Trồng cao su trên đất rừng khộp – Đã đến lúc phải trả giá? (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Đánh đổi rừng khộp để... không được gì
Các nhà làm quy hoạch đã quên rằng, rừng khộp tuy nghèo gỗ nhưng có giá trị đặc biệt về môi trường và đa dạng sinh học, nó kém phát triển nhưng khó thay thế bằng các cây trồng khác. Quy hoạch phát triển cao su tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp đã góp phần hủy hoại một hệ sinh thái đặc biệt mà không mang lại hiệu quả gì.
Mất rừng, tranh chấp đất đai
Ngoài diện tích rừng đã chuyển đổi theo các dự án, việc trồng cao su đã tác động xấu đến công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Ea Súp, với tình trạng chặt phá, bao chiếm đất rừng diễn biến rất phức tạp. Báo cáo của UBND huyện Ea Súp gửi đoàn giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây nêu rõ: "Hầu hết các dự án đều bị lâm tặc xâm nhập chặt tỉa cây rừng, lấn chiếm đất. Tổng diện tích rừng bị chặt phá sau khi cho các DN thuê đất là 201 ha, trong đó Công ty Gia Huy 65 ha, Công ty Minh Hằng 70ha, DNTN Phát Đạt 40ha... Còn tổng diện tích đất bị lấn chiếm sau khi cho các DN thuê lên tới 447ha, trong đó Công ty Gia Huy 349ha, Công ty Cổ phần cao su Phú Riềng Kratie 38ha, Công ty Thái Bình Phát 30ha...".
Về mặt xã hội, việc chuyển đổi đất rừng trồng cao su đã làm phát sinh tình trạng tranh chấp đất đai kéo dài giữa các DN và người dân, có thời điểm tạo thành những điểm nóng khiếu kiện đông người (như dự án của DNTN Phát Đạt, Công ty Cổ phần cao su Trí Đức, Công ty Cổ phần Phú Riềng Kratie, các Công ty TNHH Gia Huy, Minh Hằng). Các DN cũng chưa đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng với tiềm năng, lợi thế theo dự án được duyệt. Chủ đầu tư chưa coi trọng công tác bảo vệ rừng trong vùng dự án, không bố trí lực lượng đủ mạnh và thường xuyên. Mất rất nhiều, nhưng các dự án chuyển đổi rừng trồng cao su ở huyện Ea Súp chỉ giải quyết được việc làm cho 788 lao động trong và ngoài địa phương, trong đó 507 lao động thời vụ, công nhật. Nguyên nhân là các DN muốn trồng cao su trên toàn bộ diện tích được thuê, nhưng chỉ được thí điểm 100ha, còn lại phải bảo vệ rừng, chờ kết quả thí điểm mới được chuyển đổi tiếp. Do đó, việc đầu tư hạ tầng, bố trí nhân lực trong vùng dự án bị cắt giảm tối đa.
Hệ sinh thái rừng khộp bị mất đi không dễ gì có thể khôi phục được. |
Những cảnh báo từ các nhà khoa học
Theo quyết định 3061/QĐ – UBND, ngày 3-11-2009 của UBND tỉnh, gần 8.000ha cao su phát triển tại Buôn Đôn, Ea Súp đều được chuyển đổi từ đất rừng khộp. TS Trình Công Tư - Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường Tây Nguyên (Viện Thổ nhưỡng nông hóa) cho rằng: phần lớn diện tích đất rừng khộp có thành phần cơ giới tầng mặt là cát hoặc cát pha, kết cấu đất rời rạc, nguồn dinh dưỡng kém. Cách mặt đất khoảng 20 - 40cm là tầng kết von, sỏi đá, dưới tích đất sét nên mùa nắng gió cây cao su dễ bị ngã đổ, mùa mưa bị ngập úng. Các yếu tố quan trọng khác như nhiệt độ, lượng mưa, chế độ gió vùng rừng khộp cũng tương đối khắc nghiệt. Ngay từ năm 2009, TS Tôn Nữ Tuấn Nam (Viện KHKT Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên) cho rằng: Điều kiện đất đai khí hậu vùng rừng khộp Buôn Đôn và Ea Súp khắc nghiệt, tầng đất canh tác mỏng, khả năng úng ngập trong mùa mưa cao, lượng bốc thoát hơi nước và nhiệt độ cao trong các tháng mùa khô ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng, nhất là các cây công nghiệp dài ngày, như điều, cao su và cả cây rừng trồng. Vì vậy, phát triển cao su tại vùng này cần phải cân nhắc kỹ. Nếu trồng cao su không thành công thì tác động xấu của việc mất rừng ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên của vùng là rất lớn. Trong khi đó TS Phạm Quang Khánh - Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cũng đã cảnh báo: “Rừng khộp tuy là rừng nghèo, nhưng là loại rừng quý hiếm, đặc trưng của Tây Nguyên, cần thận trọng để tránh tình trạng trồng cây cao su không hiệu quả nhưng mất rừng”. TS Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên khẳng định: "Không phải bây giờ, mà từ nhiều năm trước, chúng tôi không ủng hộ việc chuyển đổi rừng khộp để trồng cao su. Không phải 100% rừng khộp đều không phù hợp với cây cao su, nhưng trồng vài chục ha giữa tiểu khu cả nghìn ha thì có đáng gì, rồi còn việc quản lý ra sao, chế biến thế nào...? Một khi đã đưa dự án trồng cao su vào rừng thì sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý, mà sự thật là không thể bảo vệ được diện tích rừng còn lại. Ở đây cũng có vấn đề từ các đơn vị tư vấn, bởi họ luôn nói cho được để… lấy tiền. Quan điểm của tôi là trong nhiều trường hợp, muốn phát triển phải chấp nhận đánh đổi; nhưng việc phá cả hệ sinh thái rừng khộp quý hiếm mà không được gì thì hoàn toàn không nên".
Bên cạnh việc chạy đua trồng cao su theo kiểu “phong trào”, bất chấp quy hoạch và khuyến cáo của các nhà khoa học, thì sự lúng túng của các địa phương có diện tích trồng cao su trên đất rừng khộp cũng là điều đáng bàn. Theo UBND huyện Ea Súp, việc thực hiện Quyết định số 3061/QĐ-UBND, ngày 3-11-2009 của UBND tỉnh theo hồ sơ được phê duyệt và ngoài thực tế rất khó xác định mốc giới giữa trong quy hoạch và ngoài quy hoạch. Hơn nữa cơ chế thực hiện quy hoạch các loại cây trồng nói chung, cây cao su nói riêng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động nhân dân, chưa có chính sách ưu tiên việc thực hiện đúng quy hoạch hoặc có chế tài để xử lý khi vi phạm quy hoạch. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Dương Văn Xanh cũng rất trăn trở, bởi diện tích đất rừng khộp có thể trồng được cây cao su trên địa bàn huyện là rất ít. Ông Xanh cho rằng: đến nay dù chưa đánh giá được năng suất, chất lượng mủ đối với cây cao su trồng trên đất rừng khộp, nhưng với thực tế tầng đất thịt mỏng, chỉ cần khoan sâu xuống khoảng 5m là gặp đá tảng, mùa khô không phát triển, mùa mưa nước đọng phủ kín tầng mặt… thì chỉ với diện tích vườn cây cao su hiện có cũng đã là gánh nặng thực sự cho địa phương.
Với thực trạng trên, việc cần làm cấp bách hiện nay là các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp hạn chế gia tăng diện tích trồng cây cao su trên đất rừng khộp. Cùng với đó, các nhà khoa học cũng đã có đủ thời gian cần thiết để đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng về vấn đề này, cần sớm khẩn trương công bố nhằm định hướng người dân trong việc chuyển đổi cây trồng phù hợp, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc