Multimedia Đọc Báo in

Quản lý khai thác công trình thủy lợi: Còn nhiều bất cập

09:53, 15/08/2014

Những năm gần đây, tốc độ xây dựng công trình thủy lợi trên địa bàn Dak Lak khá nhanh, số lượng công trình tăng mạnh. Tuy nhiên, việc khai thác và quản lý các công trình thủy lợi còn nhiều bất cập…

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có 774 công trình thủy lợi, trong đó hồ chứa 587, đập dâng 127, trạm bơm 60, năng lực tưới cho trên 200 nghìn ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, với diện tích đất và nhu cầu sản xuất nông nghiệp lớn, việc phát triển thủy lợi chưa theo kịp và do nguồn vốn có hạn nên phải đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa còn nhiều. Vì vậy, các công trình sau khi được xây dựng đưa vào sử dụng chưa phát huy hết công suất thiết kế, năng lực thực tế hiện nay của các công trình thủy lợi chỉ chiếm 65% năng lực thiết kế; một số công trình bị hư hỏng xuống cấp, không có vốn đầu tư sửa chữa, năng lực thực tế chỉ đạt ở mức 39-40% so với thiết kế. Thêm vào đó, hạ tầng thủy lợi nội đồng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo quy trình tiên tiến hoặc khó chuyển đổi khi thay đổi cơ cấu cây trồng.

Hệ thống kênh chính Tây của hồ Ea Súp thượng (huyện Ea Súp) được kiên cố hóa giúp nâng cao năng lực tưới của công trình.
Hệ thống kênh chính Tây của hồ Ea Súp thượng (huyện Ea Súp) được kiên cố hóa giúp nâng cao năng lực tưới của công trình.

Hiện Dak Lak đang tồn tại 4 loại hình tổ chức quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, gồm: doanh nghiệp công ích chuyên ngành về thủy lợi (Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh); doanh nghiệp thuộc khối sản xuất kinh doanh cà phê (các công ty TNHH MTV cà phê); các trạm thủy nông trực thuộc cấp huyện và xã; một số công trình khác do tư nhân, hợp tác xã dùng nước tự đầu tư xây dựng và quản lý. Thực tế cho thấy, các công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các trạm thủy nông cai quản thì cơ bản đáp ứng được yêu cầu về năng lực quản lý, khai thác theo quy định hiện hành, được duy tu, bảo dưỡng khá tốt và vận hành đúng quy trình. Tuy nhiên, các thiết bị phục vụ công tác quan trắc, điều tiết, dự báo, cảnh báo chưa được trang bị đồng bộ; khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của cán bộ kỹ thuật trong quản lý vận hành công trình còn hạn chế. Đối với các công trình do các công ty TNHH MTV cà phê và UBND xã, hợp tác xã quản lý, do không có cán bộ chuyên môn nên nhiều công trình không được kiểm tra, theo dõi thường xuyên, công tác duy tu sửa chữa không được quan tâm nên đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Dak Lak, những năm qua việc đầu tư các công trình thủy lợi mới chú trọng đến cây lúa, còn các loại cây công nghiệp đặc thù của vùng Tây Nguyên như: cà phê, tiêu có hiệu quả kinh tế cao lại chưa có hệ thống thủy lợi, mà chủ yếu là do người dân tự xoay sở. Hiện công ty đang quản lý 15 hồ chứa, để tăng cường công tác quản lý hồ chứa công ty phải xin thêm nguồn kinh phí từ Trung ương để bảo đảm an toàn hồ đập…

Sớm hiện thực hóa việc phân cấp quản lý

Theo đánh giá của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, nguyên nhân cơ bản đưa đến hiệu quả thấp ở các công trình thủy lợi là do yếu tố thể chế hơn là yếu tố kỹ thuật. Theo đó, cần phải tìm ra hệ thống thể chế, mô hình quản lý phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống tưới. Việc quản lý công trình thủy lợi hiệu quả không chỉ đơn thuần là thiết kế một tổ chức quản lý thích hợp, mà cần phải tạo nên mô hình gồm nhiều tổ chức khác nhau, được phân cấp nhiệm vụ và quyền lợi rõ ràng nhưng hoạt động và kết hợp với nhau trong một khung thể chế thống nhất, phù hợp. Phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi là sự phân công trách nhiệm từ các cơ quan quản lý công trình thủy lợi Trung ương cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới ở địa phương. Đây là một trong những yêu cầu bảo đảm cho hệ thống công trình thủy lợi phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế khác.

Hồ chứa nước Ea Đrăng (huyện Ea H’leo) đang được chú trọng nâng cao năng lực khai thác và vận hành.
Hồ chứa nước Ea Đrăng (huyện Ea H’leo) được chú trọng nâng cao năng lực khai thác và vận hành.

Hiện các công trình thủy lợi nhỏ của Dak Lak được quản lý theo cơ chế: UBND tỉnh phân cấp quản lý một số công trình cho UBND huyện, sau đó UBND huyện giao cho phòng nông nghiệp địa chính hoặc UBND xã quản lý. Thêm vào đó, một số huyện không đủ nhân lực để quản lý, vận hành công trình nên cán bộ phải kiêm nhiệm, dẫn đến thực chất là công trình chưa có chủ quản lý đích thực. Một số người được giao nhiệm vụ quản lý công trình này được hưởng chế độ như là công chức do ngân sách huyện hoặc xã trả hoàn toàn không phải tổ chức thu thủy lợi phí để có kinh phí quản lý và sửa chữa thường xuyên. Theo ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, Chi cục đang tham mưu cho Sở NN-PTNT chủ trì xây dựng phương án, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định phân cấp quản lý công trình thủy lợi trên địa bàn theo Thông tư số 65/2009/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT, hướng dẫn tổ chức hoạt động và phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Cùng với triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện hạ tầng thủy lợi nội đồng, trong đó tập trung củng cố tổ chức bộ máy, hoạt động và cơ chế tài chính để từng bước đưa hoạt động của các tổ chức dùng nước có hiệu quả và bền vững để các công trình thủy lợi có chủ thực sự, đồng thời đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý vận hành để tiến tới đồng bộ hóa giữa trình độ cán bộ quản lý với các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng; tăng cường xây dựng và ứng dụng các mô hình canh tác nông nghiệp tiên tiến, tưới tiết kiệm nước phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây trồng ở địa phương.

 Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.