Nan giải bài toán thoát nghèo bền vững (kỳ cuối)
Kỳ cuối: Để thoát nghèo bền vững
Nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, những năm qua, nhiều hộ nghèo trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để người dân thoát nghèo bền vững vẫn đang là “bài toán” nan giải đối với các ngành chức năng cũng như các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Những điển hình thoát nghèo bền vững
Nhờ các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, những năm gần đây, bộ mặt nông thôn nhiều nơi đã thực sự thay da đổi thịt. Các công trình hạ tầng như điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, thủy lợi cơ bản hoàn thiện, góp phần không nhỏ giúp đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình từ hộ nghèo biết đầu tư phát triển sản xuất với quy mô lớn đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho người lao động…
Thời gian qua, nhiều hộ nghèo thông qua chương trình vay vốn, đào tạo nghề và hỗ trợ phương tiện sản xuất đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình như trường hợp của gia đình ông Y Nẹ H’Môk ở buôn Jang Lành, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Trước đây gia đình ông rất khó khăn do đông con, trình độ canh tác rẫy lạc hậu nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Năm 2010, nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước, gia đình ông được hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Với bản chất siêng năng, cần cù và quyết tâm làm kinh tế để thoát nghèo, gia đình Y Nẹ đã cố gắng chăm sóc nên bò sinh sản đều hằng năm. Mỗi lứa bò sinh sản, Y Nẹ không bán đi mà để lại nhân đàn. Từ một bò mẹ ban đầu, đến nay gia đình ông đã có 10 con bò mẹ sinh sản. Nhờ điều kiện thuận lợi về đất đai rộng rãi, thức ăn thì có sẵn trong vườn,… ông còn nuôi thêm 10 con heo nái, mỗi năm xuất bán khoảng 100 con heo giống, thu nhập bình quân 40-50 triệu đồng một năm.
Gia đình anh Trịnh Văn Hoàn ở tổ dân phố 10, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã thoát nghèo bền vững nhờ cơ sở dệt may bao tay, tất chân của mình. |
Gia đình bà Trần Thị Tý ở tổ dân phố 9, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) trước đây cũng rất khó khăn. Chồng mất sớm do bệnh tật, một mình nuôi 3 người con học đại học, trong khi bà Tý lại không có công việc làm ổn định lại hay đau ốm nên cuộc sống gia đình thiếu thốn đủ bề. Năm 2007, bà Tý tham gia lớp học nghề chăn nuôi heo do phường Tân Thành tổ chức, đồng thời được hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội 7 triệu đồng. Sau khóa học, bà mạnh dạn đầu tư chuồng trại chăn nuôi heo thịt. Nhờ chăm chỉ làm ăn tích cóp vốn, dần dà bà Tý đã nhân rộng số lượng đàn heo thịt lên 10 con/lứa vào năm 2010. Đến năm 2011, gia đình bà đã trả hết nợ ngân hàng, thoát nghèo bền vững. Giờ đây, 3 người con của bà đã có việc làm ổn định và lập gia đình riêng. Bản thân bà Tý đã mở một cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật tại nhà để có thêm thu nhập...
Hay như trường hợp của vợ chồng anh Trịnh Văn Hoàn và Vũ Thị Mai ở tổ dân phố 10, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột). Khoảng hơn 10 năm trước, vợ chồng anh Hoàn từ quê Bắc Ninh vào Dak Lak lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Năm 2004, anh chị vay 7 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội để lấy vốn làm ăn. Sẵn có nghề may bao tay, tất chân, anh chị đã mua máy may về nhà tự làm sản phẩm và bán cho người dân trên địa bàn. Đến năm 2007, anh chị đã mở rộng ra 2 xưởng dệt may bao tay, tất chân với quy mô 1.000 m2/xưởng, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra anh chị còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 50 lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn với thu nhập ổn định từ 3-4 triệu đồng/người/tháng...
Cần những chiến lược dài hơi
Mặc dù có không ít hộ dân là tấm gương sáng, điển hình trong việc nỗ lực vươn lên thoát nghèo, song xét về mặt tổng quát thì công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng xã hội trong công tác giảm nghèo bền vững thì cần có câu trả lời bằng những hành động, việc làm hiệu quả từ thực tiễn.
Nhiều người dân cho rằng với hoàn cảnh khó khăn của các hộ nghèo và cận nghèo thì việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cụ thể, trực tiếp, mang tính trước mắt là rất cần thiết. Tuy nhiên, với tình trạng cho “con cá” chứ chưa thực sự chú trọng đến việc lo cho người nghèo “cần câu” như hiện nay thì vấn đề giải quyết giảm nghèo rất khó hiệu quả. Để người nghèo có được “cần câu đạt chuẩn”, đã đến lúc phải tập trung xây dựng và triển khai đồng bộ các chính sách mang tính chiến lược lâu dài, hướng tới đảm bảo nền tảng phát triển, thay đổi tư duy, nâng cao sinh kế… Muốn thoát nghèo bền vững, ngoài việc tăng cường các chính sách cho vay vốn một cách phù hợp, thỏa đáng, bảo đảm 100% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất đều được vay vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội, thì các địa phương cần tập trung hơn nữa việc triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt… cho các hộ nghèo. Mặt khác, cần chú trọng việc chuyển giao kỹ thuật về khuyến nông, khuyến lâm; lựa chọn và đưa vào trồng, sản xuất các loại giống cây, giống con phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng, từng địa phương...
Bà H’Minh Ayun, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Knuêk (huyện Krông Pak) cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân tái nghèo và không muốn thoát nghèo, ngoài việc thiếu đất sản xuất, thiên tai, bệnh tật… thì còn có nguyên nhân chủ quan đáng lên án là do lười lao động, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không muốn thoát nghèo. Theo bà H’Minh, để tránh tư tưởng ỷ lại, thiết nghĩ, cần giảm các chính sách hỗ trợ cho không, không gắn điều kiện; tăng các chính sách hỗ trợ sinh kế có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ có điều kiện để người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. Thực hiện việc hỗ trợ hộ nghèo theo phương châm Nhà nước tạo cơ chế, làm “đòn bẩy” để các hộ tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Có như vậy mới kiềm chế được tình trạng tái nghèo do ỷ lại. Giảm nghèo, chống tái nghèo không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội mà trước hết đó là nghĩa vụ, bổn phận của chính người dân.
Ông Y Sa Phôn Niê Knơng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB& XH khẳng định: Để thoát nghèo nhanh và bền vững thì công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là người nghèo đóng vai trò vô cùng quan trọng và có thể xem đây là nhân tố then chốt để xử lý tận gốc rễ đói nghèo, lạc hậu. Tuy nhiên hiện nay, việc đào tạo nghề cho hộ nghèo nông thôn ở nhiều địa phương vẫn còn đại khái, hình thức nên dẫn đến chuyện có người học đến 7-8 lớp đào tạo nghề mà vẫn loay hoay không có vốn để đầu tư theo nghề đã học, hoặc khi làm nghề rồi thì lại không bán được sản phẩm mình làm ra... Tình trạng tái nghèo, nghèo mới và “sợ” thoát nghèo của người dân vẫn còn là “bài toán” nan giải vẫn cần có những chiến lược dài hơi!
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc