Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới - Nơi về đích sớm nhất

10:25, 27/10/2014

Sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí, trở thành xã đầu tiên về đích nông thôn mới của tỉnh Dak Lak.

Thành công nhờ sự đồng thuận

Đến xã Hòa Thuận hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một xã nông thôn mới (NTM). Điều dễ nhận thấy là khu dân cư với nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang được quy hoạch xây dựng theo ô bàn cờ, với nhiều đường ngang, lối dọc đã cứng hóa sạch đẹp, cùng với đó các khu thương mại, dịch vụ sầm uất…, trông chẳng khác mấy so với vùng đô thị. Trong dịp Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đến thăm (đầu tháng 10-2014), Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Nam vui mừng cho biết, đến nay xã đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí NTM và đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận là xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của Dak Lak. Có được kết quả này là nhờ sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị trong xã. Đặc biệt, phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân đóng góp, dân hưởng thụ” được áp dụng và phát huy hiệu quả trong phong trào XDNTM, nhất là làm đường giao thông nông thôn – tiêu chí khó nhất. Tính đến nay, đã có trên 53% đường trục thôn, xóm và trên 85% đường ngõ xóm trong xã đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa, trong đó phần lớn các tuyến đường đều được người dân tham gia đóng góp kinh phí và ngày công. Theo báo cáo của UBND xã, người dân ở đây đã đóng góp trên 30 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… Cụ thể, có 12 hộ tự nguyện hiến 347 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn; góp 100 triệu đồng làm đường nội đồng; hơn 9,8 tỷ đồng để đầu tư điện 3 pha phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhờ vậy mà hệ thống hạ tầng cơ sở tại xã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, học tập, sản xuất của nhân dân trong vùng. Song song với việc đầu tư hạ tầng, địa phương đã lập phương án phát triển kinh tế của xã giai đoạn 2011-2015, xác định cà phê là cây chủ lực cần tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh việc cải tạo, tái canh đối với những vườn cà phê già cỗi hoặc kém năng suất; tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đa dạng hóa để tăng thu nhập trên một diện tích…, theo đó, người dân đã chủ động đóng góp kinh phí kéo điện 3 pha vào vườn, rẫy cà phê, đến nay đã có 700 ha được tưới bằng điện lưới, địa phương cũng đang vận động nhân dân thôn 4, 8 xây dựng hệ thống điện phục vụ tưới cho khoảng 100 ha cà phê, với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Đặc biệt, xã đã thực hiện thành công cánh đồng mẫu cà phê trên diện tích hơn 33 ha, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người toàn xã đến nay đạt 24 triệu đồng/năm, phấn đấu đến năm 2015, nâng lên 37 triệu đồng/người/năm.

-	Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát (người đeo kính) đang trò chuyện với người dân xã Hòa Thuận.
Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát (người đeo kính) đang trò chuyện với người dân xã Hòa Thuận.

Bài học kinh nghiệm

Chia sẻ kinh nghiệm về XDNTM, Ban Chỉ đạo xã cho biết, ngay từ khi thành phố triển khai Chương trình XDNTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Thuận xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị xây dựng địa phương ngày càng phát triển vững mạnh. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nhằm triển khai tốt các nội dung về XDNTM đến tất cả các tầng lớp nhân dân; phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; xây dựng bộ máy chỉ đạo, điều hành từ xã đến thôn thực sự vững mạnh ... Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, xã luôn quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn để có lực lượng chuyên sâu có kinh nghiệm về XDNTM, phân công cán bộ, đảng viên cáng đáng từng công việc, tiêu chí cụ thể.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát; vừa làm vừa đúc kết thực tiễn để rút tỉa kinh nghiệm cho lần triển khai công việc tiếp theo được tốt hơn. Khi thực hiện các tiêu chí, địa phương luôn quan tâm đến nhóm tiêu chí nâng cao đời sống của nhân dân, nhằm tạo khí thế phấn khởi cho dân, vừa nuôi dưỡng sức dân, đồng thời phát huy bài học xuyên suốt “huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của các doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là cần thiết”, từ đó mới khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân là nhân tố quyết định thành công chương trình XDNTM.

Trong dịp đến thăm xã, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã Hòa Thuận, đồng thời yêu cầu xã cần giữ vững và tiếp tục hoàn thiện 19 tiêu chí đã đạt được, đặc biệt cần tiếp tục khơi dậy được nguồn lực tại chỗ của nhân dân thông qua việc đóng góp bằng công sức, tiền của vào các công trình cộng đồng, cải tạo nâng cấp nơi ở và đường làng ngõ xóm; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch các nguồn vốn đầu tư; phát huy vai trò của Ban giám sát cộng đồng để bảo đảm chất lượng các công trình hạ tầng nông thôn.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.