Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Bình Hòa thi đua làm kinh tế giỏi

16:18, 29/12/2015
Sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, sáng tạo trong kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất là cách mà nông dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) đã triển khai thực hiện để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Là một trong những hộ đầu tiên phát triển mô hình nuôi rắn hổ trâu, đến nay, gia đình ông Phan Đình Công (thôn 5) đã sở hữu một cơ ngơi khang trang với thu nhập bình quân mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Năm 2011, về thăm quê ở Hà Nam, thấy nhiều người dân nơi đây phát triển nghề nuôi rắn cho hiệu quả kinh tế cao, ông Công về bàn bạc với gia đình và quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi rắn hổ trâu. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên đàn rắn ông mua về chết hơn một nửa. Không nản lòng, ông Công tiếp tục học hỏi qua sách, báo, đồng thời tham quan nhiều mô hình, trang trại nuôi rắn ở trong và ngoài xã. Sau 3 năm, đàn rắn của gia đình ông luôn duy trì số lượng trên 300 con, với giá bán 600.000-1.000.000đồng/kg, tạo được nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ông Công tâm sự: “Rắn sinh sản 2 lần/năm, mỗi lần cho khoảng 15 trứng, đến khi xuất chuồng có thể đạt từ 2-3kg/con. Nuôi rắn chỉ cần diện tích nhỏ để xây dựng chuồng trại, việc chăm sóc lại không tốn nhiều thời gian nên gia đình vẫn có thể phát triển thêm trồng trọt để nâng cao thu nhập”.

Ông Đoàn Xuân Thu bên mô hình trồng nấm mang lại thu nhập  ổn định hằng năm cho gia đình.
Ông Đoàn Xuân Thu bên mô hình trồng nấm mang lại thu nhập ổn định hằng năm cho gia đình.

Tham gia vào lớp học nghề trồng và khai thác nấm do Trung tâm Dạy nghề huyện Krông Ana tổ chức cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông Đoàn Xuân Thu (thôn 4) đã mạnh dạn xây dựng nhà xưởng để phát triển mô hình trồng nấm rơm. Có kỹ thuật, kinh nghiệm cộng với sự cần cù, chịu khó, chỉ sau 2 tháng ông đã trả được 6 triệu đồng tiền vốn vay từ ngân hàng. “Trồng nấm rơm không khó nhưng đòi hỏi phải có sự chăm sóc kỹ lưỡng, bởi muốn đạt năng suất cao thì phải thực hiện đúng mọi công đoạn, từ khâu thu gom rơm rạ, chuẩn bị đất, phân, nước tưới. Với nguồn vốn đầu tư ít, giá cả lại ổn định nên mô hình trồng nấm rơm của gia đình đem lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi tháng tôi thu hoạch được khoảng 2 tạ nấm, bán với giá 60.000 đồng/kg, hàng năm thu nhập của gia đình hơn 100 triệu đồng đã trừ chi phí”, ông Thu chia sẻ. Từ mô hình trồng nấm không những làm giàu cho gia đình mình mà ông Thu còn góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động ở địa phương với thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.

Nhằm vận động và khuyến khích hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, những năm qua, Hội nông dân xã Bình Hòa tổ chức phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi và đã được nhiều hội viên hưởng ứng. Cùng với việc tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, Hội còn chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dạy nghề của huyện thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, chuyển giao khoa học –kỹ thuật, giới thiệu các mô hình làm kinh tế có hiệu quả cao để nông dân học hỏi, áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi. Từ năm 2011-2013, Hội nông dân xã đã tổ chức được 24 buổi tập huấn, hội thảo, thu hút trên 2.000 lượt người tham dự; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 7,657 tỷ đồng cho 386 hộ nông dân vay; mua 200  tấn phân bón, với số tiền 720 triệu đồng theo hình thức trả chậm giúp hội viên phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Văn Anh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa cho biết: “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương được phát động từ năm 2011 đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn sử dụng các giống mới, đầu tư mở rộng và cơ giới hóa sản xuất để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Riêng trong năm 2013, toàn xã có 350 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi, trong đó có 6 hộ cấp tỉnh, 115 hộ cấp huyện và 229 hộ cấp xã”.

Có thể thấy, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở xã Bình Hòa đã tạo được động lực giúp hội viên nông dân cải thiện và ổn định cuộc sống, thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế bền vững tại địa phương, qua đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong khu dân cư.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.