"Cánh đồng mẫu lớn" vẫn còn... nhỏ
Mô hình CĐML được triển khai đầu tiên ở Dak Lak là cánh đồng mẫu lúa hè thu năm 2012, diện tích 10,5 ha, với gần 80 hộ dân tham gia tại thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột. Từ thành công ban đầu của mô hình này, các địa phương đã đưa vào sản xuất trên CĐML không chỉ đối với cây lúa, mà cả cây cà phê, ngô. Mục tiêu lâu dài của CĐML là từng bước hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung, với sản lượng lớn và gắn kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp (DN) từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm. Hiệu quả rõ rệt nhất của mô hình này là giúp người nông dân tiếp cận và áp dụng được tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển từ thói quen canh tác theo kiểu truyền thống sang sản xuất theo quy trình khoa học, tạo ra sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, CĐML trong tỉnh quy mô diện tích vẫn còn nhỏ, từ 10 – 60 ha, điều này gây khó khăn trong việc sản xuất đồng loạt, tập trung, cũng như áp dụng cơ giới hóa vào canh tác. Bởi vậy, một số nơi gọi là cánh đồng lớn, nhưng thực tế, người nông dân vẫn sản xuất một cách manh mún, tự phát. Cũng bởi diện tích nhỏ, nên đầu tư cho CĐML vẫn còn hạn chế, bình quân chưa đến 5 tỷ đồng/mô hình, dẫn đến, năng suất, hiệu quả kinh tế không cao hơn mấy so với canh tác theo kiểu truyền thống. Đặc biệt, mối liên kết 4 nhà trên CĐML vẫn còn lỏng lẻo, người nông dân tham gia mô hình chưa nhận được nhiều hỗ trợ đáng kể về vốn, phân bón, cây giống, khoa học kỹ thuật và thị trường từ Nhà nước, nhà khoa học và DN, nên nông dân không thật sự mặn mà với mô hình này. Trong khi đó, việc thực hiện CĐML cũng gặp khó khăn về điều kiện tự nhiện như địa hình không bằng phẳng, khó dồn điền đổi thửa; chưa hết, vụ hè thu thường trúng mùa mưa, độ ẩm cao, nhiều sâu bệnh nên nông dân thường phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, để thực hiện CĐML đạt hiệu quả, thời gian tới, địa phương cần tăng cường thu hút các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, chế biến nông sản…tham gia và hỗ trợ cho người nông dân tham gia mô hình, đồng thời, tăng mức hỗ trợ kinh phí và chọn vùng quy hoạch hình thành CĐML một cách hợp lý với diện tích lớn, tập trung.
M.T
Ý kiến bạn đọc