Multimedia Đọc Báo in

Để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước

09:03, 05/12/2014
Hiện nay, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) sụt giảm mà nhu cầu chi NSNN vẫn tiếp tục tăng lên. Không chỉ nhu cầu chi đầu tư phát triển mà nhu cầu chi thường xuyên (chi cho quốc phòng, an ninh; chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, sự nghiệp kinh tế, quản lý hành chính...) cũng luôn ở mức cao đó là tình trạng của nhiều địa phương nói chung và Dak Lak nói riêng trong thời gian qua.
 
Hiện nay thu NSNN khó khăn nhưng NSNN lại luôn phải bảo đảm nguồn đáp ứng kịp thời cho các nhu cầu chi theo dự toán đã lập, bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện chính sách tiền lương và bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh... Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2014 tổng chi NSNN ước đạt 100,08% dự toán, bội chi khoảng 5,3% GDP. Mức bội chi NSNN này đã vượt trần Quốc hội phê duyệt từ đầu năm.

Trong khi bội chi NSNN chưa được đẩy lùi thì việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp chi NSNN tiết kiệm, hiệu quả đã và đang được gắn liền với việc thực hiện các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội trong triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội nhằm từng bước quản lý, sử dụng ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và có hiệu quả hơn. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13-8-2014 để chỉ đạo thực hiện quyết liệt các kỷ cương, kỷ luật ngân sách những tháng cuối năm. Đồng hành cùng với cấp ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương (các cấp chính quyền địa phương) cũng cần chủ động thực hiện đồng bộ và quyết liệt các biện pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát được các khoản chi ngân sách chặt chẽ hơn bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả nhất. Để quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm và hiệu quả, giảm bớt nỗi lo hụt thu NSNN, xin đề xuất một số biện pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm nhiệm vụ tiết kiệm chi thường xuyên theo tinh thần Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Các đơn vị có sử dụng NSNN phải tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của những tháng cuối năm (không bao gồm các khoản lương, phụ cấp).

Thứ hai, mạnh dạn cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, xe ô tô; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo (nhất là phải di chuyển đông người), lễ khởi công, khánh thành; tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm; tiết kiệm 30% chi thường xuyên của các chương trình mục tiêu quốc gia bố trí cho các nhiệm vụ chi đoàn công tác, hội nghị, hội thảo, sơ  kết, tổng kết, tham quan, học tập.

Thứ ba, việc tiết kiệm chi phải thực hiện đồng thời cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Chính quyền các cấp cần biểu dương những cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN đã thực hiện tiết kiệm chi nghiêm túc, đạt hiệu quả cao, không để xảy ra lãng phí.

Thứ tư, tập trung chỉ đạo thường xuyên và trực tiếp các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN phải chủ động rà soát các khoản chi thường xuyên, các khoản chi mua sắm, chi xây dựng cơ bản chưa thật sự cần thiết, chỉ giữ lại những dự án có hiệu quả, có tính cấp thiết, chiến lược thật sự làm động lực cho phát triển của các cơ quan, đơn vị.

Thứ năm, tăng cường chấn chỉnh nghiêm tình trạng quản lý biên chế hành chính và nợ lỏng lẻo, chất lượng quy hoạch đầu tư thấp, hiệu quả đầu tư và sử dụng vốn chưa cao, chi chuyển nguồn lớn và không giảm, sử dụng ngân sách sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn...

Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các khoản chi NSNN phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài trong hoạt động quản lý NSNN các cấp, các ngành, đơn vị mà vai trò quản lý của chính quyền địa phương các cấp phải là chủ đạo. Việc quán triệt nguyên tắc sử dụng NSNN tiết kiệm và hiệu quả ở các cấp và ở mọi cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách chính là việc làm thiết thực, cấp thiết góp phần vào quá trình lành mạnh nền tài chính quốc gia, sự phát triển bền vững đất nước nói chung và của NSNN các cấp chính quyền địa phương nói riêng.

Ths. Đăng Thủy

(Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.