Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch vùng trồng hợp lý cho cây sắn

10:26, 14/09/2014

Thời gian gần đây, khi giá sắn tăng cao thì phong trào trồng loại cây này ở nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang diễn ra rầm rộ, phá vỡ quy hoạch và kéo theo đó là những hệ lụy khó lường...

Những nguy cơ tiềm ẩn

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 35.000 ha sắn (tăng hơn 30% so với năm 2011), được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Ea Kar… Những năm gần đây, giá sắn củ tuy cao nhưng cũng không ổn định. Đơn cử như năm 2011, giá sắn ở mức khoảng 1.600 đồng/kg củ tươi, mỗi héc ta người dân có thể thu lãi 15 triệu đồng, nhưng đến vụ sắn năm 2012 giá lại giảm xuống còn khoảng 900 - 1.000 đồng/kg củ tươi khiến nông dân phải một phen lao đao vì sắn. Nhiều diện tích sắn nếu thu hoạch thì giá bán cũng không đủ bù vào tiền thuê nhân công nên người dân đành để sang vụ sau. Từ đầu năm 2013 đến nay, giá sắn trên thị trường lại tăng cao và luôn ở mức kỷ lục là 2.000 - 2.300 đồng/kg củ tươi. Có những hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng nhờ trồng sắn. Ông Y Sanh Niê ở thị trấn Ea Súp cho biết, thấy nhiều người trồng sắn thu lợi nhuận cao nên đầu năm 2013, gia đình ông đã đầu tư trồng mới 60 ha sắn. Ước tính, nếu giá bán vẫn giữ ở mức cao như hiện nay thì đến cuối năm 2014 này, gia đình ông sẽ thu lãi gần 2 tỷ đồng. Theo ông Y Sanh, việc trồng sắn hầu như không cần công chăm sóc, người dân chỉ cần bỏ chi phí đầu tư cho việc xuống giống ban đầu, sau đó để cây tự phát triển, khoảng 10 tháng đến 1 năm sau là có thể thu hoạch củ. Thời gian gần đây, đã có không ít hộ dân trên địa bàn huyện Ea Súp đã ồ ạt lấn chiếm đất rừng để trồng sắn. Nhiều gia đình còn chuyển đổi một số diện tích đất đã bạc màu, trước đây trồng các loại cây khác ít hiệu quả như cây bông vải, đậu, khoai lang… sang trồng sắn.

Người dân xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn với niềm vui sắn được mùa, được giá.
Người dân xã Ea Wel, huyện Buôn Đôn với niềm vui sắn được mùa, được giá.

Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy chế biến tinh bột sắn với nhu cầu tiêu thụ mỗi năm khoảng hơn 220.000 tấn sắn củ, chưa tính số sắn lát, sắn củ bán cho thương nhân các tỉnh khác lên tranh mua. Từ thực tế đó, không ít hộ dân tăng cường mở rộng diện tích loại cây trồng này. Tuy nhiên, với thói quen canh tác thiếu đầu tư phân bón và ít chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên cây sắn đang có nguy cơ làm nhiều diện tích đất bị hoang hóa. Những năm đầu mới trồng sắn, đất còn màu mỡ nên năng suất lên đến 30 tấn củ tươi/ha, nhưng mấy năm sau năng suất sắn đã giảm, bình quân chỉ còn khoảng 20 tấn củ tươi/ha. Đa phần diện tích sắn đều do nông dân tự phát mở rộng diện tích, làm ảnh hưởng đến các cây trồng khác, thậm chí bà con còn phá cả rừng để lấy đất trồng sắn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái, khiến đất đai ngày càng nghèo kiệt. Ở những vùng đồi núi, việc trồng sắn sẽ làm cho đất dễ bị rửa trôi và thoái hóa. Sau khi đã trồng sắn thì trồng các loại cây khác không thể lên xanh tốt được dẫu đầu tư phân bón tốt đến mấy.

Cần quy hoạch diện tích sắn hợp lý

Không thể phủ nhận rằng cây sắn là loại cây trồng dễ tính, có thể sinh trưởng tốt ở những khu vực có điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, thiếu nước mà các loại cây trồng khác không phát triển được. Thế nhưng, diện tích sắn hiện đang tăng nhanh sẽ khiến diện tích loại cây trồng khác lại đang bị thu hẹp lại, rừng và đất rừng cũng bị mất đi. Điều đáng lo ngại là chất lượng sắn thấp, sản lượng không cao, nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá cả không ổn định, nông dân dễ bị lỗ. Chính vì vậy, việc quy hoạch vùng trồng là để cây sắn phát triển bền vững, mang lại nhiều lợi ích, góp phần ổn định sản lượng, nâng cao chất lượng hàng nông sản.

Nông dân xã Ea Wel thu hoạch sắn.
Nông dân xã Ea Wel thu hoạch sắn.

Ông Trịnh Tiến Bộ cho rằng, lựa chọn cây trồng để làm giàu là quyền của mỗi người nông dân. Tuy nhiên, việc phá vỡ quy hoạch đã gây ra thiệt hại cho chính nông dân, doanh nghiệp, gây khó khăn cho quản lý Nhà nước. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh thì trước hết, người dân không nên ồ ạt trồng sắn, không chuyển đổi các loại cây trồng đang cho thu nhập ổn dịnh sang trồng sắn mà phá vỡ cơ cấu cây trồng của địa phương. Đặc biệt, để việc quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định thì các địa phương trong tỉnh cần làm tốt việc quản lý diện tích sắn. Theo đó, cần đưa vào sản xuất nhiều giống sắn có năng suất cao cũng như đầu tư thâm canh, xen canh các loại cây ngắn ngày khác,  không độc canh cây sắn. Về lâu dài, để cây sắn phát triển bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ngoài tỉnh. Ngoài ra, các nhà máy chế biến cũng cần tạo điều kiện cho người dân vay vốn theo hình thức cung ứng trước bằng vật tư, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khoa học kỹ thuật, hỗ trợ công tác khuyến nông; xây dựng các khung giá mua hợp lý và có sự thỏa thuận giữa nhà máy và các hộ dân, thu mua hết sản phẩm với giá ổn định, hợp lý nhằm bảo đảm lợi ích cho người dân.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.