Multimedia Đọc Báo in

Gia nhập TPP - thời cơ và thách thức

16:56, 27/10/2014
Hiệp định “Đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương” (Tras - pacific strategic économic parnership agreement), gọi tắt là TPP, có 4 thành viên chính thức: Singapore, Chile, New Zealand và Brunei.
 
Hiện nay, có 8 quốc gia đang đàm phán để gia nhập: Australia, Péru, Việt Nam, Malaysia, Mexico, Canada, Nhật Bản và Mỹ, nâng tổng số các nước tham gia đàm phán lên con số 12. Mỹ và Nhật Bản là hai nền kinh tế lớn nhất trong tổng số 12 nước hiện đang tham gia đàm phán TPP.

TPP là hiệp định thương mại tự do lớn với phạm vi và mức độ cam kết rộng và sâu nhất mà Việt Nam từng tham gia cho đến nay, với mục đích hội nhập các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách của chính quyền…

Hiệp định này sẽ giúp xóa bỏ phần lớn các rào cản thương mại, bảo đảm quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ, được coi là hiệp định thương mại đa phương tham vọng nhất  kể từ khi vòng đàm phán về tự do thương mại toàn cầu Đô-ha thất bại. Hiệp định TPP khi đi vào hoạt động sẽ xóa bỏ đến 90% các hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên, đồng thời thiết lập một khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương với 800 triệu dân, chiếm một phần ba kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ là một hiệp định kiểu mẫu của thế kỷ 21, nó có thể mang lại những cơ hội rất lớn cho Việt Nam kết nối với các nước thành viên.

 TPP sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một khu vực thị trường nhất định. Tiếp cận với các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada với thuế nhập khẩu bằng % , kết hợp với cam kết minh bạch hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là các tập đoàn lớn từ Mỹ, Nhật Bản và các nước thành viên TPP khác.

 Quan hệ thương mại với các thị trường lớn, xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong các nước thành viên TPP, sẽ là “cú hích” thực sự cho xuất khẩu Việt Nam. Đáng kể nhất là, hàng dệt may và giày dép Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần trên thị trường các nước thành viên TPP, trong đó có thị trường khổng lồ Mỹ.

Để hưởng thuế suất nhập khẩu %, hàng dệt may Việt Nam phải dùng sợi và các sản phẩm từ sợi có xuất xứ từ các nước trong TPP. Cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác như thủy sản, đồ gỗ và nông sản cũng rất lớn…

Đối với thị trường nội địa, việc xỏa bỏ thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ các nước TPP sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Lợi ích từ những khoản đầu tư, dịch vụ từ Mỹ, Nhật Bản và các nước đối tác trong TPP sẽ tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, mang lại dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng hàng hóa tốt hơn cho người tiêu dùng.

TPP còn là động lực tốt để giải quyết những bất cập trong các hợp đồng mua sắm công và hoạt động đấu thầu thiếu minh bạch hiện nay. Mặt khác, các tiêu chuẩn về lao động, môi trường tuy có những yêu cầu cao, gây khó khăn cho Việt Nam, nhưng đó là cơ hội để Việt Nam làm tốt hơn vấn đề bảo vệ môi trường và bảo vệ người lao động nội địa.

Gia nhập TPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhanh, mạnh thị trường nội địa của mình cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước đối tác. Các nước giảm thiểu giới hạn và xóa bỏ hàng rào thuế quan để buôn bán và đầu tư với nhau thì quốc gia thành viên TPP nào cũng có lợi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại về các thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt. Dư luận xã hội lại tỏ ra lo lắng về những thách thức mà Việt Nam khó lòng vượt qua như: ngành dệt may với thực trạng 90% nguyên liệu của ngành này nhập khẩu từ Trung Quốc, một nước ngoài khối, thì mối lo không thể tận dụng cơ hội giảm thuế từ TPP là có cơ sở. Ngành giày dép Việt Nam lâu nay cũng có tình trạng tương tự.

Khi xuất khẩu, các nước trong TPP sẽ xem xét trong sản phẩm hoàn chỉnh mang nhãn hiệu “chế tạo tại Việt Nam”, tỷ lệ phần trăm của Việt Nam có bảo đảm theo quy định của TPP ? Việt Nam phải vượt qua hàng rào ngặt nghèo về xuất xứ, về điều kiện an toàn thực phẩm… Nếu không đáp ứng được các tiêu chí này thì sản phẩm đó không thể được chấp nhận lưu thông trong thị trường của TPP. Các sản phẩm công nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh nhập khẩu trong khi năng lực cạnh tranh đang dưới tầm trung bình. Việt Nam sẽ phải đối mặt trước đòi hỏi từ các nước TPP về việc mở rộng cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực như: viễn thông, dịch vụ, tài chính…Đáp ứng những yêu cầu này sẽ là thách thức về mặt kinh doanh và chính sách công của Việt Nam. Việt Nam còn phải hoàn thiện nền kinh tế thị trường theo hướng cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cải cách Luật Lao động nhằm đạt các tiêu chí mà TPP có thể chấp nhận được. Mở cửa thị trường dịch vụ, với sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới khiến các đơn vị cung cấp Việt Nam trên lĩnh vực này gặp khó khăn. Công tác chống tham nhũng, minh bạch hóa trong đầu tư, đấu thầu sẽ được đặc biệt coi trọng khi quyết định cho hoặc không cho tham gia vào thị trường của TPP.

Nếu tính toán thiệt hơn thì việc gia nhập TPP sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều lợi ích hơn là bất lợi và Việt Nam sẽ không bỏ lỡ cơ hội gia nhập TPP. Tuy vậy, đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn chưa nhận thức hết thời cơ và những thách thức chưa từng có tiền lệ khi gia nhập hiệp định này và ngay từ bây giờ phải suy nghĩ về cách thức đối diện với cơ hội cũng như thách thức từ TPP. Tinh thần TPP chưa được phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo nông dân, những người chịu rủi ro lớn nhất từ TPP.

Tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiến triển tốt, kể cả trên những vấn đề nhạy cảm nhất. Việc hoàn tất Hiệp định này ngay trong năm 2014 là mục tiêu mà các nước tham gia đàm phán đang nỗ lực đạt tới.       

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.