Multimedia Đọc Báo in

Vay lưu vụ - Lợi ích thiết thực cho nông dân

20:09, 21/09/2014
Ngân hàng NN&PTNT Dak Lak (Agribank Dak Lak) vừa triển khai hình thức cho vay lưu vụ, thể hiện quan điểm nhất quán trong việc tiếp tục tăng cường các biện pháp hỗ trợ nông dân, ưu tiên dành vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trồng cây công nghiệp và ngắn ngày đều được vay

Cho vay lưu vụ là phương thức cho vay mà ngân hàng và khách hàng thỏa thuận khách hàng chỉ trả lãi và không phải trả nợ gốc khi đến hạn; khách hàng được tiếp tục sử dụng vốn vay đáp ứng nhu cầu cho vụ sản xuất tiếp theo. Theo đó, Agribank quy định đối tượng cho vay là các khách hàng hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để thanh toán các khoản chi phí trồng, chăm sóc các loại cây trồng ngắn ngày có 2 vụ liền kề (cây lương thực ngắn ngày trong vùng chuyên canh gồm lúa, ngô, khoai, sắn, đậu; cây ăn quả trong vùng chuyên canh gồm: xoài, cam, quýt, nhãn, vải, măng cụt, thanh long, sầu riêng, chôm chôm, nho, bưởi, na, chanh, dừa) và chi phí chăm sóc trong thời kỳ đã thu hoạch đối với các cây lưu gốc (mía, chuối, dứa, cói), các cây công nghiệp (điều, cà phê, tiêu).

Một hộ nông dân trồng cà phê (huyện Cư M’gar) trúng vụ.
Một hộ nông dân trồng cà phê (huyện Cư M’gar) trúng vụ.

Lãi suất cho vay được Agribank áp dụng theo quy định hiện hành tại thời điểm cho vay lưu vụ. Điều kiện để được vay là khách hàng còn dư nợ và tiếp tục có nhu cầu vay vốn; không có nợ quá hạn, nợ lãi; dự án, phương án sản xuất đang vay có hiệu quả. Do vậy, trước khi đến hạn khách hàng phải trả lãi và làm thủ tục vay lưu vụ (ký lại phụ lục hợp đồng về số tiền vay, lãi suất, thời gian…). Có thể nói, với một địa bàn có 202 ngàn ha cà phê, sản lượng 500.000 tấn; 6.300 ha tiêu, sản lượng 13.800 tấn; 33.500 ha điều, sản lượng 25.500 tấn (cùng với đó dư nợ hiện tại của Agribank Dak Lak là 10.500 tỷ đồng, với trên 75.000 khách hàng vay) thì hình thức cho vay lưu vụ chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả lớn.

Thêm điểm tựa cho người nông dân

Có một thực tế đang diễn ra là mặc dù người nông dân làm ra sản phẩm, nhưng không làm chủ được giá trị sản phẩm do mình làm ra, một trong những nguyên nhân chính là do họ không chủ động được vốn nên vay lưu vụ chính là điểm tựa của họ, Ông Hồ Văn Tây (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, nếu được áp dụng hình thức vay này, ông sẽ không phải bán ngay sản phẩm (đầu vụ thường bị ép giá) hoặc vay nóng để đáo hạn ngân hàng như vừa qua. Nhờ vậy sẽ tiết kiệm được chi phí, sản phẩm được giữ lại chờ giá cao mới bán. Hơn thế, do không phải trả nợ gốc nên gia đình ông có thể chủ động trong việc sử dụng vốn vay tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất. Một vấn đề khác mà người nông dân rất ngại đó là việc làm lại các thủ tục vay vốn, bởi không chỉ mất thời gian, chi phí mà còn bị… “hành”, điều đó giờ đã được giải quyết khi họ không phải đi ký lại các hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Theo Giám đốc Agribank Dak Lak Trần Đình Chánh, khi diện tích đất đai, loại cây trồng không thay đổi, chi phí sản xuất và thu nhập ổn định thì việc hằng năm phải trả nợ gốc rồi làm thủ tục tái vay vốn… đã gây không ít khó khăn, phiền toái cho người nông dân. Bởi vậy nên hình thức cho vay lưu vụ không những đem lại nhiều lợi ích cho nông dân mà còn giảm tải cho cán bộ tín dụng, qua đó góp phần  giảm thiểu tiêu cực trong hoạt động đáo hạn ngân hàng.

Với tính ưu việt của phương án cho vay mới này, hy vọng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ có bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân. Agribank Dak Lak đang khẩn trương triển khai công tác tập huấn đến toàn thể cán bộ tín dụng, và dự kiến từ nay đến cuối năm 2014, sẽ chuẩn bị trên 600 tỷ đồng cho vay mới theo phương thức lưu vụ, trong đó, các hộ đã vay đang còn dư nợ cũng được áp dụng ngay, còn hộ vay mới sẽ thực hiện lưu vụ cho vụ tới.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.