Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi trâu của đồng bào Mông ở Cư Pui

17:09, 10/12/2014
Những năm gần đây, tận dụng những đồng cỏ vùng ven suối cũng như phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, nhiều hộ gia đình của 6 thôn đồng bào Mông tại địa bàn xã Cư Pui (Krông Bông) đã đầu tư nuôi trâu thả đồng và nhốt chuồng.
 
Đây là mô hình phát triển kinh tế, giúp bà con có phương tiện để cày kéo, phân bón và đem lại lợi nhuận kinh tế cao. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ tiền bán trâu.

Gia đình ông Sùng Hờ Pá là một trong những gia đình ở thôn Ea Lang vươn lên thoát nghèo nhờ chăn nuôi trâu. Năm 2007, với 10 triệu đồng tích góp được, gia đình ông mua một con trâu cái. Sau 7 năm, đàn trâu của gia đình ông đã phát triển lên đến 10 con. Vừa qua ông đã bán 2 con trâu được gần 50 triệu đồng để làm một căn nhà gỗ. Ông Pá cho biết: “Do ở gần vùng đồi dốc, nhiều cỏ nên hằng ngày gia đình mình thả trâu đi chăn dắt, không phải trồng cỏ hay đi cắt cỏ ở xa. Hiện nay gia đình vẫn còn 4 con trâu cái sinh sản, 1 con trâu đực và 3 con nghé hơn 5 tháng tuổi; trung bình mỗi năm có thêm 4 con nghé. Với giá hiện nay, mỗi con nghé nuôi từ 8-10 tháng sẽ bán được với giá trên 10 triệu đồng”.

Đàn trâu của gia đình ông Sùng Hờ Pá ở thôn Ea Lang.
Đàn trâu của gia đình ông Sùng Hờ Pá ở thôn Ea Lang.

Ông Tráng Vạng Dê ở huyện Yên Minh (tỉnh Hà Giang) vào định cư tại thôn Ea Uôl năm 2000. Khi mới vào, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vợ chồng ông suốt ngày đi phát rẫy, khai hoang, cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn để duy trì cuộc sống. Năm 2009, với khoản tiền dành dụm từ tiền bán ngô, bán sắn và vay mượn thêm, gia đình ông mua 1 con trâu mẹ giá 22 triệu đồng. Đến nay đàn trâu trong chuồng đã có 2 con trâu cái sinh sản, 1 con trâu đực và 1 nghé con 3 tháng tuổi. Ông Dê kể: “Gia đình mình vừa bán đi 1 con trâu đực được 35 triệu đồng để mua 1 xe máy và ti vi; cho đứa con trai lớn 1 con trâu cái để làm vốn. Do không có điều kiện đi chăn thả nên mình đã dành hơn 1 sào đất để trồng cỏ và dùng số rơm phơi khô từ 3 sào ruộng để làm thức ăn cho trâu. Sắp tới mình sẽ dùng tiền bán sắn vụ này để mua thêm vài con nghé về nuôi…”.

Thôn Cư Tê là một trong những thôn đồng bào Mông phát triển đàn trâu nhanh nhất của xã Cư Pui. Thôn có 173 hộ thì có đến hơn 80 hộ chăn nuôi trâu. Năm 2008, cả thôn mới chỉ có hơn chục con trâu, đến nay đã lên đến 158 con trâu. Ông Hùng Xuân Thành, Trưởng thôn Cư Tê cho biết: “Thấy việc nuôi trâu đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại có thêm sức cày, kéo nên thời gian vừa qua, rất nhiều bà con người Mông trong thôn đã đầu tư nuôi trâu. Có những hộ nhiều vốn đã nuôi từ 5-7 con, như hộ ông Dình, hộ ông Thanh... Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do số trâu trong thôn tăng đột biến và thời tiết khô hạn nên thiếu cỏ, nhiều gia đình đã phải trồng cỏ ven bờ suối hoặc đi cắt cỏ ở rất xa…”.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn xã Cư Pui có 839 con trâu, chủ yếu tập trung ở các thôn đồng bào Mông. Tuy nhiên, bà con ở đây đang chăn nuôi một cách tự phát, chưa có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nên rất dễ gặp phải rủi ro khi trâu, bò mắc bệnh. Để có được những kiến thức cơ bản trong việc chăn nuôi, nhằm phát triển đàn trâu, bò trong các thôn đồng bào Mông một cách ổn định, giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, vừa qua xã Cư Pui đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Bông mở lớp sơ cấp về chăn nuôi trâu, bò cho đồng bào Mông. Song, người dân ở đây cũng đang rất cần những cán bộ thú y có chuyên môn, thường xuyên xuống các thôn để giúp kiểm tra, điều trị những khi đàn trâu, bò bị dịch bệnh. Đặc biệt, nhiều hộ đang rất cần sự quan tâm của Nhà nước về nguồn vốn dài hạn để nhân rộng mô hình chăn nuôi này một cách hiệu quả. Hy vọng trong thời gian tới, đàn trâu, bò của đồng bào Mông ở xã Cư Pui sẽ phát triển một cách bền vững, hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập cao, giúp bà con đồng bào Mông di cư xóa nghèo bền vững.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.