Multimedia Đọc Báo in

Hợp tác xã Cư Kpô: Đi lên nhờ phát triển cà phê bền vững

11:18, 18/08/2014
Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Cư Kpô (xã Cư KPô, huyện Krông Buk) được thành lập cuối năm 2009, với nhiệm vụ chính là quản lý dịch vụ thủy lợi ở 3 hồ đập trên địa bàn xã, cung cấp nước tưới cho các rẫy cà phê của các hộ thành viên.
 
Thời gian đầu, hoạt động của HTX gặp nhiều khó khăn, ông Phan Trọng Ký, chủ nhiệm HTX đã chủ động đến những HTX có mô hình làm kinh tế hiệu quả để học tập như HTX DVNN Tân Lập (huyện Krông Buk), HTX NN Chiến Thắng (huyện Ea Kar), HTX NN Công Bằng (huyện Cư M’gar)... Sau đó ông đã mạnh dạn đề xuất bổ sung, chuyển đổi chức năng của HTX theo hướng phát triển cà phê bền vững (PTCPBV) gia tăng lợi ích kinh tế. Những thành công bước đầu của một số hộ xã viên khi chuyển đổi làm PTCPBV đã minh chứng điều này.
 Ông  Nguyễn Trọng Hạnh phấn khởi trước những cây cà phê trĩu quả  của mình.
Ông Nguyễn Trọng Hạnh phấn khởi trước những cây cà phê trĩu quả của mình.

Ông Nguyễn Trọng Hạnh, một xã viên tiên phong tham gia PTCPBV tỏ ra rất vui mừng trước những kết quả đã đạt được. Trước đây, 2,5 héc ta cà phê của ông do trồng nhiều loại giống khác nhau, kỹ thuật canh tác còn thiếu chuyên nghiệp nên chất lượng vườn cây thấp, năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng; bên cạnh đó giá sản phẩm đầu ra phụ thuộc nhiều vào thị trường nên lắm lúc ông gặp nhiều lúng túng. Từ khi tham gia HTX, ông được hỗ trợ nhiều mặt như được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng theo mô hình “chuẩn” hướng dẫn tuân thủ nghiêm ngặt về Bộ quy tắc 4C, Bộ Nguyên tắc UTZ CERTIFIED, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP cho cà phê tại Việt Nam... nên chất lượng sản phẩm được cải thiện, năng suất vườn cà phê của ông đạt bình quân 3,7- 4 tấn nhân/héc ta, được nhà máy Dak Man thu mua, bao tiêu theo hợp đồng. Với giá bán luôn cao hơn thị trường, mỗi năm ông thu về hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, do làm theo những yêu cầu của PTCPBV nên đất trồng không bị thoái hóa, vườn cây sạch, không thuốc xịt cỏ, không tồn đọng bao bì trên nền đất, hạn chế rất nhiều rác thải nông nghiệp trong quá trình chăm sóc và sản xuất nên có tác động tích cực tới việc bảo vệ môi trường. Ông Hạnh cho biết: “Vào HTX làm cà phê bền vững  so với tự làm nhỏ lẻ thì “lợi đủ đường”, hiệu quả kinh tế cao, có liên kết nhiều mặt từ nơi cung cấp giống đến thu mua, ổn định đầu ra cho sản phẩm... bên cạnh đó còn giúp bảo vệ môi trường đất đai, giúp phát triển kinh tế bền vững nên tôi rất phấn khởi”.

Cà phê làm ra có chất lượng, bán được giá cao, ổn định nên các xã viên trong HTX nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, nhiều hộ nông dân trồng cà phê khác trên địa bàn xã đã chủ động xin gia nhập HTX, nâng tổng số xã viên lên 36 hộ, diện tích cà phê bền vững được hơn 50 héc ta. Với năng suất trung bình trên 3,7 tấn nhân/ héc ta, nhiều hộ đã cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu. Hiện mỗi xã viên góp tối thiểu trên 20 triệu đồng làm vốn huy động, kết hợp với vốn điều lệ sẵn có, HTX DVNN Cư Kpô có nguồn lực tiếp tục đẩy mạnh PTCPBV, mở rộng phát triển thêm những mô hình khác như chăn nuôi bò vỗ béo, đào ao thả cá, nuôi gà thả vườn... nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Tuy rằng vẫn còn có nhiều trở ngại như chưa có trụ sở hoạt động, chưa tiếp cận được nhiều gói hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước dành cho HTX như ưu đãi về tín dụng, hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh... nhưng nhờ lợi ích từ PTCPBV, HTX DVNN Cư Kpô đang từng bước đi lên, góp phần đưa xã sớm hoàn thành các tiêu chí của Chương trình Xây dựng nông thôn mới như tiêu chí 13 (phát triển HTX), tiêu chí 10 (thu nhập), tiêu chí 17 (môi trường)...

Đức Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.