Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo ở Ea Tiêu

11:20, 18/08/2014

Những năm qua, nhờ chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế và triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo ở xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) có những chuyển biến đáng khích lệ, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo.

Ea Tiêu là xã thuần nông, diện tích tự nhiên 4.632 ha. Toàn xã có 4.332 hộ dân với 22.979 nhân khẩu, được phân bố ở 24 thôn buôn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40%. Là xã điểm trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện, công tác xóa đói giảm nghèo luôn được cấp ủy chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân. Đảng bộ và chính quyền xã Ea Tiêu đã lập và triển khai nhiều kế hoạch đồng bộ, tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận với các chương trình, chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn cho hộ nghèo để phát triển sản xuất; tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình…

Những ngôi nhà mới khang trang ở thôn 13, xã Ea Tiêu.
Những ngôi nhà mới khang trang ở thôn 13, xã Ea Tiêu.

Từ đầu năm 2014, xã đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp, mở rộng 14 tuyến đường, đoạn đường giao thông các loại với tổng chiều dài 13,27 km và cấp phát hỗ trợ sản xuất 4 đợt cho 386 hộ nghèo, gồm 1.553 con gà, 10 con bò giống, 283 kg lúa, 1.284 cây tiêu giống… Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh công tác tư vấn giới thiệu việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động tạo thu nhập cho người nghèo, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân có nhu cầu giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động được tư vấn về thị trường và hỗ trợ vay 100% vốn. Những việc làm này đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, điển hình như trường hợp của ông Y Bom Byă (buôn Bung), trước năm 2008 do không có đất sản xuất, gia đình ông Y Bom quanh năm chỉ biết “làm thuê cuốc mướn”, thu nhập bấp bênh, không đủ ăn. Năm 2008, sau khi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội huyện Cư Kuin để đầu tư sản xuất, đời sống gia đình được cải thiện, ông Bom không còn sống trong cảnh “chạy ăn từng bữa” nữa. Ông Y Bom chia sẻ: “Bây giờ nhà đã có bò, có rẫy làm ăn, cuộc sống đỡ vất vả hơn trước, 2 đứa con mình đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, thu nhập cũng ổn định. Nhà mình được vậy là nhờ chính quyền tạo điều kiện vay vốn sản xuất, tư vấn “trồng cây gì, nuôi con gì” để thoát nghèo cả đấy”. Bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động thì các chính sách an sinh xã hội cũng được chú trọng thực hiện và mang lại những kết quả tích cực. Hiện xã Ea Tiêu đã cấp 1.453 thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ nghèo, 956 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo.

Nhiều con đường ở Ea Tiêu được bê tông hóa
Nhiều con đường ở Ea Tiêu được bê tông hóa

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực vươn lên của các hộ dân trong xã, đến nay toàn xã Ea Tiêu chỉ còn 386 hộ nghèo (chiếm 8,55%), giảm 142 hộ so với cùng kỳ năm trước. Bà Nguyễn Thị Thống, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tiêu cho biết: “Thời gian qua, xã đã tập trung nguồn lực, thực hiện tốt các chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, nỗ lực trong giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, số hộ nghèo của xã đã giảm nhiều, nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng được cải thiện đáng kể. Để tiếp tục duy trì hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo, thời gian tới xã sẽ tích cực huy động thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.