Thị trấn Krông Kmar (Krông Bông): Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ
Thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) đang từng bước đổi thay nhờ các công trình trường học, đường sá khang trang, những ngôi nhà ván gỗ ọp ẹp trước kia giờ đã được thay bằng nhà xây kiên cố. Việc đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ đang từng bước góp phần thay đổi diện mạo trên vùng đất khó này.
Xác định thương mại - dịch vụ là thế mạnh để phát triển, những năm qua, thị trấn đã có nhiều giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về thủ tục hành chính, mặt bằng, giữ vững an ninh trật tự để các hộ dân yên tâm buôn bán, khuyến khích những hộ có lợi thế về các nghề truyền thống hoặc địa thế mặt bằng đẹp tiếp tục mở rộng quy mô kinh doanh… Đặc biệt, năm 2006, khu chợ cũ ọp ẹp đã được đầu tư nâng cấp bài bản, với tổng kinh phí 8 tỷ đồng; các ngành hàng được sắp xếp gọn gàng đẹp mắt, với hơn 200 hộ kinh doanh cố định, trung bình mỗi ngày thu hút trên 700 lượt người đến giao thương. Chợ Krông Bông được coi là điểm nhấn trong phát triển thương mại, dịch vụ ở đây, là chợ đầu mối, phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi và phân phối hàng hóa cho xã lân cận, đặc biệt là các xã vùng sâu như Cư Drăm, Yang Hanh. Nhiều hộ đã tận dụng lợi thế trên để đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh. Trước đây, cửa hàng giày, dép da Thành Toại của chị Võ Thị Thanh Tuyền chỉ là một sạp buôn bán nhỏ trong chợ, chủ yếu nhận gia công các loại giày dép khi khách có yêu cầu. Từ khi chợ được đầu tư nâng cấp quy mô, tận dụng địa thế đẹp, chị mạnh dạn mở rộng thành cửa hàng đầu mối chuyên bán các loại giày dép sỉ, lẻ, từ bình dân đến cao cấp như Bitis, BQ (Đà Nẵng), Cát Tường…, không chỉ giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động khác, với mức lương từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.
Khu chợ được đầu tư nâng cấp khang trang, mở lối cho các hoạt động giao thương phát triển. |
Kinh tế phát triển, sức mua của người dân ngày càng tăng cao, lại được Ban quản lý chợ tạo điều kiện, là chủ sạp trái cây, chị Nguyễn Thị Thuyết cũng đã mạnh dạn nhập thêm hàng về bán; đồng thời mở thêm cửa hàng tạp hóa tại chợ huyện, giúp cho thu nhập từ việc kinh doanh, mỗi năm chị Thuyết thu lãi gần 100 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Tuyền, người dân thị trấn Krông Kmar cho biết: Kinh tế phát triển, các cửa hàng thương mại, dịch vụ mọc lên ngày một nhiều, người dân có cơ hội chọn lựa mua sắm thuận tiện hơn. Trước đây muốn mua thứ gì, dù nhỏ nhất cũng phải vượt hơn 50 cây số lên tận TP. Buôn Ma Thuột để mua, giờ, chỉ cần ra chợ huyện là có đủ cả, từ mấy cái ốc vít, đôi giày đến những chiếc máy phát điện, xe máy đắt tiền.
Cùng với đó, sản xuất tiểu thủ công nghiệp như may mặc, cơ khí và các loại hình dịch vụ cũng được người dân lựa chọn và phát triển khá đa dạng, từ dịch vụ vật tư nông nghiệp, sửa chữa xe máy, điện tử - điện lạnh đến các dịch vụ vui chơi giải trí… Nếu như trước đây, về trung tâm huyện tìm đỏ mắt mới thấy một quán nước ven đường thì nay quán xá đã rất nhiều, từ quán nước bình dân đến quán cà phê được đầu tư bài bản; dịch vụ ăn uống, giải trí cũng sang trọng không kém cộng với cung cách phục vụ đang dần được cải thiện làm hài lòng thực khách. Theo đó, nếp sống đô thị cũng đang dần hình thành trong nhận thức của người dân nơi đây.
Hàng hóa được bày bán phong phú trong chợ Krông Bông |
Hiện nay toàn thị trấn có trên 350 hộ kinh doanh, chủ yếu tập trung ở khu vực chợ, trong đó kinh doanh dịch vụ 105 hộ, thương nghiệp 143, vận tải 7 hộ, ăn uống, giải khát 66 hộ... Ông Đỗ Văn Phùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, từ chỗ đa số người dân làm nông nghiệp, chỉ có một bộ phận buôn bán nhỏ, nhỏ, đến nay thị trấn đã tập trung phát triển kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện cho các hộ mở rộng kinh doanh, khuyến khích phát triển các ngành nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013, riêng ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ toàn thị trấn có tổng doanh thu 44,275 tỷ đồng (tăng 15% so với 2012), thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng/ người/ năm (2013), tăng 11,7% so với năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 194 hộ. Thời gian tới, thị trấn sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay, hỗ trợ về pháp lý và chủ động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng, góp phần bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc