Huyện Krông Bông: Hiệu quả hoạt động từ Tổ hợp tác dùng nước Ea Trul
Những năm trước, sản xuất nông nghiệp ở xã Ea Trul, huyện Krông Bông năng suất bấp bênh do nước tưới không bảo đảm. Từ năm 2009 trở lại đây, tình trạng này đã được khắc phục nhờ hoạt động hiệu quả của Tổ hợp tác dùng nước xã Ea Trul.
Ea Trul là một trong những địa phương phát triển mạnh cây lúa nước của huyện Krông Bông, với diện tích hơn 500 ha. Tuy nhiên, do địa hình có nhiều đồi dốc, nguồn nước tưới hạn chế và hệ thống thủy lợi tạm bợ, nên trước đây phần lớn diện tích đất lúa chỉ sản xuất được một vụ. Từ những năm 2007 – 2009, trên địa bàn xã có 7 công trình thủy lợi được xây dựng, sửa chữa, nhưng chủ yếu là công trình quy mô nhỏ, hệ thống kênh mương chưa đồng bộ, nên việc phục vụ nước tưới trong mùa hạn không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, do việc quản lý, vận hành công trình yếu kém nên thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp nước tưới, không những gây lãng phí nguồn nước mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa bàn. Trước tình hình này, tháng 9-2009, chính quyền địa phương đã quyết định thành lập Tổ hợp tác dùng nước Ea Trul nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước phục vụ sản xuất.
Tổ hợp tác dùng nước Ea Trul sửa chữa công trình thủy lợi hư hỏng. |
Hiện Tổ hợp tác có 16 thành viên, đang quản lý, vận hành 7 công trình thủy lợi gồm: đập tràn Buôn Krông, Buôn Plum, Cư Mil, Băng Kung, hồ chứa Ea Yuôi, đập dâng thôn 2, đập Ea Hra và 11,7 km kênh mương, phục vụ nước tưới cho hơn 500 ha lúa nước của gần 900 hộ ở 8 thôn, buôn trên địa bàn xã. Để công tác vận hành công trình đạt hiệu quả cao nhất, tổ đã giao cho từng thành viên chịu trách nhiệm phụ trách từng đập theo địa bàn, thường xuyên kiểm tra vận hành, điều tiết nước; vào thứ 6 hàng tuần đều tổ chức giao ban để các thành viên báo cáo tình trạng chất lượng và hỏng hóc (nếu có) từng công trình và tham mưu sửa chữa kịp thời. Bên cạnh đó, tổ cũng thường xuyên tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy nhằm tránh thất thoát nước trong quá trình đưa nước về các cánh đồng. Để hoạt động điều tiết nước hợp lý, khoa học, căn cứ theo lịch thời vụ của xã, ngay từ đầu vụ tổ đã phân công các thành viên theo dõi sát sao từng đập, từng tuyến kênh, không để xảy ra tình trạng đầu tuyến thừa nước, cuối tuyến thiếu nước. Vào cao điểm mùa khô, tổ bố trí lực lượng trực đêm để chia nước đến từng khu vực có nguy cơ thiếu nước và khuyến cáo người dân không tự ý tháo nước tùy tiện, cản trở việc điều tiết của tổ. Nhờ đó, phần lớn diện tích lúa trong quy hoạch của xã đều có nước tưới, hạn chế thấp nhất thiệt hại bởi hạn hán, đồng thời tránh được tình trạng tranh chấp nước giữa các hộ dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, trước mỗi mùa mưa, tổ đã chủ động sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các công trình để tránh sạt lở; riêng trong năm 2014, chi phí sửa chữa đã lên 45 triệu đồng bằng nguồn cấp bù thủy lợi phí, đồng thời huy động hàng trăm ngày công nạo vét hơn 4 km kênh mương nội đồng.
Chị H’Hát Ênuôl (Buôn Plum, xã Ea Trul) cho biết: chị làm 5 sào lúa nước gần nhà, trước đây sản xuất luôn phụ thuộc nước trời nên vụ được, vụ mất. Không những thế, vào cao điểm mùa khô, nhiều người ra đồng tranh nhau tháo nước vào ruộng của mình nên dẫn đến xích mích, gây mất tình làng nghĩa xóm. Từ khi có Tổ hợp tác dùng nước, chị yên tâm về nước tưới, năng suất lúa cũng tăng lên 2-3 tạ/sào; nhiều người còn mở rộng diện tích trồng lúa nhằm tăng thu nhập cho gia đình.
Ông Ngô Văn Năm, Tổ trưởng hợp tác dùng nước Ea Trul cho biết, thời gian tới tổ sẽ tăng cường đưa các thành viên trong tổ tham gia các lớp tập huấn chuyên môn và tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương khác. Đặc biệt, hiện nay đang trong vụ hè thu thường xuyên xảy ra mưa bão, tổ tập trung lực lượng trực thường xuyên tại các công trình dễ bị sạt lở, vỡ đập để sẵn sàng xử lý những sự cố xảy ra.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc