Giảm lãi suất huy động - Tín hiệu vui cho tăng trưởng tín dụng
Ngay sau khi quyết định trên có hiệu lực, các ngân hàng lớn trên địa bàn tỉnh đều đã thực hiện giảm lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng NN-PTNT Dak Lak (Agribank) đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 4%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 4,5%, 3 tháng là 5% và từ 4-5 tháng là 5,5%/năm; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương (Vietcombank), lãi suất kỳ hạn 1 tháng còn 4,3%/năm (giảm 0,2%), các kỳ hạn từ 2 tháng đến dưới 6 tháng áp dụng như của Agribank; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng cũng giảm về 4,3%/năm; 2 tháng là 4,5% và 3 tháng là 5%/năm; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) áp dụng lãi suất đồng loạt 4,5%/năm cho các kỳ hạn từ 1-3 tháng và 5% cho kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn từ 5% trở xuống. Việc giảm trần lãi suất huy động không chỉ là cơ sở quan trọng để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, mà còn kích thích chi tiêu góp phần tăng tổng cầu trên thị trường, bởi khi lãi suất tiền gửi hạ, người dân sẽ ít cân nhắc hơn giữa việc chi tiêu và gửi tiết kiệm hoặc họ có thể rút tiền ra đầu tư, kinh doanh... góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng và tăng tổng cầu.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh NHNN-PTNT Dak Lak. |
Không chỉ giảm lãi suất huy động, NHNN cũng đã có những chỉ đạo trong việc giảm lãi suất cho vay. Trong một cuộc họp mới đây, Phó Giám đốc Chi nhánh NHNN Dak Lak Tăng Hải Châu cho biết, bên cạnh việc giảm trần lãi suất huy động, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng đã đưa ra lời kêu gọi cộng đồng ngân hàng cả nước giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Tăng Hải Châu cũng cho biết thêm, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, bên cạnh việc điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay mới, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tích cực điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ. Tính đến ngày 31-10, dư nợ cho vay lãi suất dưới 9%/năm ước đạt 10.062 tỷ đồng (chiếm 24,14% tổng dư nợ); dư nợ cho vay lãi suất dưới 13%/năm đạt 27.158 tỷ đồng (chiếm 65,22% tổng dư nợ); dư nợ cho vay trên 13% chỉ còn 4.433 tỷ đồng (10,64% tổng dư nợ, chủ yếu là cho vay tiêu dùng với kỳ hạn trung, dài hạn).
Có thể khẳng định, quyết định hạ trần lãi suất huy động là một phần trong nỗ lực nhằm giúp các ngân hàng giảm chi phí để có thể hạ lãi vay xuống mức thấp hơn nữa nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Với những động thái trên, chắc chắn tăng trưởng tín dụng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, bởi trong các đợt tiếp xúc trước đây giữa ngân hàng và các doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định họ sẽ tích cực tiếp cận vốn hơn khi lãi suất trung và dài hạn xuống dưới 10%/năm.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc