Multimedia Đọc Báo in

Quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản: Chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế

09:14, 09/07/2014

Dak Lak là địa phương có tiềm năng khoáng sản tương đối lớn với sự đa dạng về chủng loại và quy mô về trữ lượng, tạo động lực cho phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội địa phương nói chung. Tuy nhiên, những năm qua công tác quản lý, khai thác và sử dụng khoáng sản vẫn còn những hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Nhiều tiềm năng

Theo khảo sát, thống kê của cơ quan chức năng, nguồn khoáng sản (KS) trên địa bàn Dak Lak khá phong phú, trong đó đã phát hiện 28 loại KS ở 300 điểm, gồm vàng, đá quý (saphir, granat, opan…), thạch anh tinh thể, kẽm, felspat, đá vôi, đá hoa, cao lin, đá ốp lát, than bùn và vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, đất sét gạch). Các loại KS được khai thác và sử dụng nhiều nhất là vật liệu xây dựng, than bùn và felspat. Cụ thể, nguồn đá xây dựng rất phong phú, trữ lượng tiềm năng khoảng 250 triệu m3, phân bố hầu hết ở 15 huyện, thị xã, thành phố với các loại chủ yếu là bazan, cát bột kết, andezit. Đến nay, địa phương đã thăm dò được 23 mỏ với trữ lượng 50 triệu m3, mỗi năm khai thác được 1,2 – 1,5 triệu m3. Về KS cát xây dựng, tập trung ở các sông Krông Nô, Krông Na, Krông Pak, Sêrêpôk… với trữ lượng tiềm năng khoảng 50 triệu m3, đã thăm dò được 12 điểm mỏ tổng trữ lượng 20 triệu m3, mỗi năm khai thác được 500.000 – 600.000 m3. Đối với đất sét gạch, chủ yếu phân bố ở Krông Ana, Krông Pak, Ea Kar, Lak, Krông Bông và M’Drak với trữ lượng tiềm năng khoảng 220 triệu m3; trong đó đã thăm dò được 3 mỏ với trữ lượng 5 triệu m3. Riêng đá ốp lát là loại KS có nhiều triển vọng của địa phương, phân bố ở các huyện Ea H’leo, Ea Kar, Lak, Krông Bông, M’Drak và Buôn Đôn, trữ lượng tiềm năng 50 triệu m3, hiện đã có 4 đơn vị đăng ký thăm dò ở Ea H’leo, 2 đơn vị ở Lak và 2 đơn vị ở Krông Bông. Bên cạnh đó, Dak Lak cũng có một số KS khác gồm: than bùn ở huyện Cư M’gar, Krông Ana, Krông Pak, Krông Buk và Krông Năng, trữ lượng tiềm năng 25 triệu m3; đá vôi ở Buôn Đôn trữ lượng 20 triệu tấn, felspat ở Ea Kar, Ea H’leo, trữ lượng 1,6 triệu tấn…

Người dân khai thác đá lộ thiên tự phát bên Quốc lộ 27 đoạn qua xã Yang Tao, huyện Lak.
Người dân khai thác đá lộ thiên tự phát bên Quốc lộ 27 đoạn qua xã Yang Tao, huyện Lak.

Đơn cử, huyện Krông Năng là địa phương có nguồn tài nguyên KS tương đối dồi dào như đá bazan, granite, đã được khai thác ở khá nhiều địa điểm, nhất là ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc huyện; về nguyên liệu đất sét cũng đã có những kết luận ban đầu về trữ lượng và chất lượng ở một số địa bàn trong huyện; ngoài ra, còn có vàng sa khoáng và các loại đá quý xung quanh thượng nguồn các suối lớn, đặc biệt, địa phương có trữ lượng than bùn (khoảng 700.000 m3) nằm tại hai địa điểm thuộc xã Cư Klông. Đây là nguồn nguyên liệu cho phát triển các ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón vi sinh.

Thiếu chế tài, phương tiện quản lý

Trên địa bàn tỉnh hiện có 44 doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác khoáng sản (KTKS), trong đó chủ yếu là khai thác vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát, đất sét). Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 30-8-2011 sẽ tạm dừng việc cấp phép thăm dò và KTKS trên phạm vi cả nước nhằm chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý hoạt động này. Thực hiện quy định trên, từ đó đến nay, ở Dak Lak không có đơn vị nào được cấp phép KTKS. Tuy nhiên, để phục vụ thi công đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 27 đoạn qua Dak Lak, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị địa phương gia hạn khai thác đến hết năm 2013 cho 3 đơn vị khai thác đá xây dựng tại các huyện Ea H’leo, Krông Buk và Lak gồm: Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ea H’leo, Công ty TNHH Phục Hưng và Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 507.

Đào đãi đá ruby tại một con suối trên địa bàn xã Cư Klông, huyện Krông Năng.
Đào đãi đá ruby tại một con suối trên địa bàn xã Cư Klông, huyện Krông Năng.

Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động KTKS trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do nhiều loại KS phân bố rải rác, quy mô nhỏ mà không tập trung thành mỏ lớn, nhiều đối tượng khai thác theo quy mô cá thể, mang tính thời vụ. Bên cạnh đó, một số loại KS tập trung tại các khu vực rừng núi, địa hình phức tạp, bị khai thác trái phép một cách lén lút nên địa phương và các cơ quan chức năng rất khó quản lý. Bởi thế, hoạt động khai thác đá quý, cát xây dựng trên địa bàn các huyện Krông Na, Cư Kuin, Lak, Krông Bông và Krông Năng diễn ra phức tạp, khó kiểm soát, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và gây ô nhiễm môi trường; hay tình trạng nổ mìn khai thác đá làm ảnh hưởng đến đời sống người dân tại một số mỏ đá ở Buôn Đôn, Krông Pak và thị xã Buôn Hồ. Nhằm lập lại trật tự trong hoạt động KTKS, cơ quan chức năng đã thường xuyên tổ chức các đợt thanh, kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở, cá nhân hoạt động KTKS không tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa như mong muốn do tỉnh vẫn chưa có quy hoạch KS một cách dài hơi để làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về quản lý KTKS sau cấp phép, quản lý và bảo vệ tài nguyên KS chưa khai thác nhằm ngăn chặn, xử lý và chấm dứt tình trạng KTKS trái phép.

Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí hạn chế nên việc điều tra, lập cơ sở dữ liệu, đánh giá trữ lượng khoáng sản còn sơ sài. Ông Nguyễn Văn Thiềm, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: hiện tại, Dak Lak mới xây dựng bản đồ địa chất tỷ lệ 1/200.000, do tỷ lệ quá nhỏ (thông thường là 1/50.000) nên chỉ thể hiện được một số mỏ quặng, các KS còn lại không phát hiện được. Điều này khiến công tác thu hút đầu tư ngành công nghiệp khai thác, chế biến KS có phần hạn chế, việc quản lý, khai thác, sử dụng KS chưa xứng với tiềm năng. Được biết, các sở, ngành liên quan đang xây dựng đề án Quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu khai thác, sử dụng tài nguyên KS một cách hợp lý, hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường và cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp. Trên cơ sở đó, địa phương cũng đặt ra các nhóm giải pháp thực hiện về quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường và vốn đầu tư…

 Minh Thông


Ý kiến bạn đọc