Những ngày cuối năm trên con đường mang tên Bác
Kỹ sư Trần Vũ Đức Cường, Công ty TNHH Cầu đường Thương mại Sài Gòn cho biết: Đây là một công trình cấp quốc gia thuộc Dự án đường Hồ Chí Minh. Những ngày này, không khí làm việc của các kỹ sư, công nhân… đang diễn ra rất khẩn trương với quyết tâm sẽ hoàn thành con đường huyết mạch nối Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung cũng như vùng Nam bộ trong năm 2015. Do công trình không phải là dự án làm mới mà là vừa thi công vừa khai thác nên việc thi công đối với anh em kỹ sư có vất vả hơn. Mặt đường cũ của QL14 có chiều rộng từ 6 đến 7,5 m, còn theo hồ sơ thiết kế mới QL14 có mặt cắt ngang 23 m (nền đường rộng 12 m và mặt đường 11 m). Do phải mở rộng mặt đường nên theo quy trình là thi công một nửa đường, còn một nửa vẫn phải bảo đảm giao thông. Đơn vị của anh Cường phụ trách thi công 2,7 km trong đó có khu vực chợ Krông Buk nằm ngay giữa tuyến nên việc thi công khó nhất là phải xử lý hệ thống cống dọc ở hai bên đường qua chợ, các điểm thu mua nông sản… Nhiều tình huống phát sinh như xe ôtô chở hàng ra vào nhiều khiến việc thi công thường bị gián đoạn, do đó anh em luôn cố gắng làm khẩn trương để trả lại mặt bằng. Các thiết bị không thể triển khai đồng loạt, làm đến đâu thì toàn đơn vị phải thu dọn đến đấy để bảo đảm giao thông và vệ sinh môi trường cho nhân dân. Anh Cường tâm sự: “Được thi công con đường này, không chỉ tôi mà tất cả các anh em đều cố gắng làm thật tốt để vinh dự là một trong những người góp công, góp sức làm đẹp thêm con đường mang tên Bác”.
Những ngày này, tiến độ thi công đường Hồ Chí Minh đang được đẩy nhanh với mục tiêu sẽ bàn giao công trình vào tháng 10-2015. |
Khi thi công trên tuyến đường này, có một người mà nhiều người biết đó là ông Phạm Quang Nghiêm, Trưởng Phòng Quản lý Dự án PPP, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh. Gần 30 năm trong nghề, trong đó quá nửa thời gian ông đã theo con đường Hồ Chí Minh này từ Cao Bằng về đến đây. Quê ở Hải Dương, năm 1984, chàng kỹ sư cầu đường tốt nghiệp Đại học Giao thông – Vận tải bắt đầu nghiệp đi thi công, công trường của mình tại Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long. Kết hôn từ năm 1990 thế nhưng thời gian ông ở nhà có lẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ông thường hay nói vui với mọi người rằng: “Đời làm công trình giao thông thì ăn cơm trong văn phòng ít hơn rất nhiều so với cơm ở ngoài đường, còn bữa cơm ở gia đình thì quá quý hiếm”. Ông theo dự án này ngay giai đoạn 1 từ Cao Bằng vào đến Ngọc Hồi (Kon Tum). Đến nay ông lại nhận phụ trách làm giám đốc trực tiếp điều hành dự án qua Krông Buk về Buôn Ma Thuột. Những ngày cuối năm, công việc của ông cũng nhiều hơn. Tuyến mới này thi công từ tỉnh Kon Tum, qua Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông và Bình Phước với tổng chiều dài 535 km, khó khăn nhất vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng. Đến đầu tháng 12-2014 vẫn còn 713 m đoạn qua huyện Krông Buk và 180 m qua huyện Ea H’leo chưa được bàn giao. Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó là Luật Đất đai 2013 mới được ban hành và có hiệu lực nên toàn bộ giá cả có thay đổi, mà quan trọng hơn là quỹ đất tái định cư của huyện thì nằm trên sườn đồi chưa có cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho đời sống người dân…
Trước tình hình đó, ông thường xuyên xuống với những hộ dân còn vướng mắc, tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng, từ đó đề xuất với Ban Chỉ đạo, UBND tỉnh, huyện để đề ra phương án giải quyết. Một mặt huyện tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và san ủi mặt bằng để người dân có thể yên tâm đến vùng tái định cư. Bên cạnh đó, những hộ dân còn vườn đất rộng thì họ có thể tái định cư tại chỗ và được hỗ trợ kinh phí tháo dỡ, xây dựng nhà mới. Ông Nghiêm vui vẻ tâm sự: “Đến hết năm 2014, công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã xong và người dân cũng đã bàn giao đúng tiến độ. Bây giờ chỉ còn việc thi công nữa mà thôi. Đây là công trình trọng điểm cấp quốc gia. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng là tổng chỉ huy của công trình để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Được tham gia thi công trên con đường mang tên Bác, mỗi người đều cảm thấy ngoài sự vinh dự còn là trách nhiệm nặng nề. Mọi người từ kỹ sư cho đến công nhân ai cũng cố gắng hết mình. Đến thời điểm này, về cơ bản đã làm xong toàn bộ công đoạn cạp nền đường, lớp móng đá 1 trên mặt đường (2 lớp) và phấn đấu đến Tết âm lịch này sẽ thảm xong 70% toàn bộ khối lượng cả đoạn BOT từ cầu 110 về đến Bắc Buôn Ma Thuột gần 70 km để cho bà con đón năm mới và phấn đấu đến tháng 10-2015 sẽ bàn giao công trình sớm trước thời hạn hai tháng”.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc