân, Trưởng phòng Quản lý hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng cho biết, nguyên nhân khiến việc sử dụng VLKN vẫn chưa phổ biến là do thời gian qua số lượng công trình xây dựng có vốn ngân sách được khởi công mới không nhiều, nhu cầu sử dụng vật liệu còn thấp; bên cạnh đó, người dân vẫn chưa thay đổi được thói quen sử dụng GN để chuyển sang VLKN trong xây dựng các công trình của gia đình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn Dak Lak đã có những cơ sở sản xuất VLKN quy mô nhỏ; đồng thời, người dân cũng đã bắt đầu sử dụng loại vật liệu này, bước đầu cho thấy những ưu điểm vượt trội so với vật liệu thông thường. Trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột và huyện Ea H’leo đã có những dự án nhà máy sản xuất VLKN đang xây dựng. Riêng Khu công nghiệp Hòa Phú đã thu hút được 2 dự án sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới là nhà máy sản xuất gạch không nung Block Việt của Công ty TNHH Mai Thiên Khánh, với vốn đầu tư 14,5 tỷ đồng, công suất gần 10 triệu viên/năm và nhà máy gạch ngói không nung của Công ty TNHH thương mại Đại Tín, vốn đầu tư 22,5 tỷ đồng, công suất 9,6 triệu viên/năm.

Ngày 14-5, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 04/2014/CT-UBND về việc tăng cường sử dụng VLKN và hạn chế sản xuất, sử dụng GN. Theo đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương thực hiện tốt Kế hoạch phát triển sản xuất, sử dụng VLKN thay thế GN của tỉnh đến năm 2020; ưu tiên các nhà máy sản xuất vật liệu sử dụng tiết kiện tài nguyên,  năng lượng, ít ô nhiễm môi trường và tận dụng các phê thải công nghiệp; chấn chỉnh, sắp xếp và tạo điều kiện để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp, kết hợp với chuyển đổi công nghệ thiết bị. Riêng đối với UBND các huyện Krông Ana, Krông Pak, Krông Bông, Cư Kuin, Ea Kar, Ea Súp và Lak khẩn trương rà soát, yêu cầu các cơ sở sản xuất gạch bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng phải xây dựng lộ trình chấm dứt sản xuất hoặc chuyển đổi công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý việc khai thác đất sét làm gạch bất hợp pháp của các lò gạch thủ công. Tỉnh sẽ có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ về thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ dự án công suất từ 7 triệu viên VLKN/năm trở lên…

Dự báo năm 2015 cả nước sẽ sử dụng không dưới 30 tỷ viên và năm 2020 khoảng 42 tỷ viên gạch không nung. Theo tính toán, để sản xuất 1 tỷ viên GN phải tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, 0,15 triệu tấn than, đồng thời thải ra môi trường trên nửa triệu tấn CO2. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển VLKN, với mục tiêu đến năm 2015, VLKN chiếm tỷ lệ 20 - 25% vật liệu xây và 30 - 40% vào năm 2020. Theo kế hoạch của tỉnh Dak Lak, các nhà từ 5 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 20% VLKN loại nhẹ trên tổng số vật liệu; các công trình xây dựng cấp III trở lên thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước phải sử dụng ít nhất 30% VLKN loại nhẹ.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.